Tạp văn

Gói khúc sông quê mang theo

TRUNG VIỆT 05/01/2025 09:15

Rẽ hết đám bạc hà, băng qua khu nhà bỏ hoang, tôi chạm mép nước. Chiếu một đường thẳng qua bên kia sông, là nhà dì tôi. Má tôi con út, dì là chị lớn. Bữa tết năm ngoái, tôi về thăm, ghé ngó ảnh của dượng và chị Mỹ trên bàn thờ mà ký ức bùng vỡ.

IMG_2716 copy+++++++++++++ copy
Một khúc sông quê trong ký ức. ảnh L.T.K

1. Hồi đó bên kia sông của xã, muốn qua đây, chỉ có một con đò của ông Ngọc. Ông Ngọc người tầm thấp, điếu thuốc lá quấn thường phập phù trên môi. Đám giữ bò, trâu chưa lần nào xin ông được để chèo cho đã, lý do: “bây nhảy sạt ghe tau”.

Thằng con ông một bữa lấy ghe ra, hú đám con ranh bên kia bơi ra giữa sông rồi cho lên ghe. Lựa chỗ sâu nhất, phi hết xuống sông. Có người qua sông, hú “đò, đò”, ông vác dằm ra, thấy như thủy chiến giữa sông, chửi um sùm.

Đó là tôi kể đoạn sau của nỗi nhớ.

Còn chiều đó, học sinh tan trường, khi ghe đến đoạn sâu nhất, bị chìm. Mấy người chết tôi không rõ, nhưng có chị Mỹ. Dân làng tôi lẫn làng bên, toàn tay thiện chiến bơi lội, nhưng không cứu được chị. Phải rất lâu mới kéo được chị lên. Dì tôi ngất xỉu.

Cũng một khúc sông, mà phía bên làng dì ở, rất sâu. Những hàm ếch khoét rộng vô bờ rồi lùa đất làm sụp tre, tạo những vực lút cây sào. Tôi nhớ lúc đó hình như chị học lớp 9. Trong mấy đứa con của dì, chị đẹp nhất. Lớp 9 ở quê, những ngày sau giải phóng, là lớn ngồng. Nếu không mất, thì chắc chắn sau đó chị về làm dâu xóm tôi, bởi chú trong xóm đã có ý, gia đình hai bên đã biết.

Tôi nhìn di ảnh chị, không khỏi xót xa, chẳng biết kiếp trước chị nợ chi thủy thần.

Cỏ mọc, rồi bao bận chuyển dời, dòng chảy đã kéo dài cái cồn giữa sông phía trên xa, gần về phía hạ lưu. Tôi đứng ngó đám cò nước, rồi những con chim không nhận diện được hết đậu rồi bay. Nhớ hồi đó, cứ đứng bên này ngó qua, thấy dì hay mấy chị ra sông là kêu. Bên kia đưa tay vẫy, rứa là có chuyện vui tối về kể má nghe.

2. Tôi rời làng đi xa, hiếm khi trở lại bến này. Người ta sau đó làm cầu tre, rồi bê tông lớn, mọi thứ chìm vào dĩ vãng.

Chiều nay đứng ngó, gió lồng lộng chân tóc. Dưới kia, nước lặng lờ về biển, thấy mọi thứ như trò chơi tạo hóa. Cả dì và má tôi đã qua 80 tuổi. Con của dì giờ đã có cháu gọi bà nội bà ngoại, nó gặp chào líu lo, tôi chẳng nhớ nổi mặt đứa nào, tên chi. Dì thì nói “con cứ miết rứa, lơ ngơ”.

Nhớ, mà nghĩ, đời, mọi thứ rồi cũng phất phơ. Chỉ có nước kia là không đổi, còn kẻ trên bờ như cỏ, hết lớp này đến lớp khác mọc lên. Kẻ nhớ người quên, có hay không có ký ức rồi cũng cuốn theo gió bụi.

Từ ngày có cầu lớn, ghe đò úp mái, cả chuyện đua ghe cũng xa lắc lơ rồi. Hồi đó, đua ghe là ngày hội lớn, cả năm chỉ một lần vào tháng Giêng. Đàn ông rồi đàn bà đua. Thôn đua thôn, xã đấu xã.

Ghe dài bao nhiêu mét, “linh” hay không “linh”, chạy xe máy bay hay như rùa bò, là chuyện thời sự ầm ĩ. Bến sông dậy sóng. Kẻ trên bờ vỗ tay “la hề la”. Dưới nước hét “la hề la”.

Mỗi năm lụt lớn, lại chỗ bồi chỗ lở. Nhưng rõ ràng, nó đụn một doi cát giữa sông ngày một lớn, mà sông ngày một cạn. Bến sông vắng đò, không ghe, không còn lốc cốc khoang thuyền đuổi cá, không còn “Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ” như thơ Trương Kế, là bến sông chết.

Bến sông làng tôi đã chết từ lâu rồi. Bây giờ người ta làm du lịch đường sông hồ hởi lắm, nhưng đó là đường dài đầu nguồn cuối bể, chứ đò ngang làm chi có. Không có đò ngang, thì không ai qua sông.

Một chuyến đò ngang, ngắn ngủn chứ mấy, mà sao cách trở trong lòng. Đò dọc không nhấn chìm nỗi lòng bằng đò ngang, bởi nó là khúc đoạn của bao người bên này bên tê trong du hành đời người. Tiếng gọi “đò ơi” như tiếng kêu một kiếp sẵn sàng cho lỡ làng, dang dở, trúc trắc.

3. Đứng ở bến sông, không dưng nhớ đoạn thơ trong “Ngồi lại bên cầu” của Hoài Khanh: “Rồi em lại ra đi như đã đến/ Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù/ Tôi ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng/ Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”. Có ai về bến sông xưa mà không nhớ mái tranh nghèo, nhớ những chuyến ra đi định mệnh, nhớ những lời hứa vô tăm tích?

“Con sông nào đã xa nguồn/ Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi” (Hoài Khanh). Sông về tới làng tôi, qua bến vắng này, một đoạn nữa thôi sẽ tới Cửa Đại.

Sông chảy một đời, còn người thì vạn đời nối nhau. Ai biết một trăm năm nữa, nó còn không? Nhưng chắc chắn, nó sẽ có tên trong bộ nhớ của đất, mang theo cái thảng thốt vô thường của đời người.

Mỗi một lần dự khánh thành cầu qua sông nào đó, trong cái hớn hở từ nay hết cảnh qua sông lụy đò, thế nào tôi cũng để ý tìm đôi mắt đăm chiêu của ai đó mà số phận đời họ gắn với những chìm nổi sóng xô. Đôi mắt nói lời giã biệt lẫn lộn buồn vui, rằng đời người vốn quá nhiều chia ly, nhưng có lẽ lần này là lúc tạ tình không rơi nước mắt nhưng gió quần đảo trong lòng.

Giá mà gói được khúc sông quê mang theo, dẫu không có một tiếng gọi đò…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gói khúc sông quê mang theo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO