Để phục vụ xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, UBND tỉnh quyết định tổ chức 6 hội thảo chuyên đề bàn về một số vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn mới. Trong đó, hội thảo “Cơ cấu lại nền kinh tế Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030” được tổ chức đầu tiên nhằm tạo hướng mở để thảo luận tại các hội thảo tiếp theo.
Tính toán lại mô hình tăng trưởng
Đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức được 5 hội thảo, gồm cơ cấu lại nền kinh tế Quảng Nam; phát triển chuỗi đô thị ven sông, ven biển; phát triển công nghiệp; phát triển du lịch và hội thảo về nông nghiệp; riêng hội thảo về y tế sẽ lùi lại một thời gian nữa. Các hội thảo đã mời nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, doanh nghiệp, thành phần kinh tế đến tham dự, đóng góp ý kiến.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, hội thảo cơ cấu lại nền kinh tế Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030 xuất phát từ hai yêu cầu lớn, đó là phục vụ xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh trong 5 năm tới và bắt tay vào xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là nội dung để triển khai Luật Quy hoạch lần đầu tiên được thực hiện trên cả nước.
Nói về sự cần thiết phải nghiên cứu tính toán lại mô hình tăng trưởng mới, động lực mới cho sự phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phân tích, mô hình kinh tế của tỉnh trong thời gian vừa qua đã có những bước tiến nhảy vọt, đạt được những kỳ tích, nhưng gần đây dần bộc lộ hạn chế, khiếm khuyết, động lực phát triển có phần chững lại. Ba năm gần đây đạt tăng trưởng 7 - 8%, rồi 5% và giảm còn 3,8%, trước đó kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao. Thứ hai, tăng trưởng của Quảng Nam quá phụ thuộc vào ngành công nghiệp chủ lực ô tô, ngành này tăng thì thu ngân sách của tỉnh tăng, khi có nhiều biến động thì kinh tế cũng bị biến động theo. Như thế không đảm bảo tính bền vững, đa dạng, thích ứng của nền kinh tế. Do đó, phải có sự điều chỉnh để không quá phụ thuộc vào một ngành công nghiệp.
Tại Quảng Nam, số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97%), sức chống chịu với khả năng cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn. Ngoài ra, tính liên kết vùng chưa được phát huy. Còn Khu kinh tế mở Chu Lai có phát triển nhưng hạ tầng then chốt như sân bay, cảng biển chưa phát huy hết công năng. Không gian phát triển còn chênh lệch giữa vùng đông và vùng tây, đồng bằng với miền núi. Ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, thế giới đã bước vào nền kinh tế tri thức, kinh tế số, công nghiệp 4.0,... nên sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn.
Hiến kế phát triển
Báo cáo kết quả tổ chức các hội thảo chuyên đề phục vụ xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII tại hội nghị mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, ý kiến của các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng Quảng Nam cần định hướng gia tăng các ngành dịch vụ mới để tăng tỷ trọng dịch vụ trong toàn ngành kinh tế; dịch vụ mới không chỉ ngành du lịch, mà phát triển thêm các ngành rất quan trọng là cảng biển và sân bay. Về công nghiệp, theo các chuyên gia, cần tránh xảy ra xung đột với các ngành khác như du lịch, môi trường, văn hóa; giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng phát triển đi vào chiều sâu và chất lượng, có hình thức sản xuất mới. Trong từng ngành cũng phải được cơ cấu lại. Ví dụ, công nghiệp không quá phụ thuộc vào ngành cơ khí, mà tăng công nghiệp chế biến nông lâm sản, dược liệu, thủy hải sản. Ngành du lịch tăng thêm các hoạt động du lịch vui chơi, giải trí, các hoạt động bổ trợ cho hoạt động tham quan. Phát triển kinh tế chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, đi sâu vào nâng cấp quản trị, dây chuyền thiết bị hiện đại; phát triển cân đối hài hòa giữa đồng bằng và miền núi.
Các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, cần phải thay đổi quan điểm thu hút đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, ở đây mới chủ yếu là ngành công nghiệp ô tô, các ngành công nghiệp khác chưa thấy rõ và rất nhiều ngành công nghiệp không đúng với quan điểm định hướng thu hút đầu tư ban đầu, như yêu cầu phải công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại. Ngoài ra, nền kinh tế Quảng Nam cần hết sức quan tâm đến việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương, không phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư của Trung ương trên địa bàn. Cùng với đó, phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, chú trọng đào tạo lao động, xây dựng lực lượng lao động có chất lượng, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp...