Một người quen mở dịch vụ buôn bán. Hăm hở lắm. Chủ hân hoan toan lo đã đành, chuyên viên phụ trách mảng đó ở sở chức năng cũng vào cuộc, hứa, hướng dẫn, làm điểm tựa. Biết không phải tự dưng mà được, chủ kinh doanh bỏ ngay phong bì dày cộp, rồi từ đó nhờ “online” thông đường. Lễ khai trương có đầy đủ bá quan văn võ. Vị lãnh đạo, như thói thường, không quên nhắc một câu: Các cơ quan chức năng, vì sự phát triển của doanh nghiệp, cũng là vì sự đi lên của quê hương, phải giúp đỡ, không được cản trở gây khó khăn trái pháp luật. Nhưng, mọi thứ sau đó, “điệp khúc” thanh tra, kiểm tra bắt đầu. Cơ quan nào cũng có lý do để thanh tra. Doanh nghiệp tiếp hết hơi. Hồ sơ chưa hoàn thiện, muốn mở rộng thêm, chờ sáu tháng còn mắc ở đâu đâu, hỏi ra thì được trả lời “chờ nghiên cứu”. Ngán nhất là chưa làm được gì, lại phải tiếp khách, bị hành tè le bông bí.
Tôi đem chuyện này hỏi một cán bộ thâm niên trong lĩnh vực kế hoạch - đầu tư. Ông cười chua chát: “Nói cho chú biết, lãnh đạo cấp cao thì tìm mọi cách để môi trường đầu tư thông thoáng, nhưng xuống dưới, từng ban, phòng chuyên môn, từng cá nhân, họ đặt ra một đống bùi nhùi, đẻ ra đủ thứ lý do để hành”. “Vì sao?”. “Không vì cái chung chứ sao! Để đó không giải quyết cũng chẳng đụng chi đến lợi ích của cá nhân mình, cứ viện lý do là xong. Hai, vòi vĩnh tham lam, chú ý soi có đồng nào cho mình không chứ không cần biết người ta làm ăn buôn bán, một ngày chờ đợi là một ngày khổ”. “Chính phủ bao lần tiếp xúc doanh nghiệp, yêu cầu không được hành hạ, kiểm tra, thanh tra chồng chéo…”. “Đó là quyết tâm của Chính phủ! Nhưng chú lưu ý, vì sao doanh nghiệp như người quen của chú không dám kêu kiện? Vì họ thế yếu, tiền ít, quan hệ ít, mà đã vậy thì họ sợ. Vì thế, hãy để ý mà coi, đối tượng bị thanh tra, kiểm tra thường xuyên chính là doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp chủ lực nước mình là tư nhân, mà so với thiên hạ, có được bao nhiêu doanh nghiệp lớn đâu. Buồn, đau là chỗ đó. Chứ đố các cơ quan thanh tra, kiểm tra dụng vô các doanh nghiệp lớn, tiếng tăm, vốn góp ngân sách tổ chảng. Tôi dám nói họ nếu bị kiểm tra, thanh tra, thì chẳng qua làm lấy lệ. Ông mà mò tới miết, họ nhấc điện thoại gọi lãnh đạo là ông no đòn liền”.
Người quen tôi ngán ngẩm: “Tôi biết chứ. Cũng tại mình nghèo, nên đeo cái khổ. Thôi thì “gối rơm lo phận gối rơm…”.
MỘC MIÊN