Gọi tên Mỹ Thạch - Phương Hòa

PHÚ BÌNH 15/11/2020 06:44

Ba phường Tân Thạnh, An Mỹ và Hòa Thuận của TP.Tam Kỳ hiện nay bao gồm phần lớn địa giới hai làng cổ Mỹ Thạch và Phương Hòa - có tên từ giữa thời Nguyễn. Tìm hiểu về hai làng cổ này có thể biết thêm được nhiều điều về sự thay đổi tên làng và công tích khẩn hoang lập ấp ở địa phương.

Đình làng Phương Hòa. Ảnh: PHÚ BÌNH
Đình làng Phương Hòa. Ảnh: PHÚ BÌNH

Sách Phủ biên tạp lục soạn vào năm 1776 chưa thấy ghi tên Mỹ Thạch và Phương Hòa. Đối chiếu với Địa bạ thời Gia Long có thể thấy, vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, hai làng/xã này có tên khác và địa giới cũng không giống như các thời sau.

Từ xã Đá Bạc đến xã Mỹ Thạch

Trong một bản địa bạ thời Gia Long lập năm 1814 hiện lưu tại nhà thầy giáo hưu trí Ngô Tấn Dũng (khối phố An Hà Trung, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) có ghi tên bà Nguyễn Thị Tải, ông Doãn Văn Quý và ông Nguyễn Văn Mô là người xã Đá Bạc có đất vườn (thổ viên) tại các xứ đất Đông Núi Trọc, Thao Lao và Cây Chay thuộc địa bộ xã Tứ chánh An Hà. Tự dạng “Đá Bạc” trong địa bạ này được ghi rõ như sau: Đá (từ Nôm) được viết ghép từ chữ “Thạch” (石) - chỉ ý và chữ “Đa” (多) - chỉ âm; “Bạc” (泊) được dùng nguyên chữ Nho với nét nghĩa là “bến sông, bến thuyền”.

Còn gặp địa danh Đá Bạc này trong bản “tấu nghị” của các quan địa phương tổng hợp và gửi lên vua Minh Mệnh xin đổi các địa danh thôn xã trong toàn quốc có tên Nôm sang tên chữ (Nho). Trong bản tấu nghị ấy, ở địa bàn “huyện Hà Đông” (nay bao gồm các địa phương Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh và TP.Tam Kỳ) có cả thảy 25 thôn, xã xin cải sang tên chữ. Trong đó “xã Đá Bạc thuộc tổng Đức Hòa Trung” được đề nghị cải danh là “Mỹ Thạch”. Địa danh này tồn tại mãi đến trước tháng 8 năm 1945 và còn được dân gian địa phương quen dùng đến cuối thế kỷ 20.

Tô điểm cho ý nghĩa địa danh đã được đổi này, trong một bài văn cúng xưa ở làng Mỹ Thạch có câu: “Mỹ giả: tận mỹ tận thiện chi phong/ Thạch giả: như thiết như thạch chi chất” (Dịch: Mỹ có nghĩa là hết sức giữ cho phong tục tốt đẹp/ Thạch có nghĩa là luôn giữ khí chất vững vàng như sắt đá). Cũng với ý nghĩa ấy, đình làng Mỹ Thạch xưa có câu đối: “Mỹ tự hương yên phong nhã vận/ Thạch đình phụng sự vĩnh tôn nghiêm” (Hương khói thơm danh làng phong nhã/ Vững vàng đình miếu giữ tôn nghiêm).

Đình làng Mỹ Thạch (dựng năm 1832) có kiến trúc đặc trưng của đình làng ở phía nam Quảng Nam; được người làng cho là do các thợ mộc lão luyện của làng Văn Hà (cùng huyện) kiến tạo. Xưa, giống như các đình làng khác ở địa phương, chư vị tiền hiền hậu hiền làng được thờ ở đình này.

Theo một số chi tiết của địa bạ làng Đá Bạc mà ông Nguyễn Đình Đầu, một nhà nghiên cứu địa bạ ở TP.Hồ Chí Minh chỉ ra trong sách “Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Dinh Quảng Nam, tập II” xuất bản tháng 11 năm 2010, thì xã Đá Bạc không có ruộng công; số ruộng tư của “người trong xã” hơn 125 mẫu và “của người ở nơi khác” là năm (5) sào. Để có được số 125 mẫu hoàn toàn do người làng sở hữu ấy (và hầu như không có ruộng của chủ sở hữu khác ở ngoài làng - NV) hẳn là các vị đầu tiên của các tộc họ lập xã Đá Bạc đã đến khai phá vùng này từ rất sớm - có thể là đồng thời với các vị tiền hiền lập xã Tam Kỳ gần đó (cuối thế kỷ 16).

Theo ông Nguyễn Đỗ (SN 1937, ở tổ 4 khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) thì vào trận lụt lớn năm Giáp Thìn - 1964, toàn bộ giấy tờ bằng sách liên quan đến làng lưu ở đình đều bị trôi sạch. Do đó, không còn tư liệu làm căn cứ để xác định được công tích khai phá của tiền nhân, nên trong các lễ cúng ở đình, các bậc cao niên Mỹ Thạch xưa chỉ khấn tổng quát: “Cung duy Tiền hiền chi tiên linh: Càn khôn hữu cương võng; nhật nguyệt hữu hối minh/ Mộc chi hữu bản, thủy chi hữu nguyên/ Nhân sinh bổn hồ tổ/ Nhất nhất thị tòng tiền/ Duy ngã xã chi: Tiền hiền đại công, vị tằng báo đáp”.

Từ xứ Bà Môn đến xã Phương Hòa

Giáp phía tây và phía bắc của xã Mỹ Thạch nói trên, vào nửa sau thế kỷ 19 có tên làng/xã Phương Hòa. Sách Đồng Khánh địa dư chí ghi nhận Phương Hòa là một trong 31 xã, thôn thuộc tổng Chiên Đàn Trung huyện Hà Đông thời ấy. Địa bạ thời Nguyễn ghi tứ cận xã Đá Bạc như sau: “Đông giáp xã Tam Kỳ lấy đường thiên lý làm giới/ Tây giáp xã Chiên Đàn (thuộc Liêm Hộ)/ Nam giáp xã Trường Xuân (thuộc Liêm Hộ)/ Bắc giáp xã An Hòa (thuộc Liêm Hộ) và xã An Thái (tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương; lấy sông làm giới)”. Giáp giới bốn bên đó cho biết, đến hồi lập địa bạ vùng này (khoảng 1811 - 1814, tính theo thời điểm lập địa bạ xã Tứ chánh An Hà đã nêu trên - NV), tên làng/xã Phương Hòa chưa có.

Vậy do đâu có tên xã này? Trong các văn cúng tá thổ ở làng/xã Phương Hòa xưa đều có đọc tên xứ đất Bà Môn - được cho là nơi định cư sớm nhất của một số tộc họ đến đầu tiên ở vùng này. Một tư liệu gia tộc xưa của họ Bùi hiện lưu tại nhà ông Bùi Ngọc Cảnh (SN 1966, ở tổ 5 khối phố Phương Hòa Đông, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) cho biết: ông thủy tổ họ Bùi làng Phương Hòa là Bùi Viết Nhân có quê quán từ vùng Văn Xá - Thanh Oai - Hà Đông đã đưa gia đình gồm vợ là Lê Thị Thùy và bốn người con trai là Bùi Viết Quý, Bùi Viết Phước, Bùi Viết Lộc và Bùi Viết Thọ vào vùng phía nam tháp Chiên Đàn, định cư ở xứ Bà Môn, khai hoang lập ấp, trở thành một trong những vị có công lập xã Chiên Đàn (nay một phần là phạm vi hai xã Tam Đàn và Tam An huyện Phú Ninh - NV). Xứ Bà Môn ấy chính là ấp An Hòa vào đầu thế kỷ 16 (trích nguyên văn: Vãng Thiệu Thành tam niên ngũ nguyệt kiến lập xã hiệu Chiên Đàn xã 栴檀社, cư tại An Hòa ấp 安和邑, Bà Môn xứ 婆門處).

Ấp An Hòa ấy hoàn toàn trùng với tứ cận xã An Hòa (thuộc Liêm Hộ, huyện Hà Đông) được ghi trong Địa bạ thời Gia Long (An Hòa xã: đông giáp xã An Thái, xã Thạch Tân lấy bờ ruộng làm giới/ tây giáp xã Chiên Đàn lấy bờ ruộng làm giới/ nam giáp xã Đá Bạc lấy bờ ruộng và thủy đạo làm giới/ bắc giáp xã Chiên Đàn lấy bờ ruộng làm giới). Địa giới xã An Hòa ấy cũng hoàn toàn trùng với xã Phương Hòa được ghi trong Đồng Khánh địa dư chí. Tự dạng (viết thảo) của chữ “An” (安) gần giống chữ “Phương” (芳). Nói khác đi, có thể tìm thấy sự liên hệ giữa các địa danh xứ Bà Môn - ấp An Hòa - xã An Hòa (thế kỷ 18, 19) và xã Phương Hòa (cuối thế kỷ 19 đến năm 1945). Trên tờ bản đồ tỉnh Quảng Nam do người Pháp vẽ hồi đầu thế kỷ 20, vùng đất xã An Hòa xưa được ghi chú rõ là Phương Hòa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gọi tên Mỹ Thạch - Phương Hòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO