Đường sá được chỉnh trang, cây cầu Ồ Ồ nối nhịp cùng sự vận động của thị trấn nằm trên đường 14E đã hình thành diện mạo mới của phố thị Tân Bình, ngay giữa lòng Hiệp Đức…
Đã qua rồi những băn khoăn của ngày đầu có chủ trương sáp nhập, người dân ở thị trấn Tân Bình không giấu niềm hân hoan, sau khi các tuyến đường nội thị được chỉnh trang, hệ thống giao thông bắt đầu mở rộng, xóa đi những chật chội của “tấm áo” ngày cũ. Ký ức của miền đất núi chơ vơ, bộn bề thiếu thốn đã lùi vào quá vãng, dành chỗ cho chộn rộn nhà cửa, bán mua ở trung tâm thị trấn. Vùng ven, nay cũng nhộn nhịp. Dù vẫn chỉ là một thị trấn trên đường 14E, song tâm thế của cư dân đã khác…
Không phải đến tận bây giờ, câu chuyện xây dựng và phát triển thị trấn Tân Bình mới được đề cập. Ngay từ năm 2016, khi còn địa giới hành chính cũ với tên gọi Tân An, một nghị quyết về định hướng phát triển thị trấn đến năm 2025 đã được Huyện ủy Hiệp Đức ban hành. Công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng tương xứng, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch, quản lý đô thị cũng như xây dựng nếp sống văn hóa thị dân được cụ thể hóa thành những mục tiêu rõ ràng. Và bây giờ, với sự ra đời của đơn vị hành chính mới Tân Bình trên cơ sở sáp nhập Tân An và xã Quế Bình, chính quyền địa phương càng có cơ sở để củng cố quyết tâm đổi thay hình hài, tạo nên “tấm áo mới” cho xứng tầm đô thị.
Ông Lê Viết Đinh - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng & phát triển quỹ đất huyện Hiệp Đức chia sẻ, hoạch định hiện nay của địa phương là kết nối, thúc đẩy thu hút đầu tư về phía khối phố An Bắc của thị trấn Tân Bình, đồng thời hoàn thiện hệ thống giao thông nội thị. Cùng với đó, dự án xây dựng cầu Ồ Ồ, đường nội thị phía Bắc, đường trục chính Bắc - Nam đi qua thị trấn đã khởi động giải quyết hàng loạt bức xúc về hạ tầng giao thông, đô thị.
“Chúng tôi đã hoàn thành đặt tên đường, gắn biển số nhà trên các tuyến nội thị. Tổng vốn đầu tư xây dựng đô thị Tân Bình đến nay ước đến 230 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi bộ mặt thị trấn theo hướng hiện đại, khang trang” - ông Đinh nói.
Bài toán kinh tế sẽ chuyển dịch theo những đổi thay của vùng đất, đầy hứa hẹn cho một nhịp sống mới sôi động hơn. Dù còn xa để chạm vào ngưỡng thị xã, song quyết tâm của chính quyền địa phương trong nâng tầm đô thị mới Tân Bình ngày một rõ ràng hơn.
Ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nói, mục tiêu cụ thể đặt ra là đưa thị trấn phát triển thành trung tâm kinh tế - chính trị xứng tầm với tiềm năng phát triển. Tuyến đường huyết mạch quốc lộ 14E, một trong những điểm tựa quan trọng của địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư nâng cấp, mở rộng, tạo thêm động lực để kết nối các vùng kinh tế. Đồng thời mở ra cơ hội cho Tân Bình, khi tiềm năng phát triển, kinh tế rừng, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ chế biến được khai phóng. Trên cơ sở đó, quy hoạch điều chỉnh mở rộng đô thị Tân Bình theo định hướng phát triển chung đã được tính toán, bao gồm khu đô thị, khu thương mại - dịch vụ và vùng phụ cận.
“Cơ hội phát triển cho Hiệp Đức khá lớn. Chúng tôi đã và đang kêu gọi một số nhà đầu tư để phát triển các khu dân cư, xây dựng mạng lưới cư dân đô thị, tạo sự lan tỏa sang các vùng lân cận. Đồng thời hạ tầng ven sông ở Tân Bình cũng đang được chú trọng để chuẩn bị cho tương lai, bao gồm phát triển chuỗi du lịch kết hợp với khai thác lòng hồ thủy điện Sông Tranh 4, nuôi trồng thủy sản, các vựa cây ăn quả… Nhiệm kỳ tới sẽ là thời điểm để tập trung nỗ lực, xây dựng hình ảnh mới cho Tân Bình với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế của toàn huyện” - ông Công chia sẻ.
Tân Bình, tiềm năng đang dần được đánh thức, để gọi tên “giấc mơ” phố thị, ngay giữa lòng Hiệp Đức hôm nay.