Đã quá nhiều đổi thay suốt chặng đường dài 90 năm, những chứng nhân của một thời lịch sử cũng thành ký ức, nhưng dấu tích ngày cũ ở Cây Thông Một tại khối phố Tân Thanh, phường Tân An, TP.Hội An, vẫn còn đó. Nhắc nhớ 90 năm ngày Đảng bộ tỉnh Quảng Nam chính thức thành lập, bên tấm bia di tích, câu chuyện của ngày hôm qua được kể, vang vọng những âm ba hào khí một thời…
Dấu son quá khứ
Những ngày tháng Ba như gọi về lời hiệu triệu của những người cộng sản đầu tiên thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam: “Nguyện hy sinh tranh đấu do Đảng Cộng sản Việt Nam hướng đạo, nhằm bênh vực quyền lợi cộng sản cho thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ”. Ít ai ngờ, đồng chí Phan Văn Định, nhân viên lái xe cho Công sứ Pháp tại Hội An lại là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh, mở ra trang sử mới cho vùng đất cách mạng Quảng Nam.
Theo tư liệu của Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cùng với sự vận động của phong trào cách mạng chung trong cả nước, ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX, những tiền đề, điều kiện cần thiết để thành lập tổ chức đảng ở địa phương cũng đã được các “nhân tố đỏ” tích cực chuẩn bị.
Vào tháng 9.1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản đảng Quảng Nam được thành lập. Cuối tháng 3.1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - đại diện Xứ ủy Trung kỳ vào truyền đạt thông tin về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và theo gợi ý của Xứ ủy, Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản đảng Quảng Nam nhất trí thực hiện chủ trương hợp nhất của Trung ương Đảng, quyết định ngày làm lễ chính thức đổi tên đảng.
“Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam ra đời chỉ sau gần hai tháng Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3.2.1930), cho thấy các bậc tiền bối của Quảng Nam đã giác ngộ lý tưởng cách mạng từ rất sớm. Đây là bề dày lịch sử rất đáng trân trọng, cần phải luôn được các thế hệ hôm nay ghi nhớ, gìn giữ. Trách nhiệm của tỉnh là sẽ cùng bàn bạc, phối hợp với chính quyền TP.Hội An nghiên cứu, đầu tư xây dựng Di tích lịch sử Cây Thông Một trở thành “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, học sinh của tỉnh”.
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường)
Đêm 28.3 của 90 năm trước là thời khắc có ý nghĩa lịch sử cho chặng đường đấu tranh mới, và địa điểm Cây Thông Một cũng trở thành chứng tích cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Phan Văn Định, người con quê hương Hà Tĩnh đã biến gara xe của Tòa công sứ thành nơi in ấn, cất giấu tài liệu cách mạng; biến các chuyến công tác của Công sứ Pháp thành cơ hội để rải truyền đơn. Do việc lái xe cho viên Công sứ ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo phong trào cách mạng, đặc biệt là xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng nông thôn, nên trong cuộc họp Tỉnh ủy tháng 8.1930, đồng chí Phan Văn Định đã đề nghị đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư Tỉnh ủy thay mình. Ngày 22.10.1930, đồng chí Phan Văn Định bị bắt giam ở nhà lao tỉnh Quảng Nam, sau chuyển xuống giam ở nhà lao Hội An rồi bị đày đi Lao Bảo, khi ra tù trở về quê hương Hà Tĩnh tiếp tục tranh đấu…
Quá khứ không ngủ vùi cùng rêu phong. Nhiều năm nay, Di tích lịch sử cách mạng Cây Thông Một trở thành “địa chỉ đỏ” cho những chuyến tìm về của các hội đoàn thể, của những người xưa và cả thế hệ hôm nay. Từ khoảnh khắc lịch sử 90 năm trước, công cuộc đấu tranh giải phóng của đất và người Quảng Nam hòa cùng phong trào cả nước, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Giờ phút thiêng liêng ấy làm nhiều đồng chí xúc động. Tôi lúc ấy cũng bùi ngùi không tả nổi… Hôm nay tôi đã được đứng vào hàng ngũ của những người Cộng sản, có sức mạnh đoàn kết. Việc thống nhất lại các Đảng cho tôi hiểu, Đảng của mình sắp sửa bước vào cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù”, những dòng hồi ký còn lưu lại của đồng chí Phan Văn Định là cảm xúc, cũng là tâm thế kiên trung của những người Cộng sản đầu tiên trên đất Quảng Nam, âm thầm thắp lửa và truyền niềm tin cho lớp người kế cận. Một ngọn lửa bùng lên trong lao khổ, thắp sáng cho chặng đường dài tranh đấu đến hôm nay và cả mai sau.
Vang mãi hào khí
Miệt mài của đất và người cứ lặng lẽ đắp bồi thêm dáng hình trù phú cho phố. Từ bãi biền hoang vu, cát lấp dấu chân người, phường Tân An, nơi có Di tích lịch sử cách mạng Cây Thông Một đã định hình tầm vóc phố thị đầy năng động.
Ông Trần Lộc - Bí thư Đảng ủy phường Tân An chia sẻ, từ ngày là một phần đất của Cẩm Phô, Cẩm Hà xưa, khốn khó đã bủa vây nơi này, khó từ cái ăn, cái mặc chứ chưa nói gì làm kinh tế. Nhưng rồi, cùng với sự phát triển chung của TP.Hội An, hơn hai mươi năm kể từ khi thành lập phường, đã có rất nhiều đổi thay. Từ thuần nông, gắn với ruộng vườn, Tân An trở thành phường trọng điểm về dịch vụ, du lịch và thương mại của thành phố. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, không gian đô thị quy hoạch bài bản, chỉnh trang, mở rộng, vừa là phố thị khang trang, nhưng vẫn giữ được hồn cốt của một miền đất sinh thái, văn hóa và du lịch. Và hơn hết, trong những bước chuyển mình đi tới ngày hôm nay, các thế hệ đảng viên và nhân dân ở địa phương đều biết đến di tích Cây Thông Một như một niềm tri ân công lao đối với các thế hệ tiền bối.
“Trong những dịp lễ, tết hoặc các ngày kỷ niệm quan trọng, các hội đoàn thể, tầng lớp nhân dân trên địa bàn phường tổ chức các sự kiện gắn với di tích này để giáo dục truyền thống, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, vừa để phát huy giá trị lịch sử của di tích. Diện mạo của đất này ngày hôm nay, có dấu ấn quan trọng của sự kiện tại Cây Thông Một 90 năm về trước, vì thế, với chúng tôi, nơi này còn ghi dấu niềm tự hào” - ông Lộc tâm tình.
Những giải pháp cũng đã sớm được TP.Hội An vạch ra, tìm nhiều “hướng đi” cho việc phát huy giá trị của địa điểm lịch sử đầy ý nghĩa này. Ông Lê Chơi - Phó Bí thư Thành ủy TP.Hội An chia sẻ, địa phương đã đề xuất tỉnh cho cơ chế đầu tư cơ sở vật chất tương xứng với vai trò, giá trị lịch sử di tích Cây Thông Một và đã được chấp thuận.
“Trước mắt, thành phố tập trung đầu tư lại nhà bia và chỉnh trang, mở rộng không gian, cây xanh. Về lâu dài, đã có đề án xây dựng nhà lưu niệm hoặc bảo tàng thu nhỏ về nơi ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam gắn với khai thác du lịch. Nhà lưu niệm, bảo tàng ở nơi này sẽ trở thành nơi ghi dấu tích sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh, trưng bày những hình ảnh, hiện vật quý về Đảng bộ tỉnh từ 1930 đến nay, nâng tầm một “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thế hệ trẻ. Không dừng lại ở đó, di tích cũng sẽ nằm trong tuyến tham quan khá mới mẻ về lịch sử hoặc kết hợp với các cung đường du lịch quen thuộc, phục vụ du khách tìm hiểu thêm về đất và người” - ông Lê Chơi nói.
Sẽ là một “di tích sống” với mọi người dân, du khách, khi dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Cây Thông Một đã có chủ trương của tỉnh, sắp được khởi công. Từ đây, những câu chuyện của ký ức một lần nữa trở về, giữ lấy dấu son hào hùng của đất Quảng.