Gọi về một thuở tên làng

Ghi chép của THÀNH CÔNG 05/02/2019 06:00

Không dưng mà họ - những người đã ở tuổi xế chiều của cuộc đời lắm nỗi niềm đến thế trong câu chuyện sáp nhập thôn, khối phố. Ký ức tên làng, trong họ, không chỉ là chỉ dấu cho niềm tự hào về quê hương bản quán, mà còn là hành trình dài ghi dấu những biến thiên của vùng đất sau bao cuộc đổi dời. Nên, mới lắm nỗi vui buồn…

Ảnh: Phương Thảo
Ảnh: Phương Thảo

Hơn 1.000 thôn, khối phố được sắp xếp, sáp nhập để thành lập mới  chỉ khoảng một nửa số đó. Đó là chủ trương được thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2018, còn những xôn xao thực tế đã đến trước đó vài tháng. Rõ ràng là khó tránh khỏi những xáo trộn, mà lớn nhất, có lẽ là ở chuyện tên gọi sau sáp nhập.

“Châu về hợp phố”

Tôi về xã bãi ngang Tam Tiến, một trong 13 xã, thị trấn của huyện Núi Thành tổ chức sáp nhập thôn, khối phố theo kế hoạch. Ông Bùi Duy Thông (77 tuổi) - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Bản Long của xã này nói ngay, rằng chuyện đổi tên thôn chạm tới truyền thống, tới lịch sử của làng chứ đâu phải giỡn chơi. Nên, nghe sáp nhập là đầu trên xóm dưới bắt đầu râm ran. Theo đề án, thôn Bản Long sáp nhập với thôn Tiến Thành, dù trước đây hai thôn này từng là một. “Thôn Tiến Thành tách ra từ Bản Long mới được 21 năm, nhưng cũng là một giai đoạn, một thế hệ rồi, ít nhiều cũng có cái riêng của họ, nên khi đề xuất đặt tên thôn thì phải hài hòa, có anh có tôi, anh lâu đời đứng trước, tôi mới mẻ thì ở sau, thành ra lấy tên Long Thành. Thực ra cũng là “châu về hợp phố” thôi, nhưng cái tên Long Thành vừa giữ được cái cũ nhưng cũng vừa mới mẻ, nên bà con mà nhất là mấy cụ cao niên đều nhất trí” - ông Thông nói.

Chuyện thì tốn vài phút, nhưng hỏi ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch xã Tam Tiến, mới hay để hoàn tất được tờ trình gửi lên cấp huyện, xã phải năm lần bảy lượt về từng thôn, huy động từ các cụ cán bộ lão thành tới cả… lịch sử đảng bộ để tìm kiếm cái tên chuẩn bị cho sáp nhập. Ông Giúp thông tin, trong 12 thôn của xã, chỉ có thôn Long Thạnh là đủ quy mô về dân số nên không phải sáp nhập, còn 11 thôn đều phải sắp xếp lại thành 5 thôn mới. May mắn là quãng trước đó, Tam Tiến cũng có quy mô thôn cũ đánh số trùng với các thôn được sáp nhập, nên việc xác định thôn nào với thôn nào cũng dễ. Khổ mỗi chuyện đặt tên. “Nhập thôn Bình Phú với Lộc Đông, chúng tôi họp cán bộ chủ chốt, gợi ý đặt tên là Phú Đông, hoặc Đông Phú, nhưng xuống tới dân thì không ông mô chịu. Không ai phản đối việc sáp nhập, nhưng tới lúc chọn cái tên thì cấn. Tôi nói anh em tra cứu lịch sử đảng bộ, đi hỏi thêm mấy cụ cán bộ lão thành, tìm ra được gốc gác của hai thôn này là Ngọc Giáp và Phú An. Lấy mỗi bên một chữ, ghép lại thành Ngọc An, bà con mới đi bỏ phiếu, thống nhất. Hay như chuyện sáp nhập thôn Tân Lộc và thôn Lộc Ngọc, không đơn giản là lấy một chữ ông này với một chữ ông kia, bên Lộc Ngọc có dân số đông gấp 3 lần Tân Lộc, bỏ phiếu thì chắc chắn ổng… thắng, mà làm rứa không được. Thành ra cuối cùng chọn Tân Lộc Ngọc, vừa nghĩa “Lộc Ngọc mới”, vừa giữ được chữ Tân Lộc, không mất ông nào. Dân thuận mới được, chứ không làm ào ào kiểu áp đặt, ở trên ưa chi làm nấy là tầm bậy liền” - ông Giúp nói.

Ở quê, hay phố, chuyện tên đất, tên làng là cái khó. Nhưng cũng nhờ sáp nhập, mà cái tên cũ của làng, tưởng đã mất nay lại quay về. Ba thôn Diêm Trà, Tân Bình Trung và Tú Phong của Tam Tiến được gộp lại, lấy một tên cũ, vốn là cái tên gốc của làng từ thời xa xưa: Diêm Điền. Cái tên của một thời quá vãng sống lại, như nhắc nhớ về ký ức của làng cũ, với đồng muối, với ruộng vườn…

Những niềm riêng

Chuyện sáp nhập làng ở Tam Tiến là một lát cắt nhỏ đại diện cho câu chuyện rất thời sự diễn ra trong số hơn 1.000 thôn, khối phố hiện nay. Không ai trong số những người tôi đã gặp và hỏi phản đối chuyện sáp nhập. Họ ủng hộ. Song, sau tất cả chủ trương, những thủ tục, tên làng vẫn là nỗi trăn trở lớn nhất.

Tôi mang câu chuyện đó về khối phố Phong Hồ Tây (phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn), lập tức chạm ngay vào niềm riêng của bà con trong làng. Theo tờ trình, khối phố Phong Hồ Tây có 89 hộ, được sáp nhập vào khối phố 2A, và cái tên làng biến mất. Sẽ chỉ còn lại khối phố 2A thay cho cái tên cũ. Người dân chưa chịu.

Ông Trần Văn Thành (69 tuổi) lấy chiếc xe máy đưa chúng tôi xuống tận nhà thờ tộc ở khối phố 2A, chỉ vào tấm bảng lớn: Tộc Trần Văn làng Phong Hồ. Ngay đối diện, là nhà thờ tộc Nguyễn Văn, cũng không thiếu chữ Phong Hồ, như một sự định danh. “Tôi không đồng ý, và cả thôn này không đồng ý. Bao nhiêu đời con cháu sinh ra từ thuở mở đất lập làng, gắn với cái tên Phong Hồ. Trong hương ước làng, Phong Hồ có từ thời chúa Nguyễn lập đất, là một trong những làng đầu tiên của tổng Hà Khúc thuộc phủ Điện Bàn. Năm tộc trong làng, có tộc đã đến đời thứ 20. Mấy trăm năm lịch sử trôi qua, dấu tích của bao đời lưu giữ, nay vì sáp nhập mà đánh mất đi cái tên đó là điều chúng tôi không bao giờ muốn. Máu xương đổ xuống cho đất này, hàng chục thế hệ đã dày công tạo lập, phát triển, con cháu đi tứ xứ làm ăn cũng mang theo tên làng trong tâm khảm, nay mất tên làng, còn gì là ký ức. Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận bỏ đi tên làng mình” - ông nói, có vẻ vừa buồn, vừa giận. Ba lá đơn đã được dân làng gửi đi vì muốn giữ lại tên làng, nhưng chưa có hồi đáp…

Câu chuyện sáp nhập làng không là cá biệt. Tôi hỏi ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang về chuyện sáp nhập làng và có hay không những xung đột. Thật may, có một góc nhìn khác trong chuyện sáp nhập, đổi tên làng ở huyện vùng cao này. “Tính cộng đồng của làng là một khối gắn kết khá bền chặt, do đó dù có sáp nhập, ở làng đó vẫn không thay đổi xáo trộn nhiều. Già làng trưởng bản vẫn giữ nguyên, việc cúng lễ theo nghi thức vẫn vậy, bản sắc, tập tục mọi thứ không khác đi. Chúng tôi vẫn đổi tên nhiều làng sau khi sáp nhập, đa số căn cứ vào cái tên gốc của làng. Nhiều làng trước đây trùng tên, chỉ khác là được đánh số sau tên gọi, nay sáp nhập thì xóa số đi, thôn nào phải đổi thì sẽ dùng cái tên gắn với lịch sử vùng đất đó. Nói dễ hiểu, là làng vẫn tồn tại như đã từng, chỉ sáp nhập về mặt hành chính và giảm cán bộ ở làng. Kết cấu, hoạt động vẫn như cũ, theo thông lệ, phong tục của từng làng” - ông Liếc nói.

Tên làng như chiếc rễ ăn sâu vào tâm thức, vào từng mảnh đời mà ai trong cuộc mưu sinh phiêu dạt của mình cũng mang theo như món hành trang. Nhổ bỏ chiếc rễ đó, rõ ràng là điều không thể. “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm), có những cái tên từ trong ký ức trở lại, nhưng sau cuộc sáp nhập, biết đâu đấy, lại có những tên làng rất cũ, rất xưa sẽ mất đi.

Tôi nhớ ánh mắt ông Thành, nhớ lời ông nói trước nhà thờ tộc, rằng đời này, đời sau có khác thế nào đi nữa, chúng tôi vẫn là con dân của đất Phong Hồ…

Ghi chép của THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gọi về một thuở tên làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO