Gọi vốn cộng đồng cho khởi nghiệp

NGUYỄN ĐẮC 23/07/2018 10:34

Vốn - thường được hiểu theo nghĩa “tiền và các thứ tương đương tiền”. Thế nhưng, vốn liếng để khởi nghiệp bền vững không chỉ có vậy, mà cần có thêm vốn con người, vốn công nghệ, vốn bản địa và đặc biệt là vốn xã hội (hay gọi là vốn cộng đồng).

Các diễn giả tham gia tọa đàm tại SURF 2018. Ảnh: N.Đ
Các diễn giả tham gia tọa đàm tại SURF 2018. Ảnh: N.Đ

Tại Hội nghị & triển lãm khởi nghiệp quốc tế Đà Nẵng (SURF 2018) tổ chức vừa qua, bà Minh Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) chia sẻ, bà nhớ hoài lời trách của một bạn trẻ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu khi đến hướng dẫn họ khởi nghiệp, rằng “Trung ương Đoàn “keo” lắm, cấp vốn khởi nghiệp mà chỉ 30 triệu đồng, không đủ thiếu gì hết!”. Bà hỏi, với 30 triệu đó bạn đã làm gì? Rồi bây giờ bạn cần thêm bao nhiêu? Bạn lưỡng lự hồi lâu, rồi cười, trả lời, dạ chưa biết. Như vậy, Trung ương Đoàn có đưa bao nhiêu cho bạn cũng vẫn không đủ, mà Trung ương Đoàn thì… không in được tiền.

Vậy doanh nghiệp star-up nên tạo vốn như thế nào? Và vấn đề quan trọng nhất là làm sao chuẩn bị, sẵn sàng và biết cách làm việc với nhà đầu tư “xuống tiền”?

Khó gọi vốn truyền thống

Hiện nay có nhiều cách để các doanh nghiệp khởi nghiệp thu hút vốn. Kênh dễ dàng nhất mà công ty hay tận dụng là kêu gọi vốn từ người thân và gia đình, tuy nhiên có thành công hay không là phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình và dĩ nhiên, phương thức này hoàn toàn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát. Một cách gọi vốn khác là vay ngân hàng, nhưng hình thức này gặp khá nhiều bất cập, bởi vì đa số ngân hàng thường dựa trên bản báo cáo tài chính để đánh giá khả năng hoàn trả vốn vay của các doanh nghiệp, chưa kể các doanh nghiệp phải đặt cọc bằng tài sản thế chấp và phải trả lãi suất theo định kỳ, điều rất khó khăn, hoặc có thể nói là không thể đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các quỹ đầu tư tài chính hiện nay thường chỉ góp vốn khi các dự án đã đạt được một số thành quả nhất định, có thể là sản phẩm mẫu hoặc mô hình kinh doanh rõ ràng. Mới đây, ông Trần Nguyên - Giám đốc điều hành Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), vinh dự là đại diện duy nhất của châu Á được tham gia  Chương trình kết nối khởi nghiệp Thụy Sĩ trong một tuần ở Innovation Park (Công viên đổi mới sáng tạo) của thành phố Biel - Thụy Sĩ, đã được gặp nhóm những nhà đầu tư “thiên thần” cho khởi nghiệp. Đại diện của nhóm này là Roland Zeller, nhà sáng lập trang web Travel.ch năm 1990, dựng lên từ con số 0 đến nay lúc hoạt động toàn châu Âu thì bán nó đi, dùng số tiền tích lũy được để làm “thiên thần”. Nhưng mỗi tháng ông Roland Zeller nhận hơn 60 hồ sơ gọi vốn, phần lớn xem một chút rồi bỏ qua, chỉ tập trung nghiên cứu kỹ, gặp gỡ trao đổi với 3 - 4 dự án phù hợp với mình. Tức là, một năm, vị tỷ phú này tiếp cận đến 500 hồ sơ khởi nghiệp nhưng cuối cùng cũng chỉ đầu tư được tối đa là 4 doanh nghiệp khởi nghiệp”. Ông Trần Nguyên chia sẻ: “Thiên thần, không có nghĩa là cứ khóc thì bụt hiện ra, mà doanh nghiệp phải làm việc rất nhiều để chúng tôi nhìn thấy lý do mình cần phải “chắp thêm cánh” cho doanh nghiệp khởi nghiệp bay lên cao. Ý tưởng phải đủ lãng mạn để có thể mang lại lợi nhuận gấp 30 lần nhưng phải đủ thực tế để mọi người đều muốn tham gia. Đội ngũ phải đủ mạnh và đa dạng về năng lực…”.

Ngoài ra, còn có thể kể đến việc huy động vốn thông qua các quỹ nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Thế nhưng, trên thực tế những nguồn vốn này chưa được phổ biến rộng rãi với cộng đồng star-up, bởi vì quy định và thủ tục chính sách khá rườm rà và cũng chỉ nhắm tới những đối tượng nhất định như là các dự án  nhà ở xã hội, trồng rừng, phát triển sinh kế cho dân nghèo…

Nhìn chung, các phương thức huy động vốn truyền thống ở trên đều rất khó khăn cho các công ty khởi nghiệp khi mà ý tưởng của họ phần lớn chỉ mới thể hiện trên trang giấy.

Gọi vốn cộng đồng

Vào đầu những năm 2000, trên thế giới đã xuất hiện một hình thức gọi vốn mới, không bị giới hạn bởi vị trí địa lý, có thể hướng tới số lượng nhà đầu tư nhiều hơn bất cứ hình thức nào kể trên, đó là gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding). Đây là hình thức kêu gọi sự góp vốn của cộng đồng để giúp một doanh nghiệp khởi nghiệp biến ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ hay dự án thực tiễn.

Nền tảng của Crowdfunding là một trang web mà cá nhân muốn khởi nghiệp đăng tải một video truyền thông về dự án của mình để khơi mào chiến dịch gọi vốn cộng đồng, bao gồm: mục tiêu số vốn mà các star-up muốn huy động và phương thức đền đáp những người đã sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư cho dự án của mình. Quy trình này nhanh gọn, thủ tục đơn giản mà không đòi hỏi các điều kiện thế chấp như huy động vốn từ ngân hàng hay các quỹ đầu tư khác. Đây không chỉ là giải bài toán đơn thuần về huy động vốn, gọi vốn cộng đồng còn là bảo chứng xác thực nhất về sự đón nhận của thị trường. Tại Việt Nam, nền tảng cộng đồng tuy mới phát triển trong những năm gần đây, nhưng cũng đã nhận được niềm tin của cộng đồng người Việt, đơn cử như: FirstStep, Camicola, Fundstar, Charity Map, FundingVN… chủ yếu ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Còn tại Đà Nẵng, hình thức gọi vốn cộng đồng chưa xuất hiện, trong khi hệ sinh thái nơi đây rất non trẻ.

Giám đốc DNES Trần Nguyên cho biết, sau gần 3 năm hoạt động, DNES đã tổ chức hơn 150 sự kiện và chương trình đào tạo lớn nhỏ, tạo điều kiện cho hơn 4.500 người tiếp cận các kiến thức về khởi nghiệp. Đặc biệt, sự kiện SURF 2018 đã tạo cơ hội cho 2.000 người khởi nghiệp giao lưu và kết nối nhằm phát triển dự án khởi nghiệp. Hơn thế, DNES đã tổ chức được 5 khóa ươm tạo khởi nghiệp, mang đến sự hỗ trợ thiết thực cho 40 dự án khởi nghiệp tiêu biểu. Ông Trần Nguyên khẳng định, nền tảng cộng đồng trực tiếp nếu được xây dựng thành công tại Đà Nẵng sẽ là một kênh truyền thông hiệu quả cho các dự án tiềm năng. Hiện tại, Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP.Đà Nẵng đã bắt tay vào xây dựng đề án thành lập một nền tảng gọi vốn cộng đồng cho các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng, dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian tới.

NGUYỄN ĐẮC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gọi vốn cộng đồng cho khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO