Gốm Chăm

KIỀU MAILY 22/08/2021 06:31

Đã trải qua thời đoạn thịnh suy, gốm Chăm của làng Ligok (Trì Đức) ở Bình Thuận và làng Hamu Crok (Bàu Trúc) ở Ninh Thuận tạo sức hút riêng từ kỹ thuật chế tác nguyên sơ, mang đậm dấu ấn độc bản qua từng sản phẩm.

Gốm Bàu Trúc được chế tác thủ công.
Gốm Bàu Trúc được chế tác thủ công.

Ký ức gốm

Gốm Sa Huỳnh nổi tiếng phong phú về mẫu mã, được xem là một trong những sản phẩm kỹ thuật cao của gốm đất nung thời đó. Người Chămpa tiếp nối văn minh Sa Huỳnh, không thể không tiếp nhận truyền thống này.

Thế nhưng qua bao biến cố lịch sử, gốm Chămpa đã bị thất lạc và mất dần, nhất là cách chế tác và kỹ thuật cao về nung gốm hoàn toàn biến mất trong đời sống hiện tại, có chăng chỉ là những ký ức nhạt nhòa.

Cả hai làng Chăm đang sản xuất và tạm sống bằng nghề gốm hôm nay: làng Ligok (Trì Đức) ở Bình Thuận và làng Hamu Crok (Bàu Trúc) ở Ninh Thuận vẫn chỉ còn lưu truyền lối sản xuất mộc mạc, thô sơ.

Mẹ tôi kể, thời mẹ còn nhỏ thường thấy người dân làng Bàu Trúc đội giành gốm đi rao bán khắp làng Chăm. Đó là các sản phẩm bà nội hay mua dùng hàng ngày như nồi trã để nấu cơm, mà mỗi lần rửa là phải thật cẩn thận, không là rớt bể, phải chờ người “làng xa” ấy đội gốm đi qua mới mua cái mới khác mà dùng.

Thời đó dân quê không tiền mặt, muốn mua người ta phải đổi thóc hay gạo để lấy gốm, một đổi một. Như bà đổ thóc đầy cái trã để lấy cái trã đó. Đôi khi nhà có gì đổi nấy cũng xong.

 

Người mua đã vậy, người bán cũng không có gì khấm khá hơn, bởi làm đã cực, mà tiêu thụ càng cực hơn. Thời Pháp thuộc, bà kể mỗi tháng đều thấy gốm Bàu Trúc được chở cả toa xe lửa ra Nha Trang bán. Mà bán cả tháng mới hết!

Gốm Chăm quanh quẩn vẫn bao nhiêu mẫu mã đó: nồi nấu cơm, trã nấu canh, lu đựng nước, loại dày hơn gọi là ảng để rộng cá, còn dành thì dùng đựng thóc… Không hơn hai mươi mẫu mã các loại và dùng cho sinh hoạt là chính. Tất tần tật không dùng quá hạn vài năm.

 Mãi đến năm 1986, gốm Chăm mới bắt đầu có chuyển biến bởi lối nghĩ mới của họa sĩ Sĩ Hoàng. Qua chuyến thực tập thời còn sinh viên, anh bỗng mê gốm Chăm. Thế là sau khi ra trường, anh quyết về làng Chăm cùng ăn, cùng ở với bà con...

Và rồi sau 12 năm lăn lộn, Sĩ Hoàng phác họa nhiều mẫu mã để bày vẽ cho bà con Bàu Trúc chế tác theo kiểu dáng của mình. Được đơn đặt hàng đầu qua lần triển lãm tại Sài Gòn, thu hút khách, từ đó anh khuếch trương và gốm Chăm được biết đến rộng rãi.

Sức hút

Hiện nay, gốm Chăm nói riêng và gốm Bàu Trúc nói chung đã đi ra thế giới. Vậy, đâu là sức hút của gốm Chăm? Nó có cái gì độc đáo ở đó?

Được biết Bàu Trúc là một trong vài làng có cách chế tác gốm cổ nhất Đông Nam Á, có thể gọi đó là “thương hiệu”. Thương hiệu đó đã làm nên cái lạ của gốm Chăm chính là kỹ thuật sản xuất hoàn toàn bằng tay, từ khâu lấy đất, làm đất, nặn gốm tạo hình, cho đến kỹ thuật nung cũng rất ư là… lỗi thời.

Hỏi có nơi nào hiện nay thợ làm gốm mà cứ đi giật lùi và không cần dùng đến bàn xoay không? - Chỉ có ở Bàu Trúc. Và nơi nào nung gốm ngoài trời với nhiệt độ không quá 800 độ C không? - Là gốm Bàu Trúc.

Thế nên khi nhàm chán sản phẩm công nghiệp cho ra lò hàng loạt thứ như nhau, người ta tìm đến sản phẩm thủ công “chính hiệu”. Gốm Chăm đáp ứng nhu cần “thưởng thức” đó. Nó hấp dẫn du khách là thế. Mỗi sản phẩm gần như là một tác phẩm nghệ thuật!

Sông Quao nằm phía Bắc cách Bàu Trúc non cây số cung cấp cho dân làng thứ đất sét có độ mịn, dẻo rất riêng, khi đem trộn với cát hạt nhỏ li ti trở thành thứ bột không đâu có. Từ chất liệu trời ban kia, người Bàu Trúc làm nên tác phẩm nghệ thuật của mình. Mỗi lần ghé làng Bàu Trúc gặp trúng vào dịp dân làng ra lấy đất, tôi mới thấy sự chuẩn bị rất công phu của thợ gốm Chăm.

Đất sét mang về được đập tơi ra từng miếng nhỏ rồi đem phơi khô, sau đó người ta sàng bỏ các tạp chất và tiếp tục ngâm nước trong hố đã đào sẵn ở nơi thoáng mát. Ngâm qua ngày thì đất sét được vớt lên phân ra theo kích thước sản phẩm, sau đó mới tới trộn cát vào khoảng đất sét đó. Bí quyết pha trộn thì mỗi người mỗi cách, không ai chỉ cho ai được.

Công đoạn có lẽ thích mắt nhất là lúc sản phẩm gốm được trang trí hoa văn. Các họa tiết thô sơ được vẽ lên nền gốm bởi bàn tay thô nhưng điêu luyện cực kỳ. Tiếp nữa, ngay khi gốm được nung còn nóng, vừa khời ra là người ta đã rắc các loại dung dịch từ tự nhiên để làm màu cho gốm. Nghĩa là tất cả đều là “thủ công”. Do đó mỗi sản phẩm gốm Chăm ra lò chẳng cái nào giống cái nào! Có cái chuẩn, có cái méo vài bộ phận nào đó, thậm chí có cái lỗi phải vứt đi. Chính vì vậy mà gốm Chăm được cho là một di sản nghệ thuật độc đáo.

Hiện tại nghề gốm Chăm cũng dần dần được ưa chuộng, nhưng vẫn có nỗi lo là làm sao để duy trì truyền thống, vì hiện tại các nghệ nhân ngày càng luống tuổi, mắt mờ tay yếu. May thay, thời gian gần đây được sự bảo tồn, nghề gốm đang dần phát triển, người dân hiểu giá trị và có thể sống được với nghề gốm. Nhiều cơ sở gốm trong làng nổi trội và uy tín; các nhà trưng bày các mẫu gốm rất phong phú. Đây được xem là một trong những điểm tham quan lý thú nhất trong dòng du lịch của vùng đất bán sa mạc Việt Nam.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gốm Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO