Trọn một hành trình của đất và lửa - say mê và khát vọng, như lẽ sống mà lão ông Nguyễn Lành và vợ, cụ bà Nguyễn Thị Chiến, đã chọn đi hơn 80 năm nay.
Ông Nguyễn Lành với công đoạn sửa nguội.Ảnh: SONG ANH |
Các cụ là đôi vợ chồng già nhất ở làng gốm Thanh Hà (Hội An) hiện nay còn giữ nguyên vẹn lò nung, bàn xoay, và những hy vọng…
Trong miền ký ức
Ông Lành nói, trong buổi chiều gió se sắt ven sông, với những người trẻ tuổi như chúng tôi, rằng gốm là thứ làm nên xương thịt hình hài của mình. “Tôi nói với mấy đứa con mình, đất và lửa, là hai thứ đã cưu mang nuôi nấng thế hệ ông cha chúng, cả những đứa con đang định ruồng rẫy gốm, như chúng”. Nhưng có lẽ rằng, mỗi thời đại, con người sống với những ký ức khác nhau. Chính ông lão với những nếp nhăn làm nên khuôn mặt, cũng chưa bao giờ nghĩ, sẽ có lúc như thời này, gốm tồn tại… chỉ để ngắm chơi. Một thuở hưng thịnh của gốm, tính từ những ngày đầu tiên khai đất lập làng với những dòng lịch sử làng nghề, đọc lên, ai cũng mơ tưởng. Không còn là ký ức được truyền miệng nữa, mà đã được ghi hẳn vào sử sách, từ đời cụ kỵ, cụ tổ của mấy ông Nguyễn Lành, Lê Trọng, với khởi nguyên đâu từ Nam Định, Hải Dương xa xôi. “Năm 1516, nghề gốm hình thành ở làng Thanh Chiêm, sau đó dời lên Nam Diêu (khối phố 5, phường Thanh Hà hiện nay - PV). Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân làng nghề được gọi ra Huế, sung vào đội thợ lành nghề xây dựng cố cung. Có người được phong hàm bát phẩm, là những Chánh Ca, Bát Luyện” - ông Lành đọc vanh vách lịch sử tự hào của làng.
Bà Nguyễn Thị Chiến, người thợ chuốt cao tuổi nhất làng gốm Thanh Hà hiện nay. |
Gốm, thời thịnh nhất phải kể đến những năm thế kỷ XVII, XVIII. Sản phẩm thời ấy chủ yếu phục vụ cho nhu cầu dân dụng. Nhà nhà dùng đồ gốm, người người dùng đồ gốm. Người làng Thanh Hà gánh gồng, trung chuyển từ vùng quê này ra tới Thừa Thiên, Thanh Hóa, đi khắp hang cùng ngõ hẻm đất Quảng - Đà, chỗ nào cũng dùng đồ gốm. Nồi, ấm đất, khạp, chum vại… là những vật dụng quen thuộc từ vạt đất sét cuối sông Thu mà nên. Từ những thứ giản dị vậy, người làng Thanh Hà làm ra ngói cong, gạch đỏ. Tiếng tăm làng gốm Thanh Hà theo nồi, theo ấm, chum vại mà đi xa. Làng trở nên thịnh vượng, từ thuở ấy! Ở cái thuở vàng son ấy, trai gái trong làng đều theo nghề gốm. Từ khâu làm đất, lên bàn chuốt, qua đôi bàn tay nhào nặn cùng chiếc bàn xoay, đến khi ra sản phẩm, đều thủ công. Một hành trình từ đất sét, ra một sản phẩm đỏ au màu gốm, hay trầm u của màu sành, quan trọng nhất ở khâu “nhắm phơ” (chỉnh sửa phôi). Người “nhắm phơ” vẫn thường là chủ lò gốm. Ông Lành nói, ông nội, rồi đến cha, bây giờ là ông, vẫn giữ vai trò “nhắm phơ” trong tất cả công đoạn. “Nhắm phơ” - sửa nguội, tỉ mẩn vậy, rồi canh củi nung cho một mẻ gốm, lửa nhỏ hay lớn, chỉ một sơ suất cũng sẽ biến cả mẻ thành gốm vụn. Nhìn cái nét u trầm trên gương mặt ông lão đã già 85 năm sống với đời và hơn 70 năm sống với gốm, nghe cái cách ông say sưa kể về những vang vọng thuở gốm thịnh vượng, mới biết cuộc đời này ông đã dành trọn cho những mẻ đất sét nâu và lửa hồng.
Nuôi mình làm gốm
Đi trọn một hành trình từ đất qua lửa, mỗi sản phẩm gốm hiện tồn như sự có thật của những giấc mơ và khát vọng. Ông Lành nói chắc nụi, và giản dị: “Không gì bền bằng gốm”. Nước không làm vỡ, lửa hun thành bền, chỉ có con người tác động theo ý thức của mình mới làm gốm vụn. Những sản phẩm không còn đơn thuần là những tạo phẩm vô hồn của kỹ thuật mà đã trải theo những quan niệm, buồn vui, những suy tư và triết lý. Tất cả đều thật, như cái cách mà người Thanh Hà đã thật thà với nghề của tiên tổ mình. Cả những nỗi buồn của người làm gốm bây giờ, vẫn rất thật. Làng gốm thành điểm du lịch, cái thiêng liêng của nghề cũng dần bị biến dạng. Ông Lành kể, ngày xưa dễ gì để dựng lò gốm, rồi dễ đâu mà được người làng giới thiệu với khách là nghệ nhân. Bây giờ thì khác, gốm để làm du lịch, để biểu diễn. Nên những người nặn tò he cũng nói của làng gốm. “Mà Thanh Hà truyền thống không có tò he đâu nghe, chỉ có nồi, ấm, chum vại…” - ông nói. Ba nhà còn lò nung, là ba xưởng gốm xưa cũ còn tồn tại từ đời nào đến giờ. Họ coi gốm như lẽ sống của mình.
Xưởng gốm của gia đình ông Lành, bà Chiến. Ảnh: SONG ANH |
Mê mẩn với gốm, và mê luôn cô gái của làng gốm, để rồi từ đó đến nay, gần 80 năm, ông Lành cùng vợ, bao bận biến thiên thăng trầm của gốm, vẫn giữ cho được cái lò nung, cái bàn xoay và khoảnh đất trước nhà để làm gốm. Giữ xưởng gốm là giữ cả ký ức, hoài niệm, tuổi trẻ và tổ tiên của mình. Ông Lành nói vậy. Nhà phía bà Nguyễn Thị Chiến cũng bao đời làm gốm. Mở mắt ra là thấy đất sét, tối ngủ bộ đồ còn thơm mùi đất nung. Tình yêu cũng nên từ làng gốm. Những đứa con ra đời, trưởng thành, cũng từ gốm. Vậy nên dù bao nhiêu sản phẩm gửi đi, rồi bạn hàng không nhận, phải chở về, ông bà vẫn miệt mài làm. Ông Lành nhìn vợ mình ngồi chuốt, rồi nói như thể để bà nghe: “Khó nhất trong tất cả công đoạn là chuốt. Sản phẩm tròn méo, đẹp xấu là do một tay người chuốt nhào nặn”. Sự mềm dẻo, khéo léo của đôi bàn tay, không thể do quen việc mà nên, nó cần cả năng khiếu. Mười hai, mười ba tuổi đã gắn với bàn xoay, nên bây giờ dù mắt cũng không còn tinh, nhưng sản phẩm do bà Chiến chuốt ra, người ngắm phơ, thợ nguội như ông Lành cũng không cần phải sửa sang trở lại.
Nghề gốm, chẳng biết bao giờ thì tàn. Chỉ có người già khắc khoải lo âu, thấp thỏm riêng mình những nỗi buồn. Buồn vì không có người kế nghiệp, buồn vì thị trường không còn chỗ cho gốm. Gốm bây giờ, có lẽ gần như một sản phẩm của ngày hôm qua, cái vốn quý truyền thống của một thời đã qua. Khoảng 20% giá trị trên tấm vé tham quan làng gốm được trích lại với mục đích duy trì nghề. Nhưng đã mấy tháng ròng người làng gốm chưa được nhận. Đắm mình trong đất, làm gốm cho người ta coi, nhưng cũng là để nuôi mình làm gốm. Nỗi buồn đó, thấm từng ngày, như nỗi buồn người già…
SONG ANH