Cuộc tụ hội của những làng gốm đỏ dọc dải đất Việt về tại Thanh Hà (Hội An) được vívon như sự gặp gỡ của những người đang “giữ lửa”. Ở đó, người làng nghề truyền nhau về những ngọn lửa nơi lò úp lò ngửa, như một báu vật cần nhiều cuộc đời tiếp nối…
Các nghệ nhân tham dự Festival Gốm Thanh Hà. Ảnh: S.A |
Hội gốm
Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công viên đất nung Thanh Hà, cũng là người khởi sự về một Festival Gốm Thanh Hà tại Hội An, cho biết, trên nền của Ngày Giỗ tổ nghề gốm, Festival Gốm Thanh Hà trở thành nơi để những làng nghề gốm đặc sắc trổ bày tinh hoa mình đang lưu giữ, nơi những người yêu gốm gặp nhau và sẻ chia. Lần đầu tiên, 8 làng gốm, từ Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phước Tích (Thừa Thiên Huế), Bàu Trúc (Ninh Thuận), Vĩnh Long, Thanh Hà (Hội An), Mơ Nông (Đăk Lăk), Lư Cấm (Khánh Hòa) mang “bản sắc” gốm của xứ mình đến hội ngộ. Sự đa dạng của chất liệu đất nung và sành cùng cách tạo hình đặc trưng của mỗi vùng miền, có nơi dùng bàn chuốt, có làng nghề nặn tay dùng đá làm láng như Mơ Nông mang đến nhiều trải nghiệm cho mỗi người dân Thanh Hà và du khách. Chưa kể, rất nhiều biến tấu từ gốm của những nghệ sĩ điêu khắc, hội họa mở ra nhiều chiều kích cảm nhận khác nhau.
Trên con đường làng, những sản phẩm gốm đỏ được bày biện, từ chuyện của cái nồi cái trã, chum, vại, lọ, bình của những mặt nạ gốm ẩn trong đó muôn hình triết lý nhân sinh… Người ta đi dọc làng gốm Thanh Hà, nơi người già người trẻ hình như mỗi đầu câu chuyện đều có chữ gốm, để nhìn ngắm và mong ngóng. Từ một nơi khá xa, những người đàn bà Chăm làm gốm Bàu Trúc chọn cho mình một góc cuối đường làng, mải mê chuốt nặn những thanh đất sét mang ra từ sông Quao quê xứ mình. Nghệ nhân Đàng Thị Thứng nói, cái độc đáo của gốm Bàu Trúc là hoàn toàn dùng tay để nặn. Nếu ở nhiều làng gốm khác, như Thanh Hà chẳng hạn, người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, thì với làng gốm cổ Bàu Trúc, nghệ nhân dùng đôi tay của mình để tạo tác. Các hoa văn trang trí phần lớn là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật, hoa văn móng tay trên vai cổ gốm. Chưa kể, màu của gốm Bàu Trúc được chiết xuất từ trái dông, trái thị rồi được nung cùng gốm với nhiệt độ khá cao, cho ra những sản phẩm gốm có màu khá đặc trưng là vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám… Chính tính chất thủ công hoàn toàn như vậy nên sản phẩm từ gốm Bàu Trúc thường là độc bản và đậm vẻ đẹp của nền văn hóa Chămpa.
Có đi vào Thanh Hà những ngày hội gốm, mới biết quý yêu vốn tinh hoa khởi lên từ đất của mỗi vùng miền. Lão nghệ nhân Nguyễn Lành của làng gốm Thanh Hà nói, một cuộc tụ hội như thế này quý lắm, vì dễ dầu gì mình biết được sản phẩm gốm của các nơi khác như thế nào. Trên mặt bằng của các làng nghề gốm, Thanh Hà may mắn vì là vùng đệm của một đô thị du lịch, người dân sống được nhờ đó, sản phẩm làng nghề cũng may thay nhờ đây mà có đường ra. Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc Công viên đất nung Thanh Hà nói thêm, Thanh Hà trở thành nơi hội tụ làng gốm ba miền, và cũng chính chất liệu gốm trở thành mối kết dính, liên kết giữa nghệ nhân, các nghệ sĩ, những người yêu gốm về cùng chung một chốn. “Giống như chúng tôi đang cùng đi trên một con đường để vẽ nên câu chuyện về giấc mơ trăm năm hưng thịnh của gốm. May mắn, cho đến bây giờ, những cảm hứng sáng tạo cùng gốm trên con đường đến giấc mơ này, ngày càng có nhiều người đi cùng chúng tôi” - Nguyễn Văn Nguyên nói.
Tìm cách giữ gốm
Phát triển từ nội lực làng nghề Nội lực chính là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu (Thừa Thiên Huế) cho rằng: “Chúng ta chỉ nên góp ý về nhãn quan về thẩm mỹ để kích thích sự sáng tạo của các nghệ nhân chứ đừng “gò” họ theo một khuôn khổ, ý tưởng của những làng gốm khác, điều này sẽ làm sản phẩm triệt tiêu đi tính bản địa”. Ông Nguyễn Văn Tú – Chủ tịch UBND phường Thanh Hà cho biết, điều đáng mừng và cũng là bước ngoặt để làng gốm Thanh Hà đạt được nhiều dấu ấn tích cực trong thời gian qua là những “bí kíp gia truyền” trong nghề của các nghệ nhân lão luyện đã được trao truyền. Với tâm huyết và mong mỏi về sự phát triển chung của làng nghề các nghệ nhân đều truyền đạt hết những tinh túy lại cho thế hệ thợ trẻ để họ “giữ lửa” lò gốm cho đến mai sau. |
Trong một cuộc tọa đàm tìm đường cho gốm, các cộng sự - những người đang cùng đi con đường để gốm cất lên tiếng nói của mình, đã có dịp ngồi cùng nhau, bộc lộ trăn trở, góp ý để mong một nét tinh hoa của người Việt “sống” được ở thời buổi kinh tế thị trường. Cả dải đất Việt còn vài chục làng gốm tồn tại, nhưng không phải nơi nào cũng hoạt động tốt tạo ra sinh kế ổn định để người dân có thể bám trụ với nghề. Ở nhiều làng gốm, người ta “mỏi mắt” tìm thợ trẻ lành nghề trong khi lác đác qua năm tháng lại có thêm những người nghệ nhân lớn tuổi dừng tay, thôi không chuốt gốm. Nói như nhà nghiên cứu Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An: “Chúng ta ngồi lại không phải để bàn nhiều về chuyên môn mà phải làm sao để đúc rút những kinh nghiệm mang tính ứng dụng, để ít nhất là bảo tồn được những làng gốm sau đó mới tính chuyện phát triển”. Những nghệ nhân và người quan tâm đến gốm đã đồng tình rằng việc chia sẻ, giao lưu giữa các làng nghề giúp gốm Việt cùng phát triển chứ không có sự kèn cựa, cạnh tranh nhau.
Trở lực thì nhiều nhưng hai vấn đề lớn nhất đe dọa sự tồn tại của các làng nghề gốm nổi tiếng trên mọi miền đất nước vẫn là thị trường và nhân lực. Theo nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng (quê Khánh Hòa): “Làng gốm Lư Cấm dù nằm ngay trong TP.Nha Trang vốn có lượng khách du lịch rất lớn nhưng vẫn hoạt động khá lay lắt, một sản phẩm làm ra thông thường chỉ bán với giá 50 nghìn đồng nhưng quá trình sản xuất rất kỳ công lại không có đầu ra ổn định khiến các nghệ nhân thiếu động lực”. Còn anh Lê Anh Kiệt, người bảo trợ thông tin cho làng gốm Mơ Nông (Đăk Lăk) cho biết: “Hiện nay, làng chỉ còn 4 người làm gốm, các sản phẩm bán ra cũng chỉ phục vụ cho người dân trong làng nên rất khó để làng gốm này tồn tại lâu dài”. Nghệ nhân Lương Vĩnh Viến (làng gốm Phước Tích) bộc bạch, nhìn bề ngoài ngôi làng gốm Phước Tích thơ mộng như vậy nhưng vào bên trong mới thấu hiểu cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghề hiện nghèo nàn như thế nào.
Nghệ nhân từ làng gốm Mơ Nông Đăk Lăk trình diễn các thao tác làm sản phẩm từ gốm. |
Với đặc thù của mình, phần lớn các làng gốm đều nằm ven các con sông thơ mộng: Thanh Hà (sông Thu Bồn), Lư Cấm (sông Cái), Phước Tích (sông Ô Lâu), Phù Lãng (sông Cầu)… Nhưng không phải nơi nào cũng có thể dựa vào du lịch để bảo tồn và phát triển nghề gốm. Làng gốm Thanh Hà được ưu đãi nằm ngay sát đô thị cổ Hội An nên đã tận dụng được thời cơ với chủ trương “khôi phục làng nghề gắn với phát triển du lịch” của TP.Hội An nhưng không phải làng gốm nào cũng có được lợi thế như vậy. “Định hướng phát triển cho mỗi làng gốm là điều quan trọng nhất, nơi nào không có lợi thế phát triển du lịch thì nên tập trung xuất khẩu hoặc định hướng mẫu mã để phục vụ người tiêu dùng” - Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ thêm.
Các ý tưởng độc đáo, mang tính nhân văn, được nhìn nhận là chìa khóa để có thể thuyết phục được chính quyền, nhà đầu tư và cả cộng đồng địa phương cùng chung tay phục hồi và phát triển các làng nghề gốm.
SONG ANH – QUỐC TUẤN