Văn hóa

Gốm palei Chăm

KIỀU MAILY 01/02/2024 20:31

“Gok, klak, chợk palei Hamu drok lei?”. “Thei, gok, klak, chợk palei Hamu drok lei?” (Ai! nồi trã, trách, lu.. Bàu Trúc không?). Tiếng rao như còn vọng mãi trong ký ức tôi, từ thời còn chơi nhảy dây. Mỗi lần nghe tiếng rao của người gánh gốm đi ngang nhà là tôi chạy ra xem họ gánh bao nhiêu sản phẩm trong một gánh hôm ấy.

tnb-61772-02(1).jpg
Chuốt gốm. Ảnh: K.L

Từ tiếng rao ấy mà làng gốm palei Chăm có được tiếng vang, ban đầu thì quanh các làng Chăm, sau thì sang các làng người Kinh, sau nữa gốm Chăm bày bán trên các chợ huyện, chợ tỉnh. Dần dần tiếng rao ấy như là “đặc sản” của làng Bàu Trúc và đi vào ký ức của các làng Chăm. Từ tiếng rao ấy mà bao nhiêu đứa con là nghệ nhân làng Bàu Trúc được sinh ra, lớn lên và thành tài.

Về sau, khi internet phát triển, họ rao trên các trang mạng, các bài báo đánh tiếng để gốm palei Chăm được đi xa hơn.

Mỗi cái chỉ một

Sông Quao nằm phía bắc cách Bàu Trúc non cây số cung cấp cho dân làng thứ đất sét có độ mịn, dẻo; khi đem trộn với cát hạt nhỏ li ti trở thành thứ bột không đâu có. Từ chất liệu trời ban kia, người Bàu Trúc làm nên tác phẩm nghệ thuật của mình.

Mỗi lần ghé làng Bàu Trúc gặp trúng vào dịp dân làng ra lấy đất, tôi mới thấy sự chuẩn bị rất công phu của thợ gốm Chăm. Đất sét mang về được đập và phân ra từng miếng nhỏ rồi đem phơi khô, sau đó sàng bỏ tạp chất và tiếp tục ngâm nước trong hố đã đào sẵn ở nơi thoáng mát.

Ngâm qua ngày thì đất sét được vớt lên phân lượng theo kích thước sản phẩm, sau đó mới tới trộn cát vào đất sét đó. Bí quyết pha trộn thì mỗi người mỗi cách, không ai chỉ cho ai được.

Công đoạn có lẽ thích mắt nhất là lúc sản phẩm gốm được trang trí hoa văn. Các họa tiết thô sơ được vẽ lên nền gốm bởi bàn tay thô nhưng rất điêu luyện.

Tiếp nữa, ngay khi gốm được nung còn nóng, vừa khời ra là người ta đã rắc các loại dung dịch từ cây lá tự nhiên để làm màu cho gốm. Nghĩa là tất cả đều... thủ công. Do đó mỗi sản phẩm gốm Chăm ra lò chẳng cái nào giống cái nào! Mỗi cái chỉ một. Có cái chuẩn, có cái méo vài bộ phận nào đó, thậm chí có cái lỗi phải vứt đi. Chính vì vậy mà gốm Chăm được coi là một di sản nghệ thuật độc đáo.

tnb-61772-06(1).jpg
Gốm xưa. Ảnh: K.L

Những nghệ sĩ gốm

Gốm palei Chăm, không chỉ đẹp về mẫu mã mà trong đó có cả nghệ thuật “sống thiền”. Có lẽ vì theo chế độ mẫu hệ, nên người nghệ sĩ gốm Chăm xưa thường là những người bà, người mẹ, cứ theo mẹ truyền con nối nên chính họ là người giữ linh hồn gốm và bí mật gia truyền.

Qua bao biến cố lịch sử, truyền thống gốm Chămpa đã bị mai một dần, nhất là cách chế tác và kỹ thuật nung gốm kiểu cũ hoàn toàn biến mất.

Hiện nay, hai làng Chăm đang sản xuất và vẫn sống bằng nghề gốm: làng Ligok (Trì Đức) ở Bình Thuận và làng Hamu Crok (Bàu Trúc) ở Ninh Thuận. Người dân ở hai làng này vẫn sống bằng nghề gốm, thay vì xưa họ sản xuất thô sơ và mộc thì nay cải tiến, sáng tạo nhiều sản phẩm gốm, nên nghề gốm palei Chăm dần phát triển.

Mẹ tôi kể thời còn nhỏ, nhà nghèo thì xem những nồi gốm đã mua hoặc đổi từ thúng thóc như là tài sản quý, nhà giàu thì họ nấu nồi đồng. Các nồi trã để nấu cơm mỗi lần rửa là phải thật cẩn thận, không là rớt bể, phải chờ người “làng xa” ấy đội gốm đi qua mới mua cái khác mà dùng.

Thời Pháp thuộc, bà kể mỗi tháng đều thấy gốm Bàu Trúc được chở cả toa xe lửa ra Nha Trang để bán. Gốm Chăm quanh quẩn vẫn bao nhiều mẫu mã đó: nồi nấu cơm, trã nấu canh, lu đựng nước, loại dày hơn gọi là ảng để rộng cá, hoặc cái to như chum thì dùng đựng thóc... Không hơn hai mươi mẫu mã các loại, và dùng cho sinh hoạt là chính. Tất tần tật không dùng quá hạn một, hai năm..

Cho đến sau này, tiếng lành đồn xa cộng với internet phát triển, thì gốm palei Chăm nói riêng và gốm Bàu Trúc nói chung đã đi ra thế giới. Vậy, đâu là sức hút của gốm Chăm?

Trước hết đó chính là kỹ thuật sản xuất hoàn toàn bằng tay, từ khâu lấy đất, làm đất, không dùng bàn xoay mà đi giật lùi để nặn tạo hình gốm, cho đến kỹ thuật nung lộ thiên cũng rất ư là mộc. Nhưng chính sự mộc mạc, sự nguyên chất bản địa đó đã tạo nên hình ảnh độc đáo cho gốm palei Chăm.

Tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa. Vì thế Bàu Trúc được các nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước gọi là “bảo tàng sống” của gốm Chăm, độc đáo hiếm hoi trên thế giới.

tnb-61772-04(1).jpg
Sản phẩm gốm truyền thống. Ảnh: K.L

Gốm palei Chăm từ ký ức đến tương lai

Trong các sản phẩm gốm hiện nay, để ra được thị trường các thành phố lớn thì nghệ nhân gốm chỉ chọn làm những sản phẩm mỹ nghệ dùng trong trang trí nội thất, trang trí vườn ở các homestay hay những chậu bình hoa nhỏ phù hợp với du lịch làm quà tặng vì dễ mang đi... Nhưng họ không phải chỉ làm mỹ nghệ mà bỏ làm những sản phẩm vật dụng truyền thống trong sinh hoạt ngày thường như nồi, trã, trách, lu đựng nước, cái lò, hay cái hũ gạo.

Theo thời cuộc, ngày nay nhiều người đã dùng vật dụng bằng nhựa, sắt… thay vì gốm. Nhưng có một số món bà con Chăm bắt buộc dùng bằng gốm truyền thống như “khang brah” - hũ đựng gạo vì đây là vật dụng rất quan trọng trong nghi lễ cưới của đôi trẻ hay lễ dựng nhà mới.

Còn vài món khác như cái lu đựng nước, cái “buk” - hũ chum dùng để múa sân khấu, hay những cái “klek” - trã để kho cá đồng, chậu nước… Đặc biệt món bánh xèo bánh căn rất nổi tiếng của người Chăm Ninh Thuận thì phải đúc bằng khuôn gốm mới đúng điệu.

Hy vọng, với xu hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh đang dần mở ra nhiều thứ hay trong tương lai, gốm palei Chăm không ngần ngại góp một phần là sản phẩm du lịch đặc thù bản địa được người tiêu dùng lựa chọn.

Gốm palei Chăm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại đã tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Nghề gốm và sản phẩm gốm palei Chăm đang được ưa chuộng, nhưng phải làm sao để duy trì giá trị truyền thống, vì các nghệ nhân làm gốm thủ công xưa đã không còn hoặc họ ngày càng già tuổi, mắt mờ tay yếu.

May thay, thời gian gần đây được sự hỗ trợ bảo tồn, nghề gốm đang dần phát triển, thu hút khách du lịch, tạo thêm công ăn việc làm để người thợ ổn định thu nhập, cải thiện đời sống.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gốm palei Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO