Tầm này những năm trước, khách du lịch từ Trung Quốc ùn ùn đổ về Nha Trang như thác lũ. Đùng một cái, “dịch Cô Vy” (gọi nôm na từ Covid-19) xuất hiện, từ hơn nửa tháng nay, đường phố đột nhiên trống vắng. Hàng vạn người sống nhờ vào du lịch giờ không biết bấu víu vào đâu. Họ đang gồng mình để đi qua đại dịch này.
Những ồn ào tạm lắng
Nha Trang là thành phố đón lượng du khách đông nhất khu vực Nam Trung Bộ thời gian qua với hơn 7,2 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế là 3,56 triệu lượt, riêng khách Trung Quốc là gần 2,5 triệu lượt (năm 2019).
Mỗi ngày sân bay Cam Ranh đón gần 40 chuyến bay thẳng từ Trung Quốc, với hơn 7 ngàn người. Bình quân mỗi du khách lưu lại Nha Trang 3 - 4 ngày thì hàng ngày có hơn hai vạn người nói tiếng Trung đi lại, vui chơi trên các đường phố và điểm du lịch tại Nha Trang. Đứng ở đâu cũng có thể gặp một vài người Hoa; ngồi trong nhà hàng sang trọng hoặc ở bất kỳ quán nước vỉa hè nào cũng đều có thể nghe được tiếng… Tàu.
Thế rồi, như một tai họa trời giáng, thành phố đột ngột thưa vắng dần những ngày sau Tết Canh Tý và rồi vắng hẳn du khách những ngày này. Trên các đường phố Nha Trang hôm nay, họa hoằn lắm mới bắt gặp một vài nhóm du khách đến từ Nga hoặc các nước châu Âu, còn khách Trung Quốc thì hoàn toàn vắng vẻ.
Các chủ nhà hàng ven biển vẫn thường tất bật mỗi lúc đêm về thì nay chỉ còn biết bấm đốt ngón tay mong cho qua ngày đoạn tháng. Những ông chủ các cao ốc 30 - 40 tầng lâu nay chỉ quen với doanh thu bạc tỷ thì nay cũng chỉ biết bó gối nhìn trời.
Những đại lý rau xanh, những ông chủ vựa cá-ốc-tôm chuyên cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn; những anh tài xế taxi, grap, những cô cậu sinh viên làm thêm trong các quán ăn… tất tật đều “đứng bánh” trước đại dịch “Cô Vy”.
Những khách sạn rỗng
Ông Trần Thanh Toàn, chủ một khách sạn trên đường Trần Phú, ví von về các nhân viên của mình: “Chúng nó nay thành lính phòng không cả rồi”. Khách sạn ông Toàn chỉ có 35 phòng nhưng cũng phải tuyển cả chục nhân viên, vừa dọn phòng vừa bảo vệ và nhân viên kế toán. Hơn 10 ngày nay, ông như ngồi trên lửa vì “Khách sạn này tôi thuê đấy. Không có khách vẫn phải trả tiền thuê cho chủ chứ họ chẳng “tha” ngày nào. Đã thế, tôi cũng phải giữ chân nhân viên chứ nhỡ mai mốt hết dịch mà nhân viên thì bỏ đi nơi khác, tìm đỏ mắt cũng không ra”.
Nói đoạn, ông lấy sơ đồ khách sạn ra, chỉ vào một phòng trên sơ đồ rồi khoanh tròn: “Bữa nay chỉ nhõn có hai khách mà họ cũng không dám ở lâu, trả trước 3 ngày”. Ông Toàn không nói số tiền ông trả cho chủ nhân khách sạn là bao nhiêu nhưng theo mức giá chung ở Nha Trang vào thời điểm năm 2019, mỗi tháng phải thuê trọn gói 200 triệu cho một khách sạn mini cỡ 40 phòng trên đường Trần Phú.
Kể từ khi dòng người đi du lịch đến từ Trung Quốc tràn ngập các đường phố miền Trung thì cũng là lúc Nha Trang thành một đại công trường ngổn ngang vôi vữa. Cao ốc 30 - 40 tầng mọc lên như nấm sau mưa. Các đại gia đã biến đường Trần Phú - con đường ven biển đẹp nhất Nha Trang thành một bức “trường thành” khổng lồ với những tòa nhà chọc trời.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Nha Trang, hiện toàn thành phố có 50 ngàn phòng từ 3 đến 5 sao, còn các condotel và nhà nghỉ thì đếm không xuể. Ấy thế mà, vào những ngày lễ hoặc Nha Trang tổ chức hội hè, rất khó để tìm một chỗ lưu trú vừa ý nếu không đặt phòng trước vài tháng. Đó là nói cách đây một năm, còn bây giờ, Nha Trang như một thành phố bị quên lãng.
Mới trước Tết Canh Tý, nhà chức trách của thành phố cứ vài ba hôm lại họp một lần với các ngành chức năng để bàn việc chống kẹt xe thì nay tìm cách “kích hoạt” làm sao để du khách quay trở lại.
Cuối tháng 1.2020, khi ngành hàng không hai nước Việt - Trung quyết định tạm dừng tất cả chuyến bay đến và đi thì cũng là lúc Nha Trang như hồ nước khổng lồ bắt đầu tháo đáy.
Khi ngành y tế Khánh Hòa thông báo có nữ nhân viên lễ tân của một khách sạn trên đường Tôn Đản bị lây nhiễm Covid-19 từ hai vị khách đến từ Vũ Hán, thành phố càng rỗng ruột hơn.
Du khách, nhất là khách Trung Quốc tìm cách thoát khỏi Nha Trang khi có lệnh đóng cửa không phận đi Trung Quốc. Khách nội địa thấy thế cũng quay lưng với thành phố này. Hàng ngàn nhân viên lễ tân ở các khách sạn lại ngồi chơi xơi nước…
Gồng mình qua đại dịch
Nguyễn Văn Tuyến, một phiên dịch viên tiếng Trung, sau khi tạm “cấm cửa” khách du lịch đến từ Trung Quốc, đã lặng lẽ lên tàu hỏa về Bắc với… mẹ già: “Chắc kiếm việc gì đó làm cho khuây khỏa và chờ thôi anh”, Tuyến nói thay lời chia tay với tôi. Lương và các khoản lúc còn dẫn tour đến 35 - 40 triệu, giờ kiếm mỗi tháng dăm bảy triệu, Tuyến cũng đành chấp nhận.
Cách đây vài hôm, người dân trên đường Dương Hiển Quyền phía bắc Nha Trang phát hiện từ trong một nhà hàng khá đồ sộ bốc lên mùi hôi nồng nặc. Nhà hàng này vẫn im ỉm khóa từ nhiều ngày nay. Công an quyết định phá cửa thì phát hiện cá và thịt heo chất trong hầm lạnh đã ngắt điện chính là thủ phạm của “mùi lạ” kia.
Liên lạc với chủ nhân thì được biết, bà chủ nhà hàng đã… trốn nợ vì lỡ hứa với các đại lý cung cấp thịt và cá là sau tết sẽ trả nợ đủ vì hy vọng vào số khách từ Trung Quốc đến Nha Trang như mọi năm. “Lên Gia Lai buôn bán dưa chờ ngày hết dịch”. Bà ấy nhắn với hàng xóm như vậy.
Anh Trần Phương ở Bình Tân, phía nam Nha Trang vốn là thợ xây dựng. Dành dụm được 500 triệu đồng, anh quyết định mua chiếc xe hơi để “chạy chui”, chủ yếu là đón khách Trung Quốc từ sân bay Cam Ranh về. Có hôm gần như Phương không nghỉ giờ nào, kể cả ban đêm vì xoay vòng đón và trả khách từ Cam Ranh về Nha Trang.
“Hơn 10 ngày nay, em giang hồ (tức giang nắng phụ hồ xây dựng) lại rồi anh” - Phương cười méo xệch khi nghe tôi hỏi dạo này làm gì. Cũng là một cách “gồng mình” qua đại dịch vậy.
Ở Nha Trang, trường hợp như Phương không hiếm. Nhiều người đi vay ngân hàng cả chục tỷ để hình thành “đội xe” đón du khách, giờ thì đến thời điểm trả nợ mà khách thì biền biệt tận đâu đâu. Mấy anh này cũng thích giang nắng phụ hồ nhưng chịu thua vì chẳng ai thuê.
Cơn bão “Cô Vy” này đã quét qua Nha Trang, cuốn theo nó không chỉ là những đại gia bất động sản giờ nằm “bất động”, không chỉ là các ông chủ đại lý tôm hùm cá bớp giờ không biết bán cho ai; không chỉ là chủ xe của hàng chục chiếc ô tô đời mới giờ “đứng bánh”… mà ngay cả những chị bán “chuối chín di động” ở các khu phố cổ cũng bị vạ lây.
“Tôi bán mỗi ngày cũng được chục chiếc gậy “seo phi”, em gái tôi thì bán chuối và bắp luộc, ngày kiếm cũng được 300 - 400 ngàn đồng tùy bữa. Nay ế ẩm thế này, về lại quê để… nuôi gà thôi” - anh Lê Thân, một “chuyên gia bán gậy seo phi” trên đường Hùng Vương, nói.
Bất cứ ai sống nhờ vào du lịch ở Nha Trang cũng đều “kêu” trước cơn bão “Cô Vy” này, trừ những người làm công ăn lương thì cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn cảnh kẹt xe và ồn ào đinh tai nhức óc từ du khách.
Riêng ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa thì bình tĩnh hơn: “Tôi nghĩ, sự cố (ý nói dịch Covid-19) này là dịp để chúng ta cơ cấu lại sao cho cân đối thị trường khách du lịch, tránh tình trạng nghiêng lệch như thời gian qua”. Nói đoạn, ông Trung chỉ tay về bãi biển, nơi có nhóm du khách đang tắm nắng: “Toàn khách châu Âu đấy. Mấy ngày qua, lượng khách châu Âu và các nước Đông Nam Á đã nhiều lên. Hy vọng chúng tôi sẽ trụ được sau cơn đại dịch này”.