Góp cho đời những "đóa hoa văn"

XUÂN THỌ 16/09/2017 10:09

Như một người làm vườn cần mẫn và tài hoa, cô giáo Văn Phương Trang ở Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP.Hội An) đã lặng lẽ dâng cho đời “những đóa hoa văn” lấp lánh. Nhưng điều quan trọng hơn, nữ giáo viên dạy văn này còn truyền cho học trò của mình động lực để bước qua những va vấp cuộc đời.

Cô giáo Văn Phương Trang. Ảnh: XUÂN THỌ
Cô giáo Văn Phương Trang. Ảnh: XUÂN THỌ

1. Đúng hẹn sau lễ khai giảng vài tiếng đồng hồ, cô đến và mang theo nụ cười tươi tắn. Lần trước, cũng vừa mới đây thôi, khi tôi cần tham vấn thêm ý kiến của cô để viết bài về hai học trò xuất sắc mà cô đang dạy, và cũng là chủ nhiệm, tôi ấn tượng mãi nụ cười luôn thường trực. Tôi nghĩ, chắc nụ cười ấy đã được mặc định trên đôi môi cô. Kiểu như Freida Martinez nói với mọi người: “Nụ cười luôn thường trực trên môi tôi, nó sẽ không bao giờ chết. Tôi đang đứng đây với nó để chờ đợi bạn, cho đến khi bạn ở bên tôi”. Nhưng sau cuộc gặp gỡ hôm rồi, tôi nghĩ đó còn là thông điệp đầy yêu thương mà cô nhắn gửi cho học trò của mình - những trái tim bé bỏng đang nhón bước vào vườn văn mà cô đã chăm bẵm bằng tất cả tình yêu và lòng nhiệt thành.

“Cô Văn Phương Trang là một giáo viên yêu nghề, nhiệt huyết với công việc, có nhiều thành tích trong công tác đào tạo học sinh giỏi; rất cầu tiến, có tinh thần tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đã có học vị tiến sĩ. Cô Trang còn là một giáo viên chủ nhiệm gần gũi, thân thiện với học sinh” - thầy Lê Thành Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông nói.

Có lẽ, khi đứng trước những đứa học trò giỏi văn, cô luôn nghĩ mình có trách nhiệm để giúp các em theo đuổi đam mê. Trên chặng đường đã từng, con người khắc biết cách chỉ đường cho người sau, chẳng qua là họ có chịu hay không, hoặc bằng cách nào mà thôi. Và dẫu sao thì, cô Trang đã ít nhất một lần “ương ngạnh” với mẹ mình, chỉ để được theo đuổi con đường mình thích. Hóa ra, cô bé giỏi văn ngày nào của Trường THPT Sào Nam (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), đã nhiều lần… “hư” với mẹ. Mẹ cô thích con gái của mình bước vào giảng đường đại học với tư cách là sinh viên kinh tế, hay ngân hàng, hoặc đại loại thế. Trong khi cô Trang thì đã nặng lòng với văn, và bằng một cách nào đó, vun vén cho mình lý tưởng sẽ trở thành giáo viên dạy văn.

Đấu tranh cho lý tưởng, là điều tuyệt vời. Và tất nhiên, sống cùng với lý tưởng, luôn là điều tuyệt vời nhất. Cái triết lý giản đơn mà khó thực hiện ấy, có đầy trong sách. Và thuở học sinh, cô Trang đã đọc được nó đâu đấy trong những áng văn, rồi hun đúc cho mình cái tâm thế nhìn về tương lai. Nên giữa cơn giằng co của mẹ về phía kinh tế hay ngân hàng, cô Trang dứt khoát bằng cách đạt giải Ba ở kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia, rồi “ôm” suất tuyển thẳng ấy vào Đại học Sư phạm Huế với chuyên ngành văn! “Vào đại học rồi, mẹ vẫn còn “lôi kéo” mình về đi thi lại đại học vào kinh tế, ngân hàng. Nhưng cuối cũng, mình vẫn trung thành với lý tưởng của mình” - cô Trang tâm sự. Lời cô Trang kể nhẹ tênh thế, nhưng ai đã từng đèo bòng ước mơ của mình, sẽ hiểu đó là “cuộc chiến” không hề dễ dàng.

2. Hoàn tất chương trình đại học, năm 2004, cô Trang về dạy ở Trường THPT Trần Quý Cáp (TP.Hội An), đến năm 2012 thì chuyển sang công tác tại Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông. Ở ngôi trường này, cô nhận thấy thẳm sâu trong tâm hồn những cô cậu học trò, tình yêu môn văn vẫn cháy bỏng. Nhìn vào những gương mặt tươi tắn ấy, cô Trang như thấy lại mình của thuở học sinh. Và có lẽ, từ cái nhìn ấy, đã truyền đến cô một mệnh lệnh, là hãy làm bạn với học sinh của mình. Hình như người xưa có nói, chỉ có những người bạn, mới đủ kiên nhẫn lắng nghe và san sẻ nhau mọi thứ. Và quả thực, bước ra khỏi bục giảng, cô Trang với những học trò của mình vui vẻ bên nhau như những người bạn. Giờ thì tôi mới rõ tường tận công việc của một giáo viên chuyên bồi dưỡng học sinh giỏi, rằng họ không dạy nhiều cho học sinh cách làm này, phương án giải nọ, mà lớn lao hơn, là duy trì lửa nhiệt huyết, nuôi dưỡng niềm đam mê trong các em. “Vì các em vốn thông minh, có năng khiếu và quan trọng hơn, là tư duy tự học, sáng tạo luôn thường trực. Nên công việc của mình, là khích lệ các em thỏa sức với khả năng của mình. Qua đó, sẽ biết được thế mạnh, điểm yếu của mỗi em mà có hướng điều chỉnh cho phù hợp” - cô Trang tiết lộ.

Tôi nhớ mấy hôm trước ngồi nói chuyện với cô cùng hai em Văn Thị Thảo Vy và Nguyễn Trang Hạ Vy. Đó là hai cô bé rất giỏi văn và giành rất nhiều giải thưởng thông qua các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Bằng tất cả tâm huyết, cô Trang biết được Thảo Vy rất giỏi về lập luận, tư duy, trong khi đó văn phong của Hạ Vy thiên về sự tài hoa, sáng tạo. Từ đó, cô tiếp tục kích thích các em phát triển kỹ năng thế mạnh của mình, đồng thời giúp các em điều chỉnh đối với mặt còn hạn chế, trong đó có cả việc để hai em trao đổi, bổ khuyết cho nhau. Đến đây thì tôi hiểu, không phải ngẫu nhiên mà năm nào khối chuyên văn của Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông cũng có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Và không phải ngẫu nhiên mà năm nào lớp cô Trang dạy, cũng đều có các học sinh được giải thưởng Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng của Báo Quảng Nam.  

Tôi nhớ mình đọc đâu đó lời của nhà giáo dục người Mỹ William Arthur Ward: “Một giáo viên bình thường kể chuyện. Một giáo viên giỏi giải thích. Một giáo viên xuất sắc chứng minh. Một giáo viên vĩ đại truyền cảm hứng”. Có lẽ cô Trang chưa đến mức gọi là vĩ đại, nhưng ít ra, cô đã truyền cảm hứng của mình cho học sinh, để học sinh làm quen với từ cửa miệng của giới trẻ hiện đại: YOLO. Đó là viết tắt của câu tiếng Anh “You only live once”, tạm dịch là “Bạn chỉ sống một lần”. Nhưng thông điệp của nó, là hãy cháy bỏng với ước mơ của mình!

3. Có điều, khoảng trời riêng của mỗi người trẻ, không bao giờ là giống nhau, mặc dù họ có điểm chung là những ước mơ. Cô Trang không quên được hình ảnh em Nguyễn Thị Hoàng Vân - học sinh có ít nhất ba điểm giống cô, đó là học giỏi văn, được giải Ba kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia và được tuyển thẳng vào sư phạm văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Quãng đường đi của Vân gập ghềnh hơn nhiều so với những bạn cùng lớp. Thậm chí, hoàn cảnh khó khăn đã nhiều lần “xúi” mẹ em khuyên em nghỉ học. Lại thêm những chuyện buồn khác của gia đình, có nhiều lúc em thỏa hiệp với chính mình: Ừ thôi, nghỉ học!

May thay, trong đời Vân còn có cô Trang. Cô đã chìa bàn tay về phía Vân, ra hiệu cho em nắm lấy, và dắt em đi với ước mơ của mình. Tôi nghĩ, chúng ta nên đọc đoạn thư mà Vân gửi cho cô Trang dưới đây: “Đó là một trong những may mắn lớn trong cuộc sống cũng như trên con đường học tập của em. Em gặp cô từ giữa năm lớp 10. Từ một đứa học trò chịu nhiều áp lực khi bước vào trường chuyên, em được truyền cảm hứng rất nhiều, đặc biệt là tình yêu với môn văn. Kết quả là những thành tích cô và em đạt được trong khóa học đầu tiên ở Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông. Với em, cô là một người bạn, một người chị mà em trân quý. Khi ra trường rồi cô vẫn hay tâm sự, trò chuyện, và khuyên răn em rất nhiều điều. Với cô, em dành một tình cảm đặc biệt. Dù không thể hiện với cô nhiều bằng lời nói. Đôi khi em nghĩ không biết cô có khi nào buồn hay cô đơn hay không. Nhưng trông cô lúc nào cũng tươi trẻ và hạnh phúc. Cuộc sống của cô bây giờ là mơ ước của em trong tương lai: Có được gia đình đầm ấm, học trò yêu thương và thành công trong sự nghiệp”.

Vân bây giờ đang là sinh viên năm 3. Tình thương mà cô Trang đã vun đắp cho em, sẽ là niềm tin để em bước vào đời, mỉm cười với ước mơ đang mỗi ngày một hoàn thiện. Câu chuyện của Vân, là một ví dụ thôi. Bởi ngoài em ra, từ cảm hứng của mình, cô Trang gần như đã thay đổi cuộc đời của khá nhiều em. Tôi nhớ lời thầy mình, rằng người giáo viên dạy văn, không phải dạy cho học sinh cách ngắt nhịp một câu thơ, hay phân tích ngữ pháp một câu văn, mà điều quan trọng nhất là đưa những kiến văn vào sâu trong tâm hồn học sinh. Để rồi khi ra bươn chải với đời, nó sẽ là nơi bấu bíu để các em bình tâm trước thời cuộc, mà sau đó sẽ là tiếp tục hoàn thiện tương lai của mình. Một vài đồng nghiệp của cô nói rằng, hình như cô là nữ giáo viên có bằng tiến sĩ duy nhất đang dạy cấp 3 trong tỉnh. Ban đầu tôi lưu ý điều này và đinh ninh rằng mình sẽ xác minh lại thông tin. Nhưng sau cuộc gặp hôm ấy, nhất là tiếp xúc với những em đã được cô Trang dìu dắt, tôi nghĩ điều ấy không quan trọng nữa rồi. Bởi trong vườn của mình, cô đã lặng lẽ góp cho đời những “đóa hoa văn” tươi thắm!

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp cho đời những "đóa hoa văn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO