Góp đất cho phố tươi màu

ANH ĐÔNG 25/03/2017 12:56

Mong ước về một Tam Kỳ phát triển trong tương lai, cách đây 20 năm, hàng trăm hộ dân đã chấp nhận “chia tay” với nông nghiệp để nhường đất, xây dựng thành phố.

Một góc khu trung tâm hành chính của tỉnh.  Ảnh: VINH ANH
Một góc khu trung tâm hành chính của tỉnh. Ảnh: VINH ANH

1. Khu trung tâm hành chính của tỉnh là nơi chứng kiến sự thay đổi rõ nhất của TP.Tam Kỳ, nếu so sánh với 20 năm về trước. Bên ly cà phê buổi sáng, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện của những cán bộ hưu trí khi họ hồi tưởng về khu vực trung tâm tỉnh lỵ vào những ngày đầu chia tách tỉnh. Trong câu chuyện của họ, có lúc đôi co gay gắt khi mỗi người mường tượng một kiểu về những khu vực trước kia là ruộng, gò, đồi, hồ nước… nay đã trở thành đường sá, nhà cao tầng. Tuy có thể nhớ nhầm một vài vị trí nhưng họ đều có chung một cách cảm nhận về Tam Kỳ 20 năm trước. Họ gọi Tam Kỳ là “đô thị nông thôn”!

Chỉ tay về khu vực Quảng trường 24.3, ông Trần Đình Lập – người dân khối phố Mỹ Thạch Tây, phường Tân Thạnh, cho biết khu vực đó trước ông thường lui tới để câu cá những lúc rảnh rỗi. “Cả khu trung tâm hành chính của tỉnh hiện nay trước kia chủ yếu đồng ruộng mênh mông. Gia đình tôi sống ở đây nên tôi nhớ rất rõ từng khu vực, nơi nào là đồng ruộng, nơi nào là hồ nước, gò đất… Nghĩ lại mới thấy đô thị Tam Kỳ thay đổi quá nhiều, dường như chỉ mới hôm qua, nơi đây vẫn là cánh đồng thênh thang thì nay đã trở thành khu trung tâm tỉnh lỵ khang trang” – ông Lập nói. Sống cùng khu phố, ông Tuấn, nguyên cán bộ công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng dành riêng cho mình những ký ức không quên về đô thị Tam Kỳ ngày trước. Sự vắng vẻ, thưa thớt người là điều đầu tiên dễ nhận thấy về đô thị Tam Kỳ thời đó. Dẫn chứng về điều này, ông Tuấn kể: một buổi sáng tháng 5.1997, khi ông cùng 2 người bạn đi tập thể dục thì bỗng dưng bị “bắt cóc”. Chuyện là, buổi sáng đó diễn ra lễ khởi công xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa tỉnh. Với ý muốn tạo khí thế cho buổi lễ nên ban tổ chức đã mời những người dân đi ngang qua vào dự lễ. “Tôi nhớ đó là một trong những công trình được khởi công xây dựng đầu tiên ở khu trung tâm hành chính của tỉnh. Hôm đó, bọn tôi đang đi tập thể dục buổi sáng thì được ban tổ chức mời vào, phát quần áo, mũ công nhân để tham dự lễ khởi công. Sau khi kết thúc còn được… bồi dưỡng mỗi người 20 ngàn đồng và 1kg thịt heo quay” - ông Tuấn nhớ lại.

2. Nhắc đến từng câu chuyện vụn của cư dân thành thị để chúng ta thêm trân quý về sự phát triển, đổi thay của một đô thị tỉnh lỵ hôm nay. Đó là cả một hành trình dài xây dựng và phát triển dựa trên sự cố gắng, nỗ lực của tập thể và trên hết là sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Chuyện người dân từ bỏ tư liệu sản xuất để nhường đất cho thành phố quy hoạch xây dựng khu hành chính, các khu dân cư… là một ví dụ. Năm nay 72 tuổi nhưng bà Phạm Thị Hồng (phường Hòa Thuận) vẫn chưa cho mình nghỉ ngơi. Hàng ngày, trên mảnh đất be bé cạnh nhà, bà vẫn cần mẫn gieo tỉa hết vụ rau này tới vụ rau khác. Bà làm một phần vì muốn có nguồn rau sạch, đảm bảo an toàn cho con cháu sử dụng hàng ngày nhưng một phần cũng vì thói quen không thể rời xa ruộng vườn. Bà là cư dân Tam Kỳ gốc. Trước đây, bà làm cấp dưỡng (nấu ăn, phục vụ…) tại UBND thị xã Tam Kỳ (cũ) nay là khu vực trụ sở UBND tỉnh. Chồng bà làm thủ kho vật tư nông nghiệp. Trước năm 1997, do cuộc sống khó khăn chưa thể xây nhà, cả gia đình phải ở tạm trong khu vật tư. vợ chồng đều có việc làm nhưng thu nhập chẳng đáng là bao nên bà Hồng phải xin thêm 1,5 sào đất để trồng lúa. “Đám ruộng của tôi hồi đó nằm ở gần khu vực Tỉnh đội bây giờ. Hồi đó, xung quanh toàn ruộng, không có nhà cửa, đường sá rộng rãi như bây giờ đâu. Ban đêm tôi đi làm từ khu Tỉnh đội qua UBND tỉnh bây giờ là phải cầm đèn pin để rọi đường” - bà Hồng nhớ lại.

Sau khi chia tách tỉnh, diện tích đất được chọn để quy hoạch xây dựng khu trung tâm hành chính tỉnh nằm phần lớn ở phường Tân Thạnh. Cũng như nhiều gia đình khác, bà Hồng đã nhường 1,5 sào đất cho chính quyền thực hiện công tác san lấp, giải phóng mặt bằng xây dựng khu trung tâm. Cái kho vật tư cũng bị giải tỏa, gia đình bà không còn chỗ ở nên chính quyền tạo điều kiện bố trí một lô đất tái định cư. “Thời điểm ấy, tâm tư ai có ruộng bị thu hồi cũng buồn lắm vì họ nghĩ không còn ruộng thì biết làm gì sống. Nhưng vì tương lai của thành phố nên mọi người chấp thuận. Giờ thấy thành phố phát triển, đẹp, khang trang như vậy, tôi cũng mừng lắm. Một phần nghĩ vì trong đó có đóng góp của mình và hai nữa là nghĩ đến tương lai con cháu được sống, học tập trong môi trường phát triển hơn trước” - bà Hồng chia sẻ.

3. Quảng Nam chia tách, TP.Tam Kỳ được chọn là trung tâm đô thị tỉnh lỵ khiến cho cán bộ và nhân dân thành phố hết sức phấn khởi. Bởi họ biết đó là cơ hội, là đòn bẩy để Tam Kỳ phát triển, để đời sống người dân đô thị nâng lên. Tuy nhiên, những năm đầu chia tách tỉnh, do nhu cầu lớn về mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là trụ sở làm việc cho các cơ quan của tỉnh, đã đặt hàng trăm hộ dân vào tình thế nhường đất, di dời nhà cửa. Là một “đô thị nông thôn” như nhiều người ví von, người dân Tam Kỳ bấy giờ sống chủ yếu bằng nông nghiệp thuần túy nên việc chấp nhận giao đất sản xuất là không hề dễ dàng với nhiều người, nhất là những hộ bị thu hồi toàn bộ đất sản xuất. Bởi thế, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và ủng hộ chủ trương bàn giao mặt bằng của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể lúc bấy giờ là đặc biệt quan trọng.

Chợ Tam Kỳ xưa. Ảnh: Internet
Chợ Tam Kỳ xưa. Ảnh: Internet

Để làm gương cho người dân, nhiều cán bộ, đảng viên có đất đai, nhà cửa thuộc diện phải giải phóng mặt bằng đã tự nguyện bàn giao đất trước. Như gia đình ông Huỳnh Công Bình - nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh đã tự nguyện giao hơn 1.000m2 đất, cây cối… để bàn giao mặt bằng xây dựng khu dân cư. “Ở thời điểm đó, theo quy định của Nhà nước, gia đình tôi chỉ nhận chưa đến 100 triệu đồng tiền đền bù. Bà xã tôi có phàn nàn sao đền bù thấp nhưng tôi đã giải thích để vợ con hiểu quy định của Nhà nước về giá đền bù thời điểm đó. Sau mấy năm, nhiều người gặp tôi vẫn tâm tư về chuyện đền bù nhưng tôi có giải thích với họ rằng, lúc tỉnh chưa vào, Tam Kỳ vẫn thuần túy là đô thị nông thôn nên giá đất thấp, còn sau khi quy hoạch, đầu tư thì giá đất mới tăng. Nhờ đó không có chuyện khiếu nại” – ông Bình chia sẻ.

Là phường trung tâm của thành phố, phần lớn diện tích đất quy hoạch xây dựng khu trung tâm và các khu dân cư mới đều nằm chủ yếu trên địa bàn phường Tân Thạnh nên số hộ dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất phục vụ cho các dự án xây dựng là rất lớn. “Thời điểm đó, những cán bộ cơ sở như chúng tôi hầu như không có thời gian nghỉ. Ban ngày đi làm, ban đêm anh em phân công nhau xuống cơ sở, nhiều lúc đến 11 - 12 giờ đêm, để tuyên truyền chủ trương, giải đáp những thắc mắc của người dân về chính sách đền bù. Cùng một lúc có nhiều dự án ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên anh em chúng tôi rất vất vả. May sao, sau khi tuyên truyền thì đa số người dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương. Nghĩ lại, nếu dân không đồng tình ủng hộ thì rất khó để Tam Kỳ, nhất là khu trung tâm hành chính có được diện mạo như hôm nay. Điều đó, nhắc chúng ta phải ghi nhớ sự đóng góp, chia sẻ của người dân” - ông Bình nói.

ANH ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp đất cho phố tươi màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO