Góp hương xuân

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 28/01/2019 07:17

Ngày nào lò tráng bánh tráng mỏng (bánh tráng cuốn) của gia đình cụ Mai Kim ở khối phố Xuân Đông (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) cũng đỏ lửa. Hơn 20 năm qua, tại đây luôn nhộn nhịp khách vào ra. Đặc biệt vào dịp cuối năm, mọi người lại tất bật hơn, kịp ra lò mẻ bánh mới góp hương cho tết.

Ông Mai Kim kiểm tra bánh trong lò sấy. Ảnh: N.Đ.N
Ông Mai Kim kiểm tra bánh trong lò sấy. Ảnh: N.Đ.N

Vợ chồng cụ Mai Kim và Đinh Thị Tư ở phường Trường Xuân có hơn 20 năm làm nghề tráng bánh tráng mỏng. Hàng ngày cứ vào tầm 3 giờ sáng cả hai vợ chồng đều thức dậy, bà nhóm bếp, ông xay bột, chờ đến khi nước sôi, bà đổ bột vào tráng, ông mang bánh ra để vào khung phơi. Cứ vậy cho đến 10 giờ trưa công việc hoàn tất cũng là lúc ông bà phải lo bữa cơm trưa cho cả gia đình. Từ nguồn thu nhập được ông bà tích góp đã nuôi 3 người con (1 trai, 2 gái) lớn khôn, học hành đến nơi, đến chốn. Ông Mai Kim cho biết, nguyên liệu làm bánh tráng mỏng phải là loại gạo mùa, trong đó gia đình ông thường sử dụng gạo Khang Dân 18 và giống lúa ải 32. Hai thứ gạo này có ưu thế là cho ra sản phẩm trắng, trong, dẻo, có vị đậm và mùi thơm ngon. Gạo đem vo sạch ngâm kỹ và thay nước liên tục 2 - 3 ngày, sau đó vớt ra để cho ráo nước. Đổ vào cối xay nhuyễn sền sệt, dùng gáo dừa múc bột tráng mỏng lên tấm vải căng tựa như mặt trống trên mặt nồi hấp, đậy nắp vung kín độ một phút cho bột chín rồi dùng cây gạt nhỏ nhanh tay vớt ra treo trên một cái mâm xoay làm bằng tre, sau khi bánh đã nguội đem ra để trên khung phơi làm bằng lưới nhựa.

Những năm trước đây gia đình ông xay bột bằng thủ công, không chỉ bột không được mịn mà còn tốn sức lao động, năng suất thấp. Bánh làm ra phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời mưa bánh phơi lâu khô, ít được trắng và bị sượng. Trước tình trạng đó cách đây hơn 15 năm, ông đầu tư mua một cối xay bột nước và xây dựng một lò sấy với tổng trị giá hơn 10 triệu đồng. Từ khi có máy móc, hàng ngày ông xay từ 8 - 10kg gạo sản xuất được 700 - 800 chiếc bánh. Tận dụng nguồn nước vo gạo để chăn nuôi heo, hàng năm trong chuồng luôn có 1 - 2 con heo nái và hàng chục heo thịt, doanh thu hàng trăm triệu đồng. “Tiếng lành đồn xa”, bánh tráng mỏng của gia đình ông Mai Kim không chỉ tiêu thụ trên địa bàn TP.Tam Kỳ mà còn theo những chuyến xe đò ra tận Huế, Đà Nẵng, vào Quảng Ngãi, Bình Định, lên tận Trà My, Tiên Phước…

Năm nay, ông Mai Kim và bà Đinh Thị Tư đã bước sang tuổi 75, sức khỏe không còn dẻo dai như những năm trước đây. Con cái đã yên bề gia thất, nhà cửa ổn định, nhiều lần dự định “tắt bếp” nhưng do yêu cầu của người tiêu dùng, bếp lửa của gia đình ông lại tiếp tục đỏ, vợ chồng ông lại tiếp tục thức khuya, dậy sớm cho ra đời những chiếc bánh tráng mỏng nức tiếng vùng Trường Xuân. Trong những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, có dịp đến thăm, chúng tôi thật sự cảm kích trước hai mái đầu bạc. Vừa làm họ vừa tâm sự, cười nói vui vẻ, bếp lửa đã ấm, hạnh phúc của đôi vợ chồng già càng ấm nồng hơn khi còn sức khỏe để tiếp tục góp hương vị cho ngày tết.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp hương xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO