Mê ảnh, mê làm phim, Lê Minh Trí (33 tuổi, tổ 6, khối phố Xuyên Trung, phường Cẩm Nam, Hội An) chọn riêng mình cách góp nhặt những gam màu, khoảnh khắc.
1. Trí hơi nhỏ người và ít nói. Năm 2007, anh... chập chững với chiếc máy ảnh đầu tiên. Nhà không có ai “vướng” trò chơi này, lại không biết ai chỉ dẫn, anh tự mày mò trên internet. Một năm sau, kỹ thuật chụp, sử dụng phần mềm làm hậu kỳ, Trí đã tương đối thành thạo. Và ngay từ những ngày đầu, lấy rong rêu phố cổ làm quy chiếu, anh chọn gam màu xưa cũ, kiểu như mái ngói trên đầu và vách vàng trước mặt.
Ngoài cái gam-màu-xưa-cũ là chủ đạo, Trí thường thích ngắm Hội An vào lúc bình minh hay hoàng hôn. “Đơn giản, vì đây là thời điểm dễ nhận thấy nhất sự đổi thay giữa đêm - ngày và ngày - đêm. Trong khoảng thời gian giao thoa này, đất trời không quá tối, nhưng quá đủ để cảm nhận khung cảnh trước mắt”- Trí giải thích. Rồi như một sự liên tưởng, Trí thích chụp Hội An đời thường như bà cụ với gánh tò he, cô bé bán hoa đăng, cụ ông gánh nước, cô gái mặt áo dài… Những thứ chụp được ấy, Trí ném hết lên… facebook.
Trí cùng với chiếc flycam của mình. Ảnh: XUÂN THỌ |
Ở Hội An, lối mòn của người khởi nghiệp làm ảnh dịch vụ là chụp ảnh cưới ngoại cảnh, nhưng Trí thì khác, anh chụp trẻ con. Anh bảo đó là một cơ duyên. Khi anh thường chụp ảnh con mình, rồi đăng facebook, bạn bè lên thấy, rủ nhau bảo anh chụp. Anh bảo, chụp ảnh trẻ con cực khó, vì các cháu không “diễn” được, nên phải “canh me” để chộp những khoảnh khắc ngộ nghĩnh nhất. Và, những cuốn photobook đều theo gam màu mà anh thích. Từ đó anh nhận ra, còn rất nhiều người yêu cái màu cũ của Hội An.
Một góc Hội An nhìn từ trên cao qua flycam của Trí. Ảnh : Trilemedia.com |
2. Trí bây giờ không chỉ chụp trẻ con, mà còn chụp ảnh cưới ngoại cảnh và cả quảng cáo. Điều này ở Hội An, thẳng thắn mà nói, thật ra cũng chẳng có nhiều khác biệt. Cái khác biệt lớn nhất của anh với những người khác, đó chính là phim! Và cũng như ảnh, Trí tự mày mò để học làm phim, cũng thích những thời khắc đời thường như ảnh. Nhưng ảnh trong phim là ảnh động. Và liệu bạn có đủ kiên nhẫn ngồi trước màn hình hàng chục phút, thậm chí là hơn cả tiếng đồng hồ chỉ để xem cảnh từ ngày đi vào tối? Hướng giải quyết mà Trí đưa ra, là làm timelapse (thuật ngữ trong quay phim, nghĩa là tua nhanh) các thước phim đó. Từ hàng chục phút đằng đẵng, người xem chỉ mất vài chục giây để ngắm nhìn sự thay đổi của đất trời lúc đêm ngày giao thoa.
Anh bảo, làm timelapse vô cùng tốn thời gian để đi quay. Như phim “One day in Hoian”, chỉ dài hơn bốn phút rưỡi, mà mình phải mất hơn nửa năm trời để đi quay. Trong clip này, những góc chợ, bến nước, con đò…, ở Hội An được miêu tả đầy đủ hoạt cảnh trong ngày. Nhờ vậy, người xem chỉ mất chưa tới 5 phút, là có thể mường tượng khái quát Hội An” - Trí chia sẻ.
Chưa thỏa đam mê tìm kiếm Hội An qua góc nhìn khác, Trí tậu thêm chiếc flycam. Anh tự học sử dụng flycam, mà dân trong nghề gọi là “bay”. Anh bay không biết mệt mỏi, cần mẫn ghi lại Hội An từ mọi góc cạnh. Rồi kết hợp với những đoạn timelapse, phim hoàn chỉnh của anh thu hút và thuyết phục nhiều người xem hơn. Mặc dù rất vất vả để có những thước phim đẹp, nhưng khi hoàn thành, Trí đều “ném” lên mạng hết, như sẻ chia góc nhìn Hội An của mình cho mọi người. Rồi anh lang thang trong mấy trang mạng, diễn đàn để trao đổi, học tập thêm kinh nghiệm làm phim.
Trên một diễn đàn dành cho người mê phim, những phim Trí đăng lên được đạo diễn Đỗ Đức Thạnh đánh giá cao cả về nội dung, góc máy và hậu kỳ. Khi thực hiện phim “Welcome to Vietnam” cho Bộ Ngoại giao, đạo diễn Thạnh đã mời Trí cộng tác một số cảnh quay ở Hội An. “Rồi mình gửi clip cho anh ấy, cũng không mong chi lắm. Đến khi đạo diễn Thạnh gửi bản demo (bản thử - PV) cho mình, thấy có sử dụng hình ảnh của mình, thì thật sự mình rất vui. Cho đến khi phim đó hoàn thành và giới thiệu, mình được mời ra Hà Nội theo giấy mời của Bộ Ngoại giao, lúc đó 2 anh em mới gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên”- Trí cho hay.
Từ sau những thước phim cho Bộ Ngoại giao, Trí được nhiều người chú ý hơn, thường qua biệt danh “Trí Lê Media”. Một vài tổ chức bắt đầu liên hệ, mời anh cộng tác. Trong số này, anh nhớ nhất là chuyến làm phim ở Quảng Bình cho tổ chức phi chính phủ Orange Aid của Mỹ cách đây không lâu, mặc dù lần hợp tác này anh không lấy tiền. Phim phản ánh về nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam, đồng thời kêu gọi thế giới chung tay, xoa dịu nỗi đau này.
3. Trí tâm sự, mình kiếm tiền chính từ góp nhặt đam mê. Khi có đam mê, và hết lòng vì nó, thành công sẽ đến. Trí triết lý vậy, đã và đang làm vậy. Anh có thêm lợi thế, là sử dụng tốt tiếng Anh, nên những vị khách đến từ trời Tây, không ngần ngại “quảng cáo” cho anh trên trang Tripadvisor - một chuyên trang đánh giá về du lịch do chính người trải nghiệm nhận xét. “Cũng mừng là khách Tây cũng như mình, đó là thích cảnh đời thường của Hội An. Ngoài chụp ảnh, làm phim, mình còn là hướng dẫn viên cho họ” - Trí cho biết thêm.
Trí cho biết anh đang ấp ủ dự án một phim ngắn về quảng cáo du lịch Hội An. Phim hướng đến quảng bá Hội An cho khách phương Tây, nên ngoài ngắn, gọn, súc tích, Trí đang cố gắng đặt mình ở địa vị là người châu Âu, để xem họ cần gì mà truyền tải vào trong ấy.
Thành công của Trí, một phần vì anh làm chơi nhưng rất nghiêm túc, nhiều khi rất kỳ công. Ví như cầu Cửa Đại và cầu Cẩm Kim, khi nghe tin có dự án làm cầu, anh xách máy đi quay suốt, từ khi cầu đang làm cho tới lúc xong. Anh cười, là mình góp nhặt kiểu đó. Góp nhặt phải cần mẫn. Phải biết cái gì sau này chỉ là quá khứ, thì nên lưu giữ lại.
XUÂN THỌ