Góp phần phát triển nông thôn mới

THÚY ƯU 22/12/2014 09:33

Sự phát triển của mô hình kinh tế hợp tác đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Thăng Bình. Điển hình là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bình Quý 2, chỉ sau hơn một năm củng cố hoạt động, bước đầu đã gặt hái được nhiều thành quả.
HTX Nông nghiệp Bình Quý 2 được thành lập từ năm 1980 và chuyển đổi theo Luật HTX năm 2003 với 132 xã viên đóng góp cổ phần. Hoạt động chính của HTX là dịch vụ điện, thủy lợi và khuyến nông. Năm 2008, Nhà nước miễn thu thủy lợi phí cho nông dân và năm 2010 hầu hết lưới điện hạ thế của các HTX bàn giao cho ngành điện quản lý, do đó từ năm 2010 đến tháng 6.2013, xã viên rút hết vốn cổ phần và HTX ngưng hoạt động. Trước thực trạng này, Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cùng với xã Bình Quý tiến hành củng cố lại HTX. Ngày 30.7.2013, HTX tiến hành tổ chức đại hội theo Luật HTX sửa đổi năm 2012, đổi tên là HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quý 2 với 13 thành viên. Ông Trần Văn Lợi - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nhớ lại: “Sau đại hội, số lượng thành viên tham gia HTX quá ít nên vốn góp theo điều lệ khá khiêm tốn, hoạt động của HTX đứng trước nhiều khó khăn. Ba anh em trong hội đồng quản trị chúng tôi đã mạnh dạn thế chấp tài sản của mình và tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh 500 triệu đồng để đưa HTX đi vào hoạt động”.   

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quý 2 thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.                 Ảnh: THÚY ƯU
HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quý 2 thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: THÚY ƯU

Có được nguồn kinh phí, HTX đầu tư mua một máy gặt đập liên hợp và 2 máy cày 4 bánh; triển khai dịch vụ làm đất và thu hoạch lúa bằng cơ giới hóa cho nông dân trên địa bàn xã Bình Quý ở vụ đông xuân 2013 - 2014 và vụ hè thu năm 2014. HTX triển khai đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã được nông dân trong xã đồng tình hưởng ứng rất cao. Dịch vụ này đã giúp các hộ nông dân thiếu lao động và không có sức kéo vẫn sản xuất được hết diện tích của gia đình mình, trong khi đó giá thành thấp hơn giá thuê mướn thủ công, lại đảm bảo sản xuất kịp thời vụ. Vụ hè thu vừa qua, ông Nguyễn Thanh Xuân (tổ 12, thôn Quý Phước, xã Bình Quý) sản xuất 13 sào lúa, đều hợp đồng với HTX để thu hoạch. Ông Xuân nói: “Gặt bằng máy gặt đập liên hợp chỉ mất 110 nghìn đồng/sào, lại nhanh, ít rơi vãi hao hụt, vừa tận dụng được rơm rạ và tránh được thiệt hại do mưa lũ đến sớm; còn gặt tay, chi phí lên đến 220 nghìn đồng/sào”. Ngoài ra, HTX còn tạo điều kiện cho 6 lao động điều khiển máy gặt và máy làm đất với thu nhập mỗi vụ 5 - 8 triệu đồng. Với dịch vụ làm đất và thu hoạch lúa bằng cơ giới hóa, HTX đã có doanh thu 227 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, HTX có lãi được 70 triệu đồng.

Hiện nay, HTX Bình Quý 2 quản lý 103km kênh mương các loại, trong đó có 6km kênh cấp 2 đã được bê tông và 97km cấp 3 nội đồng. Với khối lượng kênh mương lớn, HTX đã có kế hoạch quản lý, thường xuyên duy tu bảo dưỡng và điều hành tưới tiêu hợp lý để phục vụ kịp thời cho nông dân. Nhờ đó, HTX đã góp phần tăng năng suất lúa bình quân cả năm ở địa phương đạt 58 tạ/ha. Ngoài ra, để chăn nuôi đạt hiệu quả hơn và đáp ứng nguyện vọng của người chăn nuôi là được cung cấp kiến thức trong việc nuôi gia súc gia cầm, HTX đã phối hợp với trung tâm dạy nghề của Liên minh HTX tỉnh mở lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi thú y cho 32 nông dân. Qua đó, người chăn nuôi được trang bị kiến thức về phòng bệnh, chăm sóc, điều trị cho gia súc gia cầm và ứng dụng có hiệu quả trong chăn nuôi tại hộ gia đình.

THÚY ƯU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp phần phát triển nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO