Góp sức cho Chu Lai

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 17/08/2013 09:51

Dưới góc nhìn của chuyên gia hay doanh nghiệp (DN) thì môi trường đầu tư Chu Lai đã dần được cải thiện, nhưng cơ chế chính sách đã lạc hậu. Tất cả đều mong muốn chuyển hướng đầu tư cho đúng tầm vóc của một khu kinh tế mở (KKTM) đầu tiên của Việt Nam. Báo Quảng Nam ghi nhận những ý kiến tâm huyết đóng góp vì sự phát triển của KKTM Chu Lai.

Nguyễn Văn Chúng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai:

“Không lo hạ tầng chỉ sợ thiếu nhà đầu tư”

Ngày 14.8.2013, dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bắc Chu Lai giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư trên 480 tỷ đồng đã được khởi công. Khi hoàn thành, khu vực này sẽ tạo ra 140ha đất công nghiệp cho thuê. Dự kiến sẽ thu hút được trên 40 dự án đầu tư (vượt 12 dự án như hiện tại) với tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10.000 lao động (hơn hiện tại 4.000 người). Dự án này sẽ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu, giải tỏa đền bù đến đâu thì triển khai dự án đến đó, đầu tư hạ tầng đến đâu xúc tiến kêu gọi đầu tư đến đó, phù hợp khả năng tài chính, hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả đầu tư. Tự thân vận động tạo nguồn là việc khó, nhưng khó nhất vẫn là công tác xúc tiến, mời gọi DN đến đầu tư nên rất cần sự hỗ trợ của các ban quản lý, chính quyền và sự đồng hành của DN, ngân hàng… để sớm hoàn thành mục tiêu khu công nghiệp xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường và phát triển bền vững. Vấn đề quan trọng của Khu công nghiệp Bắc Chu Lai là sợ thiếu nhà đầu tư chứ hạ tầng (kết cấu tương đối đồng bộ, giá cho thuê lại đất, phí sử dụng hạ tầng hợp lý, cách tiếp cận và xúc tiến đầu tư linh hoạt…) đủ sức để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư đến đặt dự án. Hiện kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn nên DN xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng tốt để đón đầu nhà đầu tư trở lại khi kinh tế hồi phục. Hiện giai đoạn 2 đã kết nối được với 4 nhà đầu tư (3 FDI và 1 nội địa) nên nhanh chóng phát triển hạ tầng để DN có thể xúc tiến đầu tư, triển khai dự án.

Đường vào Khu công nghiệp - Cảng - Hậu cần cảng Tam Hiệp.Ảnh: PHƯƠNGTHẢO
Đường vào Khu công nghiệp - Cảng - Hậu cần cảng Tam Hiệp.Ảnh: PHƯƠNGTHẢO

Phạm Văn Tài, Phó Tổng Giám đốc Thaco Group:

“Thay đổi các chính sách ưu đãi”

Thành lập năm 1997 tại Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) và năm 2003, Trường Hải cũng muốn chuyển mình phát triển sang giai đoạn mới, hướng tới hội nhập AFTA vào năm 2018. Ngay lúc đó, Chính phủ cũng có quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô và KKTM Chu Lai cũng đã có những cơ chế ưu đãi rất thoáng vào thời điểm đó, nhất là có quỹ đất rất lớn, đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ba yếu tố ấy cộng hưởng khiến Trường Hải quyết định đầu tư vào Chu Lai. Khi đầu tư, chúng tôi đã hình dung ra những thách thức, khó khăn và chủ động vượt qua để hình thành 3.000 lao động có trình độ khoa học kỹ thuật và văn hóa kỷ luật, giải quyết bài toán giao nhận bằng thành lập khối logistic vận chuyển đường bộ, vận tải biển và cảng.

Mười năm trước, những ưu đãi của Chu Lai mở đúng thời điểm và thật sự hấp dẫn. Nhưng trải qua một thời gian dài, cần phải được nhìn nhận lại, bởi cái gọi là cơ chế mở vẫn chỉ bằng các ưu đãi của các khu kinh tế khác, không có gì vượt trội. “Tấm áo” cơ chế cũ đã quá chật, rất cần cơ chế thông thoáng hơn và nhanh chóng đầu tư hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học quốc tế, các khu giải trí, bệnh viện… để hấp dẫn các nhà đầu tư khác đến đây cùng Trường Hải phát triển ngành công nghiệp ô tô. Câu hỏi đặt ra là những người làm việc ở các khu công nghiệp sinh sống ở đâu, giải trí thế nào để thu hút các nhà sản xuất nhỏ lẻ tại các thành phố lớn đầu tư và cần thiết cho các nhà đầu tư nước ngoài?

Phân xưởng cơ khí Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải.  Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Phân xưởng cơ khí Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Cơ chế cũ không đáp ứng nổi nhu cầu nhà đầu tư. Sau 10 năm cần phải tổng hợp từ thực tiễn để đánh giá và đề xuất những cơ chế mở mạnh để liên kết vùng, tạo ra sức mạnh tổng hợp, không để nhà đầu tư riêng lẻ, “cô đơn” trong chuỗi giá trị sản xuất. Nếu DN không đầu tư thì Chu Lai vẫn sẽ mãi là bãi cát trắng, nhưng đầu tư thì chưa gì mà lại đòi hỏi DN quá nhiều. Dĩ nhiên, phải ngăn chặn những nhà đầu tư không thật tâm, chỉ biết làm lợi cho mình và thiếu quan tâm tới xã hội, cộng đồng và không chấp nhận thu hút các nhà đầu tư bằng bất cứ giá nào, nhất là sự ảnh hưởng tới môi trường, nhưng chính quyền, cơ quan quản lý cũng phải có cách đáp ứng tối thiểu. DN cần tới đâu, đáp ứng tới đó, nhưng hiện nay khả năng đó đã vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền tỉnh mà phải là Trung ương.  

Như vậy, sau 10 năm, không chỉ Chu Lai phải thay đổi các chính sách cơ chế ưu đãi mà Chính phủ cũng phải thay đổi chiến lược phát triển ngành ô tô và bản thân Trường Hải cũng phải thay đổi chiến lược phát triển của DN mình. Thời gian hội nhập AFTA đã gần kề. Năm năm là thời gian quá ngắn để có thể làm được ngành công nghiệp hỗ trợ. Mà nếu không có ngành công nghiệp hỗ trợ thì ngành công nghiệp ô tô sẽ phá sản. Chuyện này xảy ra cho nền công nghiệp non trẻ của Việt Nam là điều đáng tiếc, bởi sự phát triển của Trường Hải không chỉ cho riêng bản thân DN mà còn đạt được mục tiêu kép là phát triển những dự án động lực cho KKTM Chu Lai và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, đề nghị chính quyền có một đánh giá khoa học với sự tham dự của các bộ, ngành, nhà khoa học để đề ra những chính sách cụ thể và thực hiện quyết liệt vào việc phát triển nền công nghiệp ô tô Việt Nam. Nếu không, các áp lực về hội nhập rất lớn, DN Việt Nam không cân sức với các nước thì nhiều khi lại thua ngay trên sân nhà.

Dây chuyền sản xuất gạch men của Công ty CP Gạch men Anh Em DIC. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Dây chuyền sản xuất gạch men của Công ty CP Gạch men Anh Em DIC. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Cecile Le Pham, Tổng Giám đốc Dacotex Group:

“Doanh nghiệp được hưởng nhiều chế độ đặc biệt”

Dacotex là một DN FDI ngành may. Đó là một ngành khó, nhiều lao động, muốn hiệu quả chúng tôi phải tìm tới những chỗ được ưu đãi. Tập đoàn đã có mặt ở Huế, Đà Nẵng, nhưng Chu Lai là nơi mà chúng tôi được hưởng nhiều ưu đãi nhất, DN đã được hưởng nhiều chế độ đặc biệt. Không khí làm việc, nền hành chính ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai này thoải mái, dễ dàng, tạo điều kiện tốt cho hoạt động của DN trong vòng 7 năm qua. Dacotex đang có ý định mở thêm nhà máy để phát triển ngành may nên đã xúc tiến các cuộc làm việc xem những người quản lý có khả năng gì hỗ trợ DN mở rộng sản xuất cũng với đầy đủ ưu đãi như hiện nay hay không?

Không quảng cáo hay tô hồng, nhưng thực chất Khu công nghiệp Bắc Chu Lai hay Chu Lai đã có một môi trường đầu tư tốt. Nếu có một sự phản ứng hay tranh chấp, dù nhỏ giữa DN và người lao động thì các ban, ngành ở đây đã hỗ trợ kịp thời. Vì vậy, DN chưa gặp bất cứ khó khăn gì. Điều quan trọng chính là việc DN đang tìm hiểu liệu có thể dễ dàng tuyển dụng đội ngũ công nhân lành nghề hoặc được sự hỗ trợ, bảo lãnh từ cơ quan quản lý để có thể tiếp cận vốn ngân hàng “dễ dàng” cho DN xuất khẩu 100% như ở Huế hay Đà Nẵng hay không?

Bắt đầu từ 6 người, giờ Dacotex đã có gần 2.000 nhân công, chuyên xuất khẩu hàng “bình dân” 100% cho các siêu thị lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ, nên DN đã dễ dàng vượt qua khó khăn. Mục đích DN sang Việt Nam là mở nhà máy, phát triển sản xuất, thu hút lao động. Và chúng tôi đã thành công.

TS. Bùi Tất Thắng, nhóm Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung:

“Sử dụng ngân sách hợp lý”

Chính quyền Quảng Nam luôn cố gắng tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, mang đến sự thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư kèm theo nhiều hình thức hỗ trợ đa dạng cho các nhà đầu tư khi quyết định lựa chọn đầu tư, hỗ trợ quản lý thực thi các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tham quan nghiên cứu và triển khai các dự án trong KKTM. Tuy nhiên tình hình giải ngân của các dự án công nghiệp còn chậm, bởi sự thiếu đánh giá năng lực của các nhà đầu tư vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án.

Định hướng cơ cấu ngành công nghiệp cần tận dụng các lợi thế vốn có của vùng để Chu Lai phát triển. KKTM nên đẩy mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các ngành sản xuất linh kiện, lắp ráp phụ tùng xe máy, ô tô; xúc tiến mở các tuyến đường bay quốc tế trực tiếp đến cảng hàng không Chu Lai, thêm đường bay nối các đô thị lớn và phát triển hạ tầng xã hội cần tính đến khả năng phục vụ lâu dài trong tương lai. Sử dụng hợp lý ngân sách nhà nước và kêu gọi đầu tư nước ngoài, ưu đãi các dự án dầu tư phát triển hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp, bảo đảm tính nhất quán của các chính sách ưu đãi về đất đai của nhà nước, tôn trọng quyền tự chủ, sản xuất kinh doanh của DN. Kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường, xử lý vi phạm kiên quyết và dứt điểm, nâng cao năng lực quản lý môi trường cho các ban quản lý.

Các sản phẩm ô tô của Công ty CP Ô tô Chu Lai  - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Các sản phẩm ô tô của Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Lê Tuyển Cử, Bộ Kế hoạch và đầu tư:

“Chủ động đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp”

Cơ chế chính sách ưu đãi đang áp dụng tại KKTM đã được vận dụng ở khung cao nhất theo pháp luật hiện hành Việt Nam, nhưng Chu Lai vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra là thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là đầu tư nước ngoài và chưa trở thành khu vực phát triển tạo ra tác động lan tỏa tích cực. Một số định hướng và nhiều điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã làm suy yếu tính liên kết thống nhất giữa các khu chức năng, không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư dẫn đến thiếu khả thi trong thực hiện.

Chu Lai là mô hình đặc thù nên cần nghiên cứu và chủ động đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp thực tế, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của chính sách, sử dụng nguồn lực được đề xuất. Xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư các dự án đầu tư quy mô lớn, mang tính động lực, hướng trọng tâm vào những ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ các dự án lớn. Đồng thời thực hiện một chương trình liên kết và hỗ trợ đào tạo nghề chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động cho người dân địa phương, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút lao động có tay nghề cao, người tài về làm việc tại KKTM.

Đặng Ngọc Minh, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính:

“Xác định mục tiêu đầu tư, tránh đăng ký ồ ạt”

Thu hút đầu tư đã thay đổi mang tính chiến lược so với thời kỳ đầu xây dựng. Môi trường đầu tư được cải thiện, cơ chế chính sách thông thoáng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, so với những yếu tố thuận lợi sẵn có với mục tiêu và yêu cầu phát triển thì Chu Lai vẫn chưa khẳng định được sức mạnh và lợi thế của KKTM đầu tiên của Việt Nam vì thiếu kinh phí. Mặc dù được thực hiện huy động vốn bằng phát hành trái phiếu công trình, tín dụng tài trợ, đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hình thức BOT, BTO, BT cũng như nguồn vốn ODA, song  công cụ này chưa phát huy hiệu quả, chưa thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Còn những cơ chế chính sách thông thoáng nhất áp dụng tại thời điểm thành lập nhằm khuyến khích đầu tư, xuất khẩu nếu so sánh với cơ chế chính sách đang áp dụng ở các khu kinh tế khác thì không có gì khác biệt. Vì vậy, để thu hút được hoạt động đầu tư trước hết cần cơ chế thông thoáng hơn, đòi hỏi khung pháp lý cao hơn, chủ động hơn, cần được nâng tầm quản lý cao nhất, tránh chồng chéo, cơ chế quản lý tập trung, thống nhất sẽ xác định được mục tiêu cần tập trung thay vì đầu tư dàn trải, phân tán cho nhiều khu kinh tế khác nhau. Quảng Nam cần chủ động rà soát, loại bỏ những dự án chậm triển khai, dự án kém hiệu quả, tránh tình trạng đăng ký ồ ạt nhưng chậm thực hiện làm lãng phí các nguồn lực thuận lợi và tiềm năng sẵn có.

GS-TS. Võ Đại Lược, Viện Khoa học xã hội Việt Nam:

“Chuyển đổi thành mô hình đô thị quốc tế”

So với mục tiêu xây dựng khu kinh tế để thu hút vốn FDI, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, thí điểm các chính sách kinh tế mới… đã không đạt được tại Chu Lai. Dự án thành công nhất là ô tô Trường Hải (dự án của Việt Nam). Còn các dự án của nước ngoài đều nhỏ của nhiều công ty không có tên tuổi, bởi thể chế hành chính và kinh tế ở đây lại là thể chế nội địa, chỉ có một số ưu đãi như những vùng khó khăn nên khó hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào xây dựng kết cấu hạ tầng. Nếu cứ tiếp tục tình hình như hiện tại thì Chu Lai sẽ khó phát triển theo các mục tiêu đề ra. Không những thế, có thể sẽ còn một số hệ lụy như sẽ bị các nhà đầu tư nội địa chia nhau chiếm cứ, xây dựng những khu công nghiệp, khu vui chơi, giải trí “đẳng cấp” nội địa với sức hấp dẫn kém, hiệu quả thấp, khó thay chủ khi chuyển hướng sang dịch vụ cao cấp.

 Thể chế hành chính và kinh tế bất cập sẽ ít thu hút được nhà đầu tư nước ngoài và chỉ có những nhà đầu tư không đẳng cấp thì vốn nhà nước đầu tư vào đây thật sự không phát huy hiệu quả, thậm chí là lãng phí. Một mô hình thí điểm mà không thành công sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển. Vì vậy, Chu Lai nên sớm chuyển đổi mô hình theo hướng xây dựng đô thị quốc tế, bằng cách tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài đẳng cấp quốc tế liên doanh xây dựng đô thị này. Các quy hoạch phát triển đô thị quốc tế và các thể chế hành chính, kinh tế của nó sẽ do đối tác nước ngoài đề xuất. Chính phủ Việt Nam xem xét, điều chỉnh và quyết định. Liên doanh theo hướng Việt Nam đóng góp đất đai, kết cấu hạ tầng hiện có và có thể mở rộng thêm. Phía đối tác nước ngoài quy hoạch phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư một số công trình bất động sản, quảng bá, tiếp thị và đề xuất các thể chế hành chính, kinh tế cần thiết. Nếu chuyển theo hướng này thì có thể sẽ có nhà đầu tư đẳng cấp quốc tế tham gia liên doanh. Đây chính là điều kiện quan trọng để Chu Lai có thể trở thành một đô thị quốc tế.

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp sức cho Chu Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO