Chung suy nghĩ, hành động và tấm lòng, những “mạnh thường quân” ở các huyện miền núi của tỉnh trở thành tấm gương điển hình trong học tập và làm theo gương Bác, cùng nhau góp sức dựng xây buôn làng.
Xây nên nông thôn mới
Đến thời điểm này, vùng miền núi của tỉnh đã có 4 xã hoàn thành và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), gồm: xã A Nông, xã Lăng (huyện Tây Giang); xã Ba (Đông Giang) và Trà Dương (Bắc Trà My). Là một trong những địa phương đầu tiên của miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã A Nông để lại dấu ấn không chỉ với diện mạo ngày càng khởi sắc, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, mà còn ở những tấm gương trong phong trào hiến đất, góp công sức hoàn thiện cho chương trình mục tiêu NTM. Theo ông Yđêl Bốn - Chủ tịch UBND xã A Nông, quá trình thực hiện NTM tại địa phương đã nhận được nhiều công sức đóng góp của đồng bào với 7,5ha diện tích đất đai, hoa màu được hiến tặng (ước tổng giá trị hơn 15 tỷ đồng), cùng hơn 5 nghìn ngày công để di dời nhà cửa, làm đường giao thông nông thôn và nạo vét các con đập, kênh mương thủy lợi. Trong đó, tiêu biểu như hộ cựu chiến binh Alăng Bhum (thôn Anoonh) đã tự nguyện hiến 1,6ha đất, hơn 2.000 cây hoa màu các loại và 500m2 ao cá với hơn 1.500 con cá các loại để địa phương san ủi mặt bằng bố trí dân cư, mở rộng diện tích lúa nước.
Niềm vui của các em học sinh trên cây cầu do Coor Dênh xây tặng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đồng bào Cơ Tu ở xã Lăng cũng đã góp sức mình cho NTM bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tạo động lực và niềm tin theo gương Bác. Già làng Bh’riu Roon (ở thôn Nal, xã Lăng) cho hay, kể từ khi chương trình NTM được triển khai, đồng bào Cơ Tu ở địa phương luôn nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ, cùng chính quyền địa phương nỗ lực hoàn thành mục tiêu chung. Ở hầu hết làng bản, việc vận động người dân tình nguyện hiến đất để nhường chỗ cho chính quyền địa phương triển khai thực hiện các công trình dân sinh, khai hoang ruộng lúa nước,... cũng được các già làng, trưởng bản quan tâm, xem đó như trách nhiệm chung của cả làng. Già Roon cũng là người đi đầu trong việc hưởng ứng góp sức cho chương trình NTM tại địa phương với 2 lần hiến đất vườn, đất ruộng, hoa màu có tổng giá trị cả tỷ đồng giúp địa phương san ủi mặt bằng tái định cư, cùng các công trình dân sinh khác.
Lan tỏa cộng đồng
Trong những năm gần đây, vùng cao còn hình thành các công trình dân sinh ý nghĩa, các điểm du lịch cộng đồng đặc trưng văn hóa truyền thống do chính đồng bào tự bỏ tiền đầu tư xây dựng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Trong số đó, phải kể đến cây cầu bê tông cốt thép bắc ngang qua con suối Lồ Ô, được hộ ông Coor Dênh (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Vinh, xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang) xây dựng cho dân làng với số tiền hơn 200 triệu đồng vào năm 2012. Hay hành động của anh Hồ Văn Tý (dân tộc Bh’noong, ở thôn Nước Lang, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) đã tự bỏ tiền huy động dân làng sửa chữa nhà truyền thống và mua tặng nhà cộng đồng chiếc ti vi. Hoặc như câu chuyện về các thầy cô giáo của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, Tây Giang) hàng ngày chắt chiu từng đồng lương gom góp xây một thủy điện nhỏ để học sinh của mình có ánh điện học bài… Đó là những câu chuyện đẹp, đầy cảm động và tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng người dân miền núi.
Không nằm ngoài cuộc, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở huyện vùng cao Tây Giang đã tự góp tiền để xây dựng điểm du lịch cộng đồng trên Đỉnh Quế (xã Tr’Hy), vừa giới thiệu sản phẩm du lịch độc đáo vừa tạo được việc làm cho chính người dân bản địa, trở thành gương điển hình trong việc học tập và làm theo gương Bác ở địa phương. Hay như hộ một cán bộ xã ở huyện Nam Giang đã tự vận động và góp tiền để xây dựng điểm trường học mẫu giáo cho con em tại dân làng cũng từng khiến nhiều người thán phục.
Và còn nhiều tấm gương sáng ở vùng cao. Câu chuyện về họ, đều xuất phát từ tấm lòng, từ sự sẻ chia và mong muốn góp thêm công sức vì một vùng cao phát triển. Nói như ông Chờ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang, cuộc sống của đồng bào vùng cao tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tinh thần vì cộng đồng luôn được phát huy hiệu quả, góp phần vào công cuộc đổi mới, dựng xây buôn làng trên hành trình học tập và làm theo gương Bác.
ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG