Dù tuổi đã ở ngoài thất thập nhưng ông Trần Trúc (xã Tam Mỹ Đông, Núi Thành) vẫn rất tinh anh, nhanh nhẹn. Lúc nào phong thái của ông cũng ra chiều bận rộn, suy tư việc nghĩa giúp đời.
Người dân xóm Mồ Côi nay đã thoát cảnh khổ vì thiếu nước nhờ bàn tay ông Trúc. Ảnh: TRẦN THẮNG |
Xóm Mồ Côi (thôn Trà Tây, xã Tam Mỹ Đông) - cái tên gọi đã nói lên phần nào sự biệt lập, cách trở. Hơn năm chục nóc nhà ở đây giữa chốn đồng không mông quạnh, trước đây giếng đào lên toàn là nước lợ. Kiếm được nguồn nước ăn uống, sinh hoạt hằng ngày đã khó nói gì tới chăn nuôi súc vật, trồng trọt rau màu. Tay cầm vòi tưới nước cho đám cây cảnh trong vườn, ông Trần Tiên (80 tuổi, thôn Trà Tây) bảo rằng nhờ có dòng nước từ công trình nước ngọt mà những mảnh vườn chỉ toàn cát trắng và gai xương rồng ngày trước đã trở nên tươi tốt rau màu, cây trái. Tất cả là nhờ công sức của ông Trúc.
Trước đây, không đành lòng nhìn bà con Trà Tây chịu cảnh khốn khổ vì nước sinh hoạt, ông Trúc rong xe khắp nơi xin nguồn tài trợ. Sau nhiều lần gõ cửa các đơn vị trình bày nguyện vọng, một ngôi chùa ở Huế đồng ý cấp kinh phí cho ông thực hiện dự án kéo đường nước ngọt về xóm Mồ Côi. Cầm tiền trên tay, ông Trúc trở về huy động bà con góp công sức cùng xây bồn, kéo ống đến từng nhà trong xóm. Ông Trương Thái (người xóm Mồ Côi) là người chủ động hiến giếng nước nhà mình cho công trình của xóm. Biết quanh xóm Mồ Côi mấy cây số chỉ có giếng nhà ông Thái là có mạch nước tốt, ông Trúc tới đặt vấn đề xin cái giếng cho xóm. “Tôi thấy ở xóm dưới ai cũng gánh gàu lên nhà tôi xin nước khổ sở quá. Nghe ông Trúc nói hợp lý tôi cho luôn cái giếng để cải tạo lại, lắp máy bơm nước lên bồn. Giếng này nước nhiều đủ cho cả xóm xài, có hạn cỡ nào cũng không cạn được” – ông Thái tâm sự. Bây giờ xóm Mồ Côi có nước xài thỏa thích, hằng tháng mỗi gia đình chỉ phải đóng chừng chục nghìn đồng tiền điện. Cuộc sống bớt nhọc nhằn, ngôi làng như có sinh khí mới, vui tươi hơn hẳn ngày trước.
Nhiều năm làm việc nghĩa, số người được ông Trúc giúp đỡ không ít nhưng ông vẫn nhớ về cô gái bất hạnh ở xã Bình Trung (huyện Thăng Bình). Cô gái đó là Võ Thị Quyền (22 tuổi). Quyền phát bệnh ung thư xương đầu gối khi mang thai tháng thứ 3. Bác sĩ khuyên cô bỏ thai để điều trị nhưng Quyền kiên quyết giữ lại giọt máu của mình. Gia đình làm nông, vợ chồng mới cưới khó khăn chồng chất nhưng chị vẫn mạnh mẽ vượt qua, sinh hạ con trai trước khi lìa trần. Cảm thương hoàn cảnh ấy, ông Trúc vận động bạn bè, người quen các nơi được hơn 15 triệu đồng chạy xe máy đến tận nhà trao cho gia đình. Ông Trúc kể: “Trên đường về tôi cứ suy nghĩ mãi về đứa nhỏ con của Quyền. Mẹ cháu qua đời quá sớm, không khéo cháu suy dinh dưỡng. Vậy là mỗi ngày tôi xin từ những người bạn vài chục nghìn đồng, dồn lại cuối tháng được chừng hơn một triệu đồng mua sữa mang ra cho cháu bồi dưỡng”. Đứa bé ấy là Hồ Võ An Hiếu, nay đã tròn 5 tuổi. Dù chuyện đã qua lâu nhưng hàng năm cứ tới dịp tết, lễ Vu lan, ông Võ Đăng Đồng (cha của Quyền) lại tìm đến tận nhà ông Trúc để thăm hỏi. Ông Đồng bảo: “Ngày ấy, cứ cách năm bảy hôm là ông Trúc lại chạy xe ra nhà tôi mang sữa cho cháu. Sống trên đời ít có người tình nghĩa như vậy. Tôi cảm cái ơn ấy nên luôn ghi nhớ trong lòng mình!”.
TRẦN THẮNG