(QNO) – Sáng nay 1/6, Sở Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giải đoạn 2023 – 2025 tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ngành, địa phương liên quan đối với dự thảo đề án sáp nhập huyện Nông Sơn và Quế Sơn.
Tại hội nghị, đơn vị tư vấn xây dựng đề án đã phân tích về căn cứ pháp lý và sự cần thiết, phương án và đánh giá các tác động do việc sáp nhập huyện Nông Sơn và Quế Sơn để thành lập ĐVHC cấp huyện mới. Đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị đối với Trung ương về các vấn đề liên quan, đảm bảo cho việc triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại Quảng Nam.
Theo phương án, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Nông Sơn (có diện tích tự nhiên là 471,64km2, đạt 55,49% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 35.438 người, đạt 44,30% so với tiêu chuẩn) với huyện Quế Sơn (có diện tích tự nhiên là 257,46km2, đạt 57,21% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 104.128 người, đạt 86,77% so với tiêu chuẩn) để thành lập huyện Quế Sơn (có diện tích tự nhiên là 729,10km2, đạt 112,70% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 139.566 người, đạt 131,07% so với tiêu chuẩn).
Góp ý vào nội dung dự thảo đề án, các ý kiến thống nhất với tên gọi ĐVHC cấp huyện mới sau sáp nhập là Quế Sơn, đặt trụ làm việc tại thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn hiện nay.
Qua phân tích các nội dung được thể hiện tại dự thảo đề án, các ý kiến cũng đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện. Như về bố cục cần có sự chặt chẽ, làm rõ sự cần thiết của việc sáp nhập hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng để các cơ quan Trung ương thẩm định. Cử tri địa phương cũng quan tâm đến yếu tố này.
Lịch sử hình thành hai địa phương Quế Sơn và Nông Sơn cũng cần luận giải đầy đủ. Trong việc đánh giá tác động thuận lợi, khó khăn của việc sáp nhập cần sát đúng với tình hình thực tế địa phương. Đề xuất có cơ chế đặc thù cho ĐVHC cấp huyện bị sắp xếp để đảm bảo phát triển ổn định, chăm lo tốt đời sống nhân dân.
Dự thảo đề án cũng nên nêu giải pháp cụ thể, kế hoạch, lộ trình, kinh phí thực hiện các nội dung công việc; đặc biệt, về giải quyết cán bộ, tài sản công dôi dư cần nghiên cứu có đánh giá thực trạng, có phương án, xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan, các giải pháp, thời gian thực hiện theo lộ trình…
Bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị đơn vị tư vấn xây dựng dự thảo đề án tiếp thu các ý kiến góp ý, nghiên cứu bổ sung hoàn thiện dự thảo đề án. Và cho biết, đây là tiểu của đề án trong phương án tổng thể về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh.
Đề án tổng thể về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh hoàn chỉnh sẽ bao quát, tích hợp tất cả các đề án sáp nhập các xã và đề án sáp nhập huyện. Khi đó, các kiến nghị, giải pháp, khi phí thực hiện và các vấn đề liên quan sẽ đề cập cụ thể, tạo sự thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC tại Quảng Nam.