(QNO) - Sáng 3/4, tại TP.Cần Thơ, Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi).
Bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội thảo. Cùng dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội của hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn mới, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có tính quyết định để đổi mới thành công là sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật liên quan, trong đó có Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện chủ trương, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trình hội thảo lần này xoay quanh các vấn đề liên quan đến sửa đổi các quy định về không tổ chức cấp huyện; rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử; công tác tổ chức bầu cử, thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, phân chia đơn vị bầu cử trong bối cảnh tinh gọn bộ máy…
Phát biểu góp ý tại hội thảo, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xác định tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách để làm căn cứ tìm nguồn giới thiệu, dự kiến phân bổ số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội cho phù hợp và nghiên cứu tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phù hợp với bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị tăng số lượng số cử tri tối đa để thành lập khu vực bỏ phiếu và giao UBND cấp cơ sở quyết định khu vực bỏ phiếu, đảm bảo linh hoạt và phù hợp với thực tế địa phương; quy định rõ hơn về tiêu chuẩn của các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; thẩm quyền công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ nên giao cho Hội đồng bầu cử quốc gia…
Đại biểu Dương Văn Phước cũng đồng tình với các đại biểu khác về việc đề nghị giữ nguyên phương án của luật hiện hành về cả 3 hội nghị hiệp thương ở Trung ương đều do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức và các hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.
Trong đó, đề nghị quy định rõ số lượng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và một số đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp cơ sở tham gia làm thành viên ở các hội nghị hiệp thương, đảm bảo tính chặt chẽ của các quy định trong dự thảo luật, tránh việc áp dụng pháp luật một cách tùy nghi.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ban soạn thảo dự thảo luật sẽ tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.