Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần khắc phục những "lỗ hổng"

TRẦN HỮU 19/03/2013 08:23

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - sau đây gọi tắt là Dự thảo - do UBND tỉnh vừa tổ chức, nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã tập trung phân tích, “mổ xẻ” những lỗ hổng, vướng mắc trong chính sách thu hồi đất, bồi thường - hỗ trợ (BTHT), tái định cư (TĐC) hiện nay...

Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do UBND tỉnh tổ chức.Ảnh: HỮU PHÚC
Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do UBND tỉnh tổ chức.Ảnh: HỮU PHÚC

Khó khả thi

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị lấy ý kiến cán bộ chủ chốt của tỉnh nay đã nghỉ hưu góp ý vào Dự thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, lúng túng nhất khi triển khai Nghị định 69 là vận dụng cơ chế bồi thường và hỗ trợ không biết dựa theo nguyên tắc nào? Diện tích bồi thường và diện tích hỗ trợ được tính khác nhau hay giống nhau vẫn là vấn đề đang tranh cãi, thiếu tính nhất quán ở các địa phương. Dự thảo cập nhật việc thu hồi đất bao nhiêu thì sẽ bố trí đất TĐC bấy nhiêu. Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh không ít rắc rối, nhiều nơi thiếu quỹ đất bố trí TĐC. Hoặc ở dự án thủy điện Sông Tranh, chủ đầu tư kiên quyết không bồi thường diện tích nằm ngoài vùng lòng hồ dù chính thủy điện là tác nhân gián tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân...

Về vấn đề trên, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ánh cho rằng, khi dự án gây ảnh hưởng dù là gián tiếp, thì không lý do gì không BTHT cho nhân dân, với điều kiện công dân phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Liên quan đến điều đó, theo nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ánh, trong Điều 99 về “xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn, ao” nên bổ sung ý “công dân phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trên mảnh đất đó” thì mới bồi thường. Đối với giá đất, ông Ánh góp ý, quy định điều chỉnh theo giá thị trường, nhưng phải dựa theo nguyên tắc thị trường phổ biến chứ không phải thị trường cá biệt. “Nếu thu hồi bao nhiêu thì bố trí TĐC bấy nhiêu sẽ rất khó mang tính khả thi, vì nhiều địa phương không đủ diện tích đất dự phòng để bố trí. Cách tốt nhất là tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bố trí, quy đổi phù hợp” - ông Ánh nói.

Cần bảo vệ diện tích đất lúa

Tại buổi góp ý, phần lớn ý kiến đều tỏ rõ quan điểm Nhà nước phải bảo vệ cho bằng được diện tích đất lúa; hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng với mục đích phi nông nghiệp. Đồng thời hỗ trợ những vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; đề cập trách nhiệm của chủ đầu tư dự án chuyển đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp. Riêng nội dung Chương V về “Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng”, các đại biểu đều đồng tình thu hẹp đối tượng được giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất, chuyển cơ bản sang hình thức Nhà nước cho thuê đất; xác định nguyên tắc chung khi áp dụng BTHT-TĐC...

Đề cập căn cứ, thẩm quyền thu hồi đất, nhiều ý kiến đề xuất nên rạch ròi các trường hợp thu hồi để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất. Điểm mới của Điều 65 (Chương VI về “Thu hồi đất, BTHT-TĐC” trong Dự thảo là chuyển từ thẩm quyền chung của UBND sang thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND. Trên thực tế, lâu nay thu hồi đất để chuyển mục đích sử dụng, nhưng chưa đề cập thu hồi đất có cùng mục đích sử dụng giống nhau.

Nhà nước cần kiểm soát giá đất

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phan Văn Phờ nêu ý kiến: “Theo tôi, Nhà nước định giá đất nhưng phải thống nhất quản lý giá đất, bảo vệ cho bằng được giá đất và bồi thường xứng đáng cho nông dân”. Đồng quan điểm với ý kiến trên, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Thị Thanh Lâm cho rằng, nguyên nhân khiếu nại, khiếu kiện dai dẳng thời gian qua là do chưa xác định giá đất chung. Tại sao các mặt hàng khác như giá xăng dầu, điện…, Nhà nước định được giá, còn đất đai lại để “bay nhảy”, kiểm soát kém? Nhà nước phải quyết định được giá, chứ không thể chạy theo bất cứ ai. “Tuy nhiên, muốn xác định đúng theo giá thị trường, phải giám sát chặt chẽ cơ quan quản lý, đề xuất giá đất, mà cụ thể ở đây là ngành tài nguyên - môi trường trực tiếp tham mưu” - bà Lâm nói.

Góp vào nội dung của Điều 120 (thuộc Chương X về “chế độ sử dụng các loại đất”), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Tiên nói, nguyên tắc bất di bất dịch của rừng đặc dụng là không cho người dân vào sinh sống. Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhưng phải là công dân Việt Nam. Tùy loại đất nông - lâm nghiệp có mục đích sử dụng khác nhau mà kéo dài thời hạn giao, chứ không nhất thiết phải là 50 năm. Ông Tiên nêu vấn đề, nếu người dân trồng loại cây lim trên diện tích rừng trồng, thời gian khai thác lên đến cả 100 năm thì làm sao. Do vậy, cần bổ sung việc phát triển rừng sản xuất, rừng trồng tự nhiên theo phương án cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo ông Tiên, cần thiết bổ sung quy định Nhà nước giao đất rừng sản xuất có rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển thay cho quy định Nhà nước cho thuê đất theo quy định hiện hành (khoản 1, Điều 130).

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần khắc phục những "lỗ hổng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO