Tại các diễn đàn góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ nội dung “thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” được quy định tại khoản 2, Điều 89.
Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một nội dung hết sức quan trọng trong Luật Đất đai, không chỉ giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai mà còn là cơ sở để bảo vệ tốt hơn các quyền của người sử dụng đất. Vậy nên, tại các diễn đàn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến góp ý đối với các nội dung được quy định tại Chương VII (từ Điều 89 đến Điều 110).
Góp ý tại diễn đàn do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh vừa phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức, bà Nguyễn Thị Dung – Trưởng ban Tuyên giáo, chính sách, luật pháp (Hội LHPN tỉnh) cho rằng, tại khoản 2, Điều 89 của dự thảo luật quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Do đó, quy định cần làm rõ tiêu chí như thế nào là “bằng và tốt hơn”? Bởi trên thực tế, có thể hộ bị thu hồi đất được bố trí nơi ở mới, xây dựng nhà mới, đó mới nói về điều kiện sống. Còn thu nhập bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ rất khó định lượng, trên thực tế chưa chắc đã thực hiện được khi hộ gia đình đang sinh sống, làm ăn ổn định, nay bị thu hồi đất phải di dời đến nơi ở mới, phải chuyển đổi nghề nghiệp.
“Tại khoản 2 của Điều 89 mới nói đến đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi thu hồi đất. Tôi đề nghị, cần bổ sung thêm đối tượng gián tiếp bị ảnh hưởng khi thu hồi đất. Bởi, ngoài những người bị ảnh hưởng trực tiếp, có trường hợp con hoặc cháu ở nơi khác về nhà ông bà/cha mẹ thuê mặt bằng và đang buôn bán rất tốt; nay ông bà/cha mẹ bị thu hồi đất. Việc thu hồi đất này mới tính đến những người có hộ khẩu ở trong hộ gia đình, chưa tính đến trường hợp có kế sinh nhai tại đây” - bà Dung kiến nghị.
Theo ông Đoàn Văn Tri - Tư vấn viên Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), từ thực tiễn thực hiện Luật Đất đai, cụ thể là từ khi Luật Đất đai 1993 ra đời cho đến nay, người dân có đất bị thu hồi ngày càng được quan tâm hơn, hỗ trợ về tái định cư, ổn định cuộc sống.
Nhà cửa khang trang, vững chắc hơn do có khoản tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhưng việc đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì còn nhiều vướng mắc và bất hợp lý trong quá trình thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp… Nhất là đối với các dự án bất động sản có chênh lệch rất lớn giữa “giá bồi thường” với “giá tái định cư” và “giá giao dịch thực tế”.
Hiện tồn tại nhiều dự án sau khi được giao đất, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư chưa hoàn thiện, thậm chí chưa làm nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, nhưng đã quảng cáo, tiếp thị, chào bán đất nền, “sang tay, đặt chỗ”… theo “giá thị trường”. Rất dễ nhận biết không chỉ người bị thu hồi đất mà cả chủ sở hữu đất đai (Nhà nước là đại diện) cũng chưa điều tiết hợp lý nguồn thu từ đất, mà giá trị tăng thêm từ đất thuộc về nhà đầu tư.
Tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ vừa tổ chức, bà Đặng Thị Phú Hoa - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Tam Kỳ nói, dự thảo cần làm rõ nội dung chính sách bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm để người bị thu hồi đất, nhất là người dân tộc thiểu số có sinh kế ổn định; bảo đảm thu nhập phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn.
Nếu người dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì phải được giao đất ngay và phải phù hợp với tập quán sản xuất, sinh kế của người bị thu hồi đất nếu có quỹ đất. Nếu chuyển nghề phi nông nghiệp thì việc đào tạo, dạy nghề phải gắn với nhu cầu thị trường; địa phương không dạy nghề mà thị trường địa phương không có nhu cầu hoặc ít nhu cầu; không ép buộc, dạy các nghề theo kế hoạch của Nhà nước.