Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo lợi ích lâu dài cho người dân

TRẦN HỮU 14/03/2013 08:39

Tại các hội nghị góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - gọi tắt là Dự thảo luật - do các ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức, nhiều ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp; khi cần sử dụng, Nhà nước nên “trưng mua đất” chứ không phải là “thu hồi đất”…

Nhiều diện tích đất rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng các dự án thủy điện.  Ảnh:   TRẦN PHÚC
Nhiều diện tích đất rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng các dự án thủy điện. Ảnh: TRẦN PHÚC

Giao đất lâu dài

Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất đặc biệt, do đó, nhiều ý kiến thống nhất đề nghị nên kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình là 50 năm, không phân biệt đất trồng cây hằng năm hoặc cây lâu năm. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - ông Lê Văn Lai nói: “Điểm bất lợi của thời hạn giao đất nông nghiệp ngắn hạn là sản xuất ít có khả năng sinh lợi và làm trì hoãn chủ trương phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thị trường. Không thể để tồn tại một thực tế là thời hạn giao đất cho doanh nghiệp dài hơn đối với giao đất cho nông dân. Mặt khác, Dự thảo luật phải giải quyết được mâu thuẫn: cũng mảnh đất đó nhưng doanh nghiệp được giao đất có thể chi bồi thường tiền tỷ; nhưng các dự án phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng chỉ bồi thường vài chục triệu đồng”.

Một số ý kiến đề nghị nên quy định thời hạn giao đất đối với từng loại đất cụ thể, sửa đổi quy định chính sách tài chính về đất đai, về giá đất, định giá đất, đấu giá. Thậm chí, nhiều ý kiến của cán bộ các địa phương như Nông Sơn, Bắc Trà My… đề xuất thay đổi quy định về hạn điền (nếu cần bỏ luôn hạn điền) mới mong “cởi trói” để ngành nông nghiệp phát triển. Luật Đất đai năm 1993 quy định thời hạn giao quyền sử dụng đất nông nghiệp là 20 năm, dẫn đến các quyền của người nông dân như thế chấp vay vốn ngân hàng, chuyển nhượng... gặp khó khăn.

Hôm nay 14.3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu mời tham dự góp ý gồm các chuyên gia ngành luật, cán bộ, lãnh đạo đã và đang công tác, giữ cương vị chủ chốt của một số ban, ngành, lĩnh vực liên quan. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 13 Chương, 206 Điều; trong khi đó, Luật Đất đai năm 2003 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) gồm 7 Chương, 146 Điều.

Theo ông Dương Chí Công - Giám đốc Sở Tài nguyên & môi trường, khi quy hoạch sử dụng đất cần phải khảo sát, điều tra sát thực tế để có thể quy hoạch sử dụng đất lâu dài và thống nhất cao giữa các bộ, ngành nhằm tránh tình trạng chồng chéo là ngành nào cũng có quy định về hướng dẫn sử dụng đất. Bên cạnh đó, Dự thảo luật cần quy định rõ hạn mức sử dụng đất của tất cả các cơ quan đơn vị. Nhà nước phải thu hồi lại phần diện tích thừa sau khi sử dụng không hết, không để xảy ra tình trạng dùng đất của Nhà nước để cấp, cho thuê hoặc mua bán thu lợi bất chính. Trong Chương VI cần quy định rõ hạn mức giao đất nông nghiệp để tính toán hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm từ nguồn thu từ đất. Trong đó, đề nghị quy định rõ là hạn mức giao đất nông nghiệp khi thực hiện Nghị định 64/1993/NĐ-CP ngày 27.9.1993, hay hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 112 của Luật này. Trong Chương V về “Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất” cần bổ sung nội dung quy định về bảo vệ môi trường vào căn cứ giao đất, cho thuê đất. Vì đối với các dự án đầu tư, trước khi được phê duyệt phải có đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường cho thống nhất với quy định tại Khoản 4, Điều 22 của Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần bổ sung thêm quy định về nguồn vốn xây dựng khu tái định cư; trong đó quy định cụ thể đối với các dự án do Trung ương quản lý, làm chủ đầu tư và quy định về điều kiện để được bố trí đất tái định cư trong Chương VI về “Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nên “trưng mua” chứ không “thu hồi”

Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - ông Trần Xuân Vinh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên tuân thủ theo hướng 3 cấp (quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện), kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 5 năm và được điều chỉnh, bổ sung hàng năm. Cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thêm nữa là cải tiến, tinh gọn, tránh các thủ tục rườm rà liên quan đến thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bám sát quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt. Về cơ chế thu hồi đất cần có chính sách đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân khi có đất bị thu hồi. Nên bỏ cụm từ “thu hồi đất” thay vào đó bằng từ “trưng thu, trưng mua đất” cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Mặt khác, Dự thảo luật cần phân biệt rõ hơn khái niệm “khai hoang” với tình trạng lấn chiếm đất trái phép, để mọi người dân đều được hưởng lợi công bằng, hợp pháp.

Ông Phạm Bê - quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên & môi trường) cho rằng, quy định tại Khoản 2, Điều 50 của Dự thảo luật có nội dung “Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các căn cứ quy định tại Khoản 1 điều này còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ” là không phù hợp với thực tiễn, “rắc rối” về thủ tục hành chính. Bởi, ở cấp cơ sở khi xin ý kiến của Thủ tướng để chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất sẽ tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. “Vì thế, đề nghị cụ thể hóa diện tích giao đất, cho thuê đất lúa khoảng bao nhiêu héc ta thì phải trình xin Chính phủ? Nên bỏ cụm từ “còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”, thay vào đó là giao thẩm quyền quyết định cho cấp tỉnh. Lý do đơn giản là theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp dưới phải được cấp trên phê duyệt nên mạnh dạn phân quyền quản lý cho tỉnh” - ông Bê nói.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo lợi ích lâu dài cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO