Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho dân

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN 16/03/2023 08:03

Nhiều ý kiến đóng góp chỉ rõ sự bất hợp lý và đề xuất sửa đổi phù hợp thực tế, rất có giá trị với mong muốn các quy định pháp luật về đất đai vừa mang tính nguyên tắc vừa phù hợp đời sống và không mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhận được sự quan tâm lớn từ phía đại diện các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và người dân. Ảnh: T.C
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhận được sự quan tâm lớn từ phía đại diện các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và người dân. Ảnh: T.C

Đánh giá đúng giá trị đất

GS-TS. Đặng Hùng Võ - chuyên gia về quản lý tài nguyên nói, ở Việt Nam hiện nay, những khoản thu từ giá trị đất đai lớn nhất đều từ cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Bản chất là chuyển từ giá trị đất đai của khu vực tư sang giá trị đất đai thuộc khu vực công. Nếu bồi thường thỏa đáng, giải pháp này không mang lại hiệu quả kinh tế cho Nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra những vấn đề bất ổn về xã hội hiện nay, thể hiện rõ ở tình trạng khiếu nại về đất đai vẫn chiếm tới 70% tổng lượng khiếu nại của dân.

Các vấn đề về đất đai thu hút các chuyên gia, người đầu ngành tham gia đóng góp ý kiến tại các diễn đàn. Ảnh: Q.C
Các vấn đề về đất đai thu hút các chuyên gia, người đầu ngành tham gia đóng góp ý kiến tại các diễn đàn. Ảnh: Q.C

“Nhà nước không thu được từ đất bao nhiêu cả, trong khi những đại gia bất động sản thu lợi cực kỳ lớn từ đất đai. Câu chuyện này liên quan đến sự khập khiễng trong chính sách đất đai. Phải tạo dựng một chính sách sao cho đất đai chuyển được thành tiền ở một mức độ nhất định. Đưa lên cao quá, năng lực cạnh tranh sẽ thấp, mà thấp quá sẽ không có lợi, vì đất đai rẻ, lượng tiền chuyển từ đất sang sẽ thấp” - ông Võ nêu quan điểm.

Ông Lê Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chia sẻ: “Các địa phương xác định giá đất, tham mưu UBND tỉnh, nhưng trên thực tế giá đất được đề cập thấp. Lâu nay, việc xây dựng giá đất chênh lệch vài lần so với thực tế, có nơi chênh nhau lên đến hơn 10 lần. Việc này vừa gây thiệt hại cho người dân mất đất, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Đồng thời ở góc độ khác, người được cấp đất, nộp tiền nghĩa vụ cho mảnh đất sở hữu rất thấp, do đó thất thoát nguồn lực. Việc này phải đánh giá sát đúng, để đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả người dân lẫn Nhà nước”.

Băn khoăn đất công ích

Vấn đề đất công ích trở nên khá “nóng” ở các diễn đàn góp ý dự thảo Luật Đất đai. Luật sư Cao Văn Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh nói, khoản 6 Điều 143 của dự thảo Luật Đất đai đề cập trường hợp đo đạc mà ranh giới thay đổi, diện tích lớn hơn so với chứng nhận, phần chênh lệch nhiều hơn được xem xét công nhận quyền sử dụng đất.

[Video] - Ông Cao Văn Trí - Phó Giám Đốc Trung tâm Tư vấn pháp Luật Hội Luật Gia tỉnh trao đổi các vấn đề liên quan đến Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai (sửa đổi):

Trong thời gian qua, đối với Hội Luật gia khi tiếp nhận tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho công dân cũng như tuyên truyền, nổi lên các trường hợp cấp đổi quyền sử dụng đất từ “bìa đỏ” sang “bìa hồng”, đa số diện tích đất của chủ sử dụng tăng lên.

“Trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Thăng Bình và Hội An, thực sự rất khó khăn để công dân được giải quyết việc tăng thêm này. Do đó, việc xem xét để công nhận diện tích tăng thêm trong trường hợp này phải quy định cụ thể. Một số trường hợp khi đối chiếu với bản đồ 64 là đất công ích thì không được cấp giấy chứng nhận. Cá nhân tôi cho rằng, đất công ích nên chia ra hai loại.

Việc xây dựng giá đất hiện nay có sự chênh lệch gấp nhiều lần so với thực tế. Ảnh: Q.C
Việc xây dựng giá đất hiện nay có sự chênh lệch gấp nhiều lần so với thực tế. Ảnh: Q.C

Loại thứ nhất có tên trong trong sổ địa chính là đất công ích do UBND địa phương quản lý, thể hiện bằng hợp đồng cho thuê đất công ích với hộ gia đình, cá nhân, có thời gian thuê rõ ràng. Trường hợp này không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân là đúng.

Loại thứ hai, đối với trường hợp có tên trong sổ địa chính là đất công ích nhưng thực tế Nhà nước không quản lý, không có hợp đồng cho thuê, người dân sử dụng liên tục, ổn định, không có tranh chấp, khiếu nại, phù hợp với quy hoạch thì phải xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân” - Luật sư Cao Văn Trí nhấn mạnh.

[Video] - Ông Lê Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh góp ý các vấn đề liên quan đến đất công ích:

Liên quan nhóm đất công ích, ông Lê Ngọc Trung cho rằng, một số địa phương đồng bằng khai thác tốt, việc sử dụng đất có tính cạnh tranh cao, tổ chức đấu giá, hợp đồng thuê đất nghiêm túc. Nhưng ở miền núi, giá trị đất thấp hơn, nhiều nơi đất công ích do dân quản lý sử dụng trên thực tế nhưng không có hợp đồng cho thuê, việc cấp đất không có hạn mức chung.

“Có trường hợp, đất công ích được giao cho dân theo kiểu “khoán”, chỗ nào đất canh tác tốt thì diện tích khoảng 70 - 80%, chỗ nào đất xấu, có thể giao đến 150% so với hạn mức chung. Khi có công trình phúc lợi đi qua, liên quan đến giải quyết quyền lợi của dân lại chỉ tính trên diện tích, dẫn đến mất công bằng, đất của công thành của riêng. Do đó cần chặt chẽ hơn trong quy định quản lý đất công ích” - ông Trung nói.

Giải quyết mâu thuẫn giữa các văn bản luật

Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch Hội nông dân Phú Ninh viện dẫn, liên quan đến điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp quy định cho cá nhân tại Điều 51 của dự thảo luật quy định, chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cùng xã, phường, thị trấn hoặc liên huyện mà gần kề nhau, người ở nơi khác đến thì không được. Điều này trái với Điều 186 về tích tụ đất đai.

[Video] - Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh góp ý các vấn đề liên quan đến tích tụ ruộng đất hiện nay:

Ông Anh nêu ví dụ, ở nông thôn, người dân không có điều kiện mua nhiều đất để tích tụ đất đai. Khi doanh nghiệp đến, họ muốn mua diện tích lớn để đầu tư sản xuất công nghệ cao, lâu dài. Tích tụ đất đai rất khó nếu thực hiện theo quy định này, khó sản xuất tập trung, dù dân muốn bán cho doanh nghiệp cũng không thể chuyển nhượng do chủ doanh nghiệp không phải là người địa phương, không có hộ khẩu ở địa phương, liên quan đến cư trú.

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã xảy ra nhiều vụ việc khá phức tạp, dai dẳng do mâu thuẫn lớn giữa Luật Đất đai và Luật Cư trú. Nhiều trường hợp người dân nơi khác đến tích cóp mua đất ở do người địa phương chuyển nhượng, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nhưng xây dựng nhà ở thì vướng quy hoạch.

Mâu thuẩn giữa Luật Đất đai và Luật Cư trú dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư hiện nay. Ảnh: Q.C
Mâu thuẩn giữa Luật Đất đai và Luật Cư trú dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư hiện nay. Ảnh: Q.C

Luật cho phép chuyển nhượng, song sau khi chuyển nhượng, dân lâm vào tình cảnh đi chẳng được, ở chẳng xong. Khi Nhà nước tính toán bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong chính sách, nếu không có hộ khẩu thường trú tại địa phương thì không được giải quyết tái định cư cũng như hỗ trợ chênh lệnh.

Đây là điều khá vô lý, vì dân chưa làm nhà ở, không được phép xây dựng nhà thì không thể xin cấp hộ khẩu, chưa có hộ khẩu thì không được hỗ trợ tái định cư. Vòng lẩn quẩn này lặp lại ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân, có trường hợp người dân khởi kiện đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường, đề nghị giao đất có cùng mục đích sử dụng nhưng không thể giải quyết.

Để đảm bảo sự hài hòa giữa dự thảo Luật Đất đai với Luật Thủy sản, Luật Biển, theo ông Trần Quang Kiến - Chủ tịch Hội Nghề cá, cần bổ sung danh mục đất để bảo vệ và khai thác thủy sản trong danh mục đất giao cộng đồng quản lý. “Ngành thủy sản rất quan tâm về vấn đề phát triển đất vùng đặc quyền kinh tế, không những phục vụ cho ngư nghiệp mà còn bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ an ninh, quốc phòng. Trong Luật Biển đã có quy định vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, do đó cần bổ sung danh mục đất có mặt nước ở vùng đặc quyền kinh tế trong dự thảo Luật Đất đai để có cơ chế quản lý, khai thác phù hợp, đáp ứng xu hướng hiện nay” - ông Kiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO