Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Xem xét quy định phù hợp với vùng, miền

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN 13/03/2023 08:23

Xem xét một số quy định để phù hợp tập tục sản xuất, văn hóa của đồng bào vùng cao, nhiều đại biểu ở các huyện miền núi Quảng Nam cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên chi tiết hóa một số quy định để hài hòa lợi ích, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Tại Hội An khẳng định những thay đổi trong luật sẽ góp phần giải quyết tồn tại, vướng mắc lâu nay.

Vướng mắc giải phóng mặt bằng liên quan đến cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến tiến độ một số công trình trọng điểm. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra tiến độ dự án đường dẫn cầu Cửa Đại vào tháng 8/2022. Ảnh: T.C
Vướng mắc giải phóng mặt bằng liên quan đến cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến tiến độ một số công trình trọng điểm. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra tiến độ dự án đường dẫn cầu Cửa Đại vào tháng 8/2022. Ảnh: T.C

Kéo dài thời gian sử dụng đất rẫy

Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang nói đất đai có tác động rất lớn đến các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng của các địa phương.

“Các địa bàn miền núi có tính đặc thù rất cao, do đó cần có quy định chi tiết, cụ thể hơn trong luật. Nếu không thể quy định chi tiết trong luật, thì sau khi luật thông qua, các nghị định, thông tư hướng dẫn phải chú trọng quy định phạm vi từng loại đất, tính tới yếu tố vùng miền trên cơ sở luật cho phù hợp.

Miền núi có những tính chất khác, khó kêu gọi khai thác quỹ đất như vùng đồng bằng, nên một số quy định liên quan đến tái định cư phải khác biệt, phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài.

Đối với các đơn vị quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải nâng lên thành một ban riêng, bổ sung biên chế cho mỗi địa phương, vì thực tế công việc của các đơn vị này rất nhiều, có nơi quá tải” - ông Bhling Mia nói.

Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nêu ý kiến về việc thu hồi đất “chỉ thực hiện sau khi hoàn thành quyết định phê duyệt phương án tái định cư và việc giao đất cho người dân không quá 12 tháng”. Với quy định cụ thể thời hạn này, việc triển khai dự án đầu tư công sẽ đảm bảo về thời gian, thủ tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Phương, tại Điều 128 dự thảo Luật Đất đai quy định việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất (thỏa thuận về bồi thường), song không nêu rõ hạn mức dẫn đến có nơi người dân yêu cầu thỏa thuận gấp 3, 4 lần giá thị trường, nảy sinh vướng mắc cho dự án.

“Phải chia sẻ lợi ích hợp pháp giữa nhà đầu tư và người dân, nhưng việc thực hiện phải có giới hạn mức độ tối đa cho phép, khoảng từ 2,5 đến 3 lần để tạo điều kiện thu hút đầu tư. Nếu trong luật không quy định, các văn bản dưới luật nên có hạn mức này để triển khai thực hiện, có định khung giới hạn cụ thể” - ông Phương đề xuất.

Góp ý vào các nội dung của dự thảo, ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đề nghị bổ sung vào khoản 3, Điều 9 dự thảo Luật Đất đai nội dung khai hoang, khôi phục, phục hồi đất bị thoái hóa, lấn biển, đưa diện tích mặt nước hoang vào sử dụng phải “được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép”.

Việc bổ sung này, theo lý giải của ông Chương, nhằm thực hiện chủ trương khuyến khích của Nhà nước về khai hoang, hạn chế tình trạng phát nương làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, vi phạm luật thường xảy ra ở miền núi.

Bên cạnh đó, tại Điều 80, Chương 6 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, tại điểm h có nêu “đất sản xuất nông nghiệp không được sử dụng trong thời hạn 36 tháng liên tục thì bị xử phạt và không đưa vào sử dụng”.

Trong khi ở các huyện miền núi cao, xuất phát từ thời tiết, điều kiện canh tác, tập quán sản xuất, có nơi, người dân sau 4 - 5 năm mới quay lại rẫy cũ để canh tác, nếu áp vào quy định này, người dân miền núi sẽ bị ảnh hưởng.

“Cử tri miền núi đề nghị kéo dài thời hạn trong khoản này, cụ thể là từ 36 tháng lên 60 tháng để địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, phù hợp tập quán địa phương” - ông Chương nói.

Quy định mới sẽ gỡ vướng

Đề cập đến những “điểm sáng” trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, nếu được thông qua, luật sẽ góp phần rất lớn giải quyết những tồn tại dai dẳng lâu nay liên quan đến đất đai không chỉ ở Hội An mà còn ở nhiều địa phương khác.

Các địa phương miền núi kiến nghị kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp để phù hợp tập quán canh tác, sản xuất của người dân miền núi. Ảnh: T.C
Các địa phương miền núi kiến nghị kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp để phù hợp tập quán canh tác, sản xuất của người dân miền núi. Ảnh: T.C

Ông Lý nói, dự thảo luật có đặt vấn đề liên quan các thành phố trực thuộc tỉnh thì không lập quy hoạch sử dụng đất. Đây là điều rất phù hợp với thực tiễn. Hội An đang lập song song quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung đô thị, nhưng rất lúng túng trong quy hoạch sử dụng đất. Những quy định đặt ra trong dự thảo liên quan sử dụng đất “đa mục đích” đúng vào những vướng mắc mà Hội An đang gặp phải.

“Trên thực tiễn, Hội An có quỹ đất nuôi trồng thủy sản rất lớn, nhưng để phát huy khai thác dịch vụ trên diện tích này thì về mặt pháp lý, vẫn chưa có quy định nào cụ thể. Hoặc đơn cử như đất ở, nếu gắn với dịch vụ lưu trú, giá trị đất sẽ rất cao.

Cho phép làm dịch vụ trên đất nông nghiệp, đặc biệt là làm du lịch, sử dụng đất đa mục đích rất phù hợp với xu hướng chung hiện nay. Điểm mới này hoàn toàn phù hợp thực tiễn hiện nay, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất đai, tất nhiên việc thực hiện phải làm theo đúng định hướng quy hoạch và yêu cầu phát triển chứ không làm tràn lan.

Dự thảo luật tại Điều 135 cũng quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ sử dụng trước ngày 15/10/1993. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các xung đột liên quan đến công nhận đất ở. Rất mong Quảng Nam có tiếng nói trước Quốc hội, ủng hộ các nội dung này để được thống nhất, ban hành” - ông Lý nói.

Ông Nguyễn Thanh Vỹ - Trưởng phòng TN-MT thị xã Điện Bàn góp ý, liên quan đến quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư, cần giao nhiệm vụ cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phối hợp UBND cấp xã để quản lý đất này.

“UBND cấp xã có đầy đủ công cụ về mặt chính quyền để quản lý, tránh tái lấn chiếm sau giải phóng mặt bằng. Hiện nay, có tình trạng khi giải phóng mặt bằng xong, người dân tái lấn chiếm, gây khó cho quá trình thực hiện dự án, do đó phải quy định chặt chẽ để tránh tái diễn tình trạng này.

Việc thực hiện bồi thường, tái định cư phải được quy định xuyên suốt, nhất quán, tránh tình trạng hộ chấp hành tốt lại được hưởng quyền lợi ít hơn, thiệt thòi hơn so với những hộ cố tình chây ì, không chấp hành” - ông Vỹ đề nghị.

Cũng liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên đề nghị phải quy định cụ thể về các tiêu chí để đảm bảo “nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Ông Đức viện dẫn tình trạng nhiều gia đình diện tích đất bị thu hồi không lớn nhưng có lợi thế về kinh doanh, dịch vụ, khi giải quyết chính sách bồi thường, tái định cư, chính sách hiện nay áp dụng chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, khiến nhiều người dân không đồng ý nhận tiền bồi thường, phát sinh khiếu nại khiếu kiện.

“Giá Nhà nước không thể tiệm cận giá thị trường trong định giá đất, khó khăn trong xác định giá bồi thường. Nhiều hệ lụy nảy sinh như ly hôn giả để được cấp đất tái định cư, thiệt thòi cho những hộ gia đình bị thu hồi đất diện tích lớn nhưng ít nhân khẩu.

Việc bồi thường, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng có sự chênh lệch trong thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các dự án của tư nhân. Dự thảo luật lần này nên quy định cụ thể, chi tiết để giải quyết căn cơ tình trạng này” - ông Đức nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Xem xét quy định phù hợp với vùng, miền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO