Nhà nước và cử tri

Góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi):Đảm bảo sự đồng nhất về chế độ của 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc

HỒNG CHÂU 07/05/2025 13:57

(QNO) - Sáng 7/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

image001.jpg
Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: HỒNG CHÂU

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này có 8 chương, 58 điều, quy định nhiều nội dung quan trọng như: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp…

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia nhiều ý kiến kiến nghị nhằm bảo vệ quyền lợi, tạo điều kiện hỗ trợ người lao động khi thất nghiệp.

Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5), cần bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là “Cưỡng bức lao động, lừa đảo trong tuyển dụng hoặc sử dụng lao động trái phép” để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Về quyền và nghĩa vụ của người lao động (Điều 19), đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 19 một điểm quy định quyền của người lao động được tiếp cận thông tin về thị trường lao động, cơ hội việc làm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ người lao động.

202505070839504378_z6576034225054_da648ba96e03bdfda265d87b52d434ce.jpg
Quốc hội họp ở hội trường sáng 7/5. Ảnh: quochoi.vn

Tại điểm c khoản 1 Điều 33 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là: “Người làm việc theo hợp đồng làm việc”. Theo quy định của dự thảo luật thì viên chức trong ngành giáo dục thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trong khi đó, họ cũng công tác trong ngành lâu năm như công chức nhưng phải trích tiền lương để đóng bảo hiểm thất nghiệp đến khi về hưu là thiệt thòi về quyền lợi.

Do vậy, đề nghị nghiên cứu không bắt buộc viên chức ngành giáo dục tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong trường hợp phải tham gia thì nên có chính sách quy định hỗ trợ đối với đối tượng này khi về hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cũng tại điều này, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung một khoản quy định nghỉ thai sản để bảo vệ quyền lợi người lao động; dự thảo Luật Việc làm nên quy định thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Hiện nay, người lao động trong thời gian nghỉ thai sản vẫn được tính thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nhưng lại không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, điều này không đảm bảo sự đồng nhất về chế độ của 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp).

Tại điểm b khoản 4 Điều 39 quy định nội dung hỗ trợ về tiền ăn cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Đại biểu đề nghị xem xét lại trường hợp hỗ trợ này chỉ phù hợp khi tổ chức đào tạo tập trung. Bên cạnh đó, quy định này cũng tiềm ẩn các rủi ro trục lợi quỹ nên cần cân nhắc quy định phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Đảm bảo sự đồng nhất về chế độ của 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO