Nhà nước và cử tri

Góp ý dự thảo sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn Quảng Nam:Cần giải quyết tốt vấn đề từ cơ sở

H.GIANG - T.ĐAN 26/06/2024 09:15

Phản biện đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 24/6, nhiều ý kiến cho rằng, cần ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ người dân trong điều chỉnh giấy tờ và giải quyết hiệu quả nguồn nhân lực dôi dư.

phan bien 1
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: V.G

Đề nghị hỗ trợ chuyển đổi giấy tờ

Những dẫn chứng về các tồn tại và cả hệ lụy chưa được giải quyết dứt điểm từ việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 đã được nhiều đại biểu nêu ra tại hội nghị phản biện đối với dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Cao Thị Thanh Nga - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quế Mỹ (Quế Sơn), đã 4 năm sau khi thực hiện sáp nhập xã Quế Cường và Phú Thọ, người dân của xã không được hỗ trợ kinh phí để điều chỉnh các loại giấy tờ theo tên gọi ĐVHC xã mới. Từ đó, phát sinh các phiền hà, khó khăn cho người dân trong giao dịch hành chính.

Cụ thể, người dân đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế thì không được thanh toán vì thông tin chưa được điều chỉnh theo tên xã Quế Mỹ. Ở giai đoạn 2019 - 2021, trong phương án sáp nhập xã của huyện và quy định của trung ương có nêu hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi thông tin các loại giấy tờ, trong đó có “sổ đỏ” cho người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện theo phương án nguồn kinh phí này không được hỗ trợ, dẫn đến tâm lý e ngại trong một bộ phận nhân dân về thực hiện chủ trương sáp nhập ĐVHC cấp huyện giai đoạn 2023 - 2025. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ cử tri huyện Quế Sơn đồng ý với chủ trương sáp nhập huyện Quế Sơn và Nông Sơn chưa đạt như mong muốn đề ra (chỉ đạt hơn 91%).

“Trong đề án sắp xếp ĐVHC lần này cần nêu rõ, đối với các ĐVHC sau khi sáp nhập, cấp tỉnh tính toán bố trí hỗ trợ 100% kinh phí để người dân chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan. Như vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thay đổi thông tin giấy tờ, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân sau khi sáp nhập” - bà Nga đề xuất.

Trong dự kiến kinh phí thực hiện đề án sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của UBND tỉnh, dự thảo đề cập đến 4 danh mục chi, với tổng kinh phí dự kiến là 90 tỷ đồng. Nhưng trong tổng nguồn kinh phí này, dự thảo không đề cập đến danh mục chi hỗ trợ cho tổ chức, người dân khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính theo tên gọi ĐVHC mới sau sắp xếp.

Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo đề án cần có nguồn dự chi hỗ trợ đối với nội dung này. Bởi đây là tâm tư nguyện vọng của nhân dân, được kiến nghị rất rõ trong các nghị quyết của HĐND cấp xã, huyện về tán thành chủ trương sáp nhập ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025.

Ông Phan Khắc Chưỡng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh nêu quan điểm, việc sáp nhập ĐVHC không xuất phát từ kiến nghị của người dân, mà thuộc về chủ trương của Đảng và Nhà nước và được nhân dân đồng thuận thực hiện.

Theo đó, Nhà nước phải chịu trách nhiệm trong việc thay đổi toàn bộ giấy tờ của huyện, xã (cũ) sang ĐVHC cấp huyện, xã mới. Chứ không thể buộc người dân phải đóng tiền để chuyển đổi giấy tờ, giải quyết thủ tục hành chính có liên quan…

Giải quyết hiệu quả cán bộ dôi dư

Phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp ĐVHC đã được nêu rõ tại dự thảo đề án. Cho ý kiến góp ý vào nội dung này, ông Lê Tấn Trung - nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Sơn đánh giá, dự thảo đã có sự chuẩn bị công phu, chi tiết, song có những nội dung chưa rõ ràng và sẽ khó thực hiện.

Theo ông Trung, đối với những người có chức vụ bí thư cấp ủy huyện, xã và chủ tịch UBND huyện, xã trong đề án có nêu: Sau khi sắp xếp sẽ bố trí trường hợp dôi dư làm cấp phó hoặc điều chuyển đi xã khác trên địa bàn huyện còn thiếu để kiện toàn.

Theo đó, nội dung này cần bổ sung để có tính khả thi hơn: “hoặc điều động về tỉnh, đến các huyện khác liền kề nếu có đủ điều kiện và tiêu chuẩn”. Bởi trong Nghị quyết 35 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương ngày 30/11/2023 đều quy định thời gian giải quyết cán bộ dôi dư tối đa không quá 60 tháng. Tổ chức bộ máy phải trở về đúng quy định khung. Nếu như tỉnh không vào cuộc cùng với huyện, thì tính khả thi để sau 5 năm ổn định tổ chức bộ máy ĐVHC mới sẽ rất khó.

Cũng theo ông Trung, đối với các chức vụ phó bí thư cấp ủy huyện, xã và phó chủ tịch UBND cấp huyện, xã sẽ bố trí tăng lên ở ĐVHC mới sau sáp nhập chỉ là giải quyết trước mắt, còn về lâu dài 60 tháng thì như thế nào?

Theo đó, ông Trung đề xuất bổ sung nội dung điều động về tỉnh và các huyện liền kề nếu đủ điều kiện và tiêu chuẩn. Tương tự, đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã cũng đề nghị bổ sung theo hướng này.

“Nếu để cho huyện mới tự giải quyết thì sẽ không đủ sức trước số lượng cán bộ dôi dư quá lớn. Trong khi đó, tuổi đời, tiêu chuẩn, điều kiện và khả năng của họ rất tốt, chưa thể cho nghỉ được. Tỉnh vào cuộc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cấp huyện, bởi thẩm quyền tuyển dụng, điều phối công chức, viên chức sau tuyển dụng thuộc cấp tỉnh” - ông Trung nói.

Thống nhất cao với quan điểm tỉnh cần hỗ trợ địa phương trong việc giải quyết cán bộ dôi dư theo lộ trình 5 năm như nhiều ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nói: “Để có thể bố trí, sắp xếp, lựa chọn được cán bộ có đủ năng lực làm việc trong số dôi dư, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ cần phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn, quy trình rà soát, đánh giá, xếp loại, bố trí đội ngũ cán bộ của ĐVHC cấp huyện mới”.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2024 đã nhận được sự thống nhất cao của hầu hết cử tri.

Trừ xã Tiên Sơn cử tri đồng thuận với 84,78%, còn lại ở các xã, huyện thuộc diện sắp xếp đều đạt từ 91% trở lên. Điều này cho thấy nội dung dự thảo đề án được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo các điều kiện để tổ chức hội nghị phản biện.

“Về kinh phí dự kiến triển khai thực hiện, tôi tán thành các ý kiến của đại biểu, trong các nội dung chi, dự thảo chưa quan tâm đến việc hỗ trợ 100% các chi phí phát sinh khi người dân điều chỉnh thông tin trên các loại giấy tờ liên quan. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu bổ sung hoàn thiện…” - ông Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp ý dự thảo sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn Quảng Nam: Cần giải quyết tốt vấn đề từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO