Đó là ý kiến góp ý của nhiều đại biểu vào dự thảo Luật Quy hoạch do Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức cuối tuần qua. Nhiều đại biểu cũng nhận định, việc xây dựng và ban hành luật là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý và khắc phục các bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay.
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch. Ảnh: NG.ĐOAN |
Dự thảo Luật Quy hoạch gồm có 6 chương, 69 điều, khi được Quốc hội ban hành sẽ có 32 danh mục các luật có liên quan cần sửa đổi cho phù hợp. Luật này quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh các loại quy hoạch và giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh thực hiện các loại quy hoạch, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Đáng chú ý, tại Điều 67 về xử lý vi phạm, dự thảo luật nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động quy hoạch thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Loại bỏ lợi ích nhóm
Từ thực tiễn của địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, công tác quy hoạch hiện nay còn rất nhiều bất cập, làm chưa tới, dẫn đến việc quy hoạch thiếu đồng bộ, manh mún. Trước yêu cầu phát triển của thành phố du lịch, nhiều năm qua Hội An đã tìm đơn vị tư vấn để thực hiện công tác quy hoạch mới. Tuy nhiên, đến nay việc quy hoạch vẫn chưa hoàn thành do đơn vị tư vấn thực hiện chưa đạt, chưa xứng tầm với yêu cầu đặt ra của một thành phố du lịch. Vì vậy, Hội An vẫn phải đang thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt từ năm 2005, càng thấy quy hoạch này đã lạc hậu lắm rồi, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. “Việc ban hành Luật Quy hoạch là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý, khắc phục các bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay. Do cuộc sống phát triển quá nhanh, nên luật quy định quy hoạch được rà soát theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của từng giai đoạn là cần thiết. Tại Điều 11 của dự thảo luật quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch cần xem xét, minh định rõ hơn nhằm chống cho được yếu tố lợi ích nhóm, gây thiệt hại đến lợi ích của địa phương, quốc gia, dân tộc. Theo tôi, tại điều này cần bổ sung thêm quy định trong những trường hợp thực hiện quy hoạch quan trọng, có ý nghĩa chiến lược thì cần tổ chức thi ý tưởng để chọn lựa được nhà tư vấn quy hoạch có năng lực chuyên môn cao” - ông Sơn góp ý.
Chống cho được yếu tố lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tham gia góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch. Theo ông Hà Đức Tiến - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, tại Điều 48 về công bố quy hoạch của dự thảo luật quy định: “Toàn bộ nội dung của các quy hoạch đã được phê duyệt phải được công bố công khai trừ những nội dung liên quan đến bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật. Quy hoạch đã được phê duyệt được công bố công khai theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và công bố công khai theo quy định tại Điều của 49 của luật này”, như vậy là chưa đủ. Ông Tiến góp ý: “Luật cần quy định cụ thể thời gian phải công bố quy hoạch sau khi đã được phê duyệt. Công bố công khai ngay trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền để người dân được biết, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng kéo dài thời gian công bố quy hoạch để trục lợi. Ngoài ra, luật cũng cần quy định thành lập hội đồng thẩm định độc lập để thực hiện thẩm định quy hoạch”.
Bồi thường thiệt hại do quy hoạch “treo”
Nhìn nhận về các bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường cho rằng, có nguyên nhân của tư duy địa phương chủ nghĩa, muốn kéo quy hoạch về địa phương mình. Thực tiễn cho thấy, nói quy hoạch nhưng nhiều nơi đã không tuân thủ, không làm đúng theo nội dung quy hoạch được phê duyệt. Nhiều quy hoạch được phê duyệt nhưng thiếu tính khả thi, gây lãng phí, kìm hãm sự phát triển và gây xáo trộn đời sống người dân. Vì vậy, Luật Quy hoạch được xây dựng và ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, khắc phục được các bất cập, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước trong tình hình mới. Dự thảo Luật Quy hoạch đang được Quốc hội tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ chuyên gia, lãnh đạo ngành, địa phương, nhất là đối với các nội dung còn nhận được nhiều ý kiến khác nhau, nhằm nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện.
Thời gian qua, thực trạng quy hoạch “treo” kéo dài trong nhiều năm đã khiến người dân bị ảnh hưởng bức xúc, kêu ca nhiều nhất. Do vướng quy hoạch “treo”, người dân không được xây dựng nhà cửa, không thể đầu tư phát triển kinh tế, gây thiệt hại tài sản, lãng phí nguồn lực của xã hội, quốc gia. Từ thực tiễn đó, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Quy hoạch cần có quy định rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch. Có như vậy thì mới chấn chỉnh, khắc phục được tình trạng quy hoạch “treo” vốn đã tồn tại dai dẳng ở nhiều địa phương. Ông Phan Khắc Chưởng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng, về nguyên tắc, sau khi công bố quy hoạch phải có kế hoạch thực hiện, nhưng thực tế vì nhiều lý do khác nhau nên quy hoạch đã bị “treo”. Lâu nay, các quy hoạch “treo” chưa bị chế tài gì, mà càng “treo” thì người dân càng phải chịu khổ, chịu thiệt hại. “Tại Điều 67 về xử lý vi phạm của luật này, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung chống quy hoạch “treo”, quy định rõ thời gian phải thực hiện hoàn thành quy hoạch đã được phê duyệt. Có chế tài, quy định rõ trách nhiệm phải thực hiện bồi thường thiệt hại do quy hoạch “treo” gây ra” - ông Chưởng góp ý.
HÀN GIANG