|
(QNO) - Chiều 1.6, Quốc hội họp ở hội trường nghe Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần, báo cáo thẩm tra dự án của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và tập trung thảo luận ở tổ về nội dung này.
Đại biểu Phan Việt Cường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam góp ý thảo luận. Ảnh: DUY MAI |
Theo nội dung Tờ trình của Chính phủ, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 94/2015/QH13 thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án được thực hiện trên địa bàn 6 xã Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn, thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với quy mô công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, thực hiện theo 3 giai đoạn (đến năm 2025, 2035 và sau năm 2035).
Diện tích đất dự kiến thu hồi 5.614,65ha, gồm 5.000ha đất xây dựng cảng hàng không và 614,65ha đất xây dựng các khu tái định cư, nghĩa trang. Tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), trong đó kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án khoảng 23.000 tỷ đồng, gồm 5.030 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án này trước khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương Quốc hội cho tách và ban hành Nghị quyết về nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, góp phần hạn chế những ảnh hưởng xấu đến người dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, đại biểu Phan Việt Cường đề nghị Chính phủ cần phân tích làm rõ nguồn vốn để bố trí thực hiện cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án hơn 23.000 tỷ đồng, trong khi đó kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới bố trí 5.000 tỷ đồng; đồng thời, đây là dự án quốc gia trong khi trách nhiệm của địa phương rất lớn, do đó Quốc hội cần bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho tỉnh Đồng Nai để địa phương tập trung thực hiện dự án.
Đại biểu Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) viện dẫn việc đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây phải dừng đầu tư, gây tác động xã hội rất lớn, trong khi đó tình hình nợ công của nước ta hiện nay đang ở mức cao. Do đó, đề nghị Quốc hội cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi Quốc hội cho tách và ban hành nghị quyết đối với dự án này. Bên cạnh đó, việc đầu tư sân bay quốc tế Long Thành cũng cần tính toán, xem xét tổng thể hạ tầng giao thông khu vực từ sân bay tới các đô thị lớn, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh để tránh tình trạng quá tải.
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương cho tách và ban hành Nghị quyết về dự án thành phần này, tuy nhiên cần quan tâm đến vấn đề tác động của dự án đến an sinh, xã hội và lao động, việc làm của người dân trong vùng dự án. Bên cạnh đó, đề nghị việc triển khai thực hiện dự án này phải đảm bảo các điều kiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, trong đó có nguồn vốn, tỷ lệ vốn tối thiểu để thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi, ảnh hưởng; đảm bảo chính sách hỗ trợ, lao động, việc làm đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị thu hồi đất. Đồng thời, đây là dự án thực hiện theo 3 giai đoạn, có thời gian thực hiện rất dài, do đó đề nghị không nên thực hiện thu hồi toàn bộ 5.000ha của toàn bộ dự án mà xem xét thu hồi đất theo từng giai đoạn, đảm bảo nguồn lực, tính khả thi và thu hẹp phạm vi tác động của dự án đến đời sống của nhân dân.
DUY MAI