Góp ý xây dựng hoàn chỉnh các đề án trình kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX

NGUYỄN SỰ 15/10/2016 20:16

(QNO) - Ngày 14.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các ngành liên quan nhằm góp ý xây dựng hoàn chỉnh đề án điều chỉnh quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 và đề án quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để trình HĐND tỉnh khóa IX xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại cuộc họp ngày 14.10. Ảnh: VĂN SỰ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại cuộc họp ngày 14.10. Ảnh: VĂN SỰ

Theo dự thảo đề án do Sở NN&PTNT xây dựng, diện tích đất lâm nghiệp điều chỉnh đến năm 2020 trên phạm vi toàn tỉnh là 729.756ha, tăng 9.834,8ha so với diện tích UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 2462/QĐ-UBND (ngày 9.8.2013). Trong đó, rừng đặc dụng 139.895,8ha, tăng 6.348,1ha; rừng phòng hộ 315.704,7ha, giảm 11.936,4ha; rừng sản xuất 274.156,4ha, tăng 15.423,1ha.

Còn theo dự thảo đề án quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, từ năm 2016-2030 Quảng Nam dự kiến sẽ chi 423,36 tỷ đồng để xây dựng 32 khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 1.346,5ha (mỗi khu tối thiểu là 10ha) và trồng 3.097ha cỏ nguyên liệu. Đồng thời, đầu tư thi công cơ sở hạ tầng thiết yếu như hệ thống giao thông, điện, thủy lợi phục vụ các mô hình chăn nuôi theo phương thức hàng hóa. Bên cạnh đó, hỗ trợ khâu đào tạo, tập huấn và xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn cho những chủ trang trại. Mục tiêu của đề án này là đến năm 2030 tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt 795.000 con, trâu và bò 310.590 con, gia cầm 10 triệu con, trong đó chăn nuôi tập trung chiếm 40-50% khối lượng sản phẩm; giá trị sản xuất của lĩnh vực chăn nuôi vào năm 2030 đạt hơn 5.585 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 50% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân 3,41%/năm…

Theo dự thảo đề án điều chỉnh, đến năm 2030 diện tích rừng sản xuất của tỉnh là 274.156,4ha, tăng 15.423,1ha so với quy hoạch cũ.
Theo dự thảo đề án điều chỉnh, đến năm 2030 diện tích rừng sản xuất của tỉnh là 274.156,4ha, tăng 15.423,1ha so với quy hoạch cũ. Ảnh: VĂN SỰ

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của những đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, đối với đề án điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, Sở NN&PTNT cùng đơn vị tư vấn cần làm rõ thêm những kết quả đạt được cũng như các mặt hạn chế trong hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 2462 của UBND tỉnh. Đồng thời cho rằng, đây là giai đoạn quy hoạch ngắn nên các nội dung phải đảm bảo tính khả thi cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các cơ quan có trách nhiệm cần đưa thêm nội dung chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và diện tích rừng pơmu, đỗ quyên thành rừng đặc dụng quốc gia; xác định cụ thể tiến độ cắm mốc phân định 3 loại rừng và tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sau khi được giao nhận đất rừng; căn cứ vào số liệu kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp mới nhất, rà soát kỹ lại số diện tích khoán bảo vệ rừng để có cơ sở xây dựng dự toán chi hằng năm; bổ sung nội dung trồng rừng ven biển, ven sông ở vùng đông vào danh mục dự án ưu tiên và tính toán lựa chọn loại cây trồng phù hợp với khâu phòng hộ kết hợp phát triển du lịch…

Đối với đề án quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT đánh giá và phân tích kỹ thực trạng ngành chăn nuôi của tỉnh trong những năm qua. Đồng thời, bổ sung thêm các khu chăn nuôi tập trung có diện tích dưới 10ha do cấp huyện quản lý vào quy hoạch chung của tỉnh để tránh sự chồng chéo. Tuy nhiên, cần lưu ý là, những khu nào đụng đến đất trồng lúa nước nhiều thì phải chủ động loại ra khỏi quy hoạch. Bên cạnh đó, phải phân loại kỹ khu nào do Nhà nước xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng, khu nào Nhà nước chỉ thực hiện khâu quy hoạch còn doanh nghiệp lo đầu tư hạ tầng. Đặc biệt, phải dự kiến xây dựng một vài cụm công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi và xác định rõ những đầu mối tiêu thụ…

Nếu đề án được thông qua, những năm tới Quảng Nam sẽ chi hơn 423 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Ảnh: VĂN SỰ
Nếu đề án được thông qua, những năm tới Quảng Nam sẽ chi hơn 423 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Ảnh: VĂN SỰ

Ngoài 2 đề án trọng tâm vừa nêu, tại phiên họp, các đại biểu cũng tham gia góp ý dự thảo chỉnh sửa, bổ sung Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND (ngày 19.9.2012) của HĐND tỉnh về Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013-2016 và định hướng đến năm 2020 do Sở Kế hoạch & đầu tư soạn thảo.

NGUYỄN SỰ 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp ý xây dựng hoàn chỉnh các đề án trình kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO