Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê cho hay tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2021 là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cho dù chưa thể phục hồi hoàn toàn, thiếu sự đồng đều giữa các ngành kinh tế, nhưng con số này thể hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, song hành phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế.
Hiệu quả
* Có bất ngờ hay ngạc nhiên khi GRDP Quảng Nam đã tăng đến 11,7% trong 6 tháng đầu năm. Dựa vào đâu để có con số tăng trưởng cao như thế - một con số mà ngay cả thời chưa dịch bệnh, nền kinh tế vận hành bình thường cũng không thể đạt được, thưa ông?
- Ông Lê Quý Đạt: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn Quảng Nam trên 11,7% (số liệu GRDP do Tổng cục Thống kê công bố theo công văn số 746/TCTK-TKQG ngày 30.5.2021).
Có thể nói, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này là so chiếu trên nền tảng tăng trưởng âm của 6 tháng đầu năm 2020 (âm 9,8%). So với cùng kỳ năm 2019, mức tăng trưởng này chỉ tăng gần 0,8%. Vì vậy, vẫn chưa cao, chưa phục hồi hoàn toàn và chưa đồng đều giữa các ngành kinh tế.
Kết quả tăng trưởng này cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế địa phương trong bối cảnh bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Đồng thời thể hiện sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của trung ương và địa phương.
Sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và lực lượng tuyến đầu trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, thực hiện đồng bộ, hiệu quả “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi nền kinh tế. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn đã tạo điều kiện cho một số ngành kinh tế chủ lực có đủ điều kiện phục hồi sớm hơn sau một thời gian dài bị tác động tiêu cực bởi đại dịch.
* Điểm sáng nhất của kinh tế địa phương qua thống kê 6 tháng qua thể hiện được điều gì?
Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khả quan
Ông Lê Quý Đạt cho rằng, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát cùng với chính sách phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam. Động lực tăng trưởng chính vẫn sẽ dựa vào khu vực công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế tạo, chế biến sẽ vẫn là động lực dẫn dắt chính. Theo kết quả điều tra xu hướng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo, những quý tiếp theo sẽ khả quan hơn. Xu hướng về khối lượng sản xuất, số lượng đơn đặt hàng mới có chiều hướng gia tăng. Dự báo khu vực công nghiệp 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng khá. Khu vực nông lâm, thủy sản sẽ giữ vững mức tăng trưởng ổn định. Chỉ riêng khu vực dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khi một số ngành du lịch, bất động sản, vui chơi giải trí… là những ngành vẫn còn chịu tác động xấu kéo dài, khó có khả năng phục hồi sớm. Tuy nhiên, vẫn kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Quảng Nam cả năm 2021 sẽ đạt được kết quả khả quan giữa bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp.
- Ông Lê Quý Đạt: Vị trí nhất Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 5 so cả nước, một trong 9 tỉnh thành Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số nhờ vào các điểm sáng của nền kinh tế. Có thể kể đến là hoạt động sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện. Hai ngành này là động lực chính đóng góp tăng trưởng chung cho toàn nền kinh tế.
Một điểm sáng nữa là khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ít chịu ảnh hưởng dịch bệnh khi vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Đó cũng là một bệ đỡ, góp phần vào tăng trưởng chung của địa phương. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (35%). Ngành này đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung toàn nền kinh tế với 7,1 điểm phần trăm.
Đóng vai trò chủ lực trong tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô với giá trị gia tăng (VA) tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 35,5%, đóng góp 3,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung). Một phần do nhu cầu thị trường dòng xe du lịch tăng cao. Và cũng cùng thời điểm này năm 2020, doanh thu sản xuất ô tô giảm sút rất lớn (có một nhà máy tạm ngừng hoạt động từ tháng 3 đến tháng 7).
Ngành sản xuất phân phối điện khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí với mức tăng trưởng cao (+96,8%), đóng góp 3,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung toàn nền kinh tế (do cùng thời điểm này năm trước doanh thu hoạt động ngành này giảm sâu, không đủ nước để phát điện).
Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 3,2% (đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế).
Có sai số cho phép theo quy định
* Theo ông, các số liệu thống kê có tác động gì đến sự điều hành của chính quyền. Liệu có xác thực tuyệt đối về các đánh giá GRDP hay không?
- Ông Lê Quý Đạt: Công bố thông tin đã được luật hóa. Con số thống kê là những con số “biết nói”. Các chỉ tiêu thống kê rất quan trọng. Số liệu thống kê trở thành nguồn thông tin chính thức. Số liệu này gợi ý cho người lãnh đạo, người làm chính sách và nhất là gợi ý cho người làm kế hoạch.
Việc công bố thông tin thống kê nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quy hoạch chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nguồn dữ liệu thống kê được thu thập bằng 3 hình thức: báo cáo thống kê cơ sở, điều tra thống kê và dữ liệu hành chính. Số liệu GRDP 6 tháng đầu năm 2021 công bố lần 1 vào ngày 30.5.2021 là số liệu ước tính. Kết quả số liệu ước tính này dựa trên dữ liệu điều tra chọn mẫu chính thức đến tháng 4.2021, dự ước tháng 5 và tháng 6. Do đó, kết quả của các số liệu này sẽ có tính xác thực tương đối và có sai số cho phép theo quy định.
Số liệu chính thức sẽ được công bố tại kỳ sau theo quy định (Quyết định số 715/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2015 - 2020), khi có điều tra toàn diện hơn và số liệu báo cáo chính thức từ các thành phần trong nền kinh tế.
*Người ta nói chất lượng cuộc sống người dân quan trọng hơn là tăng trưởng GRDP nhiều hay ít? Có cách gì khác để đo lường sự phát triển của địa phương hay không?
- Ông Lê Quý Đạt: GRDP là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng. Chỉ tiêu này dùng để đánh giá tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế phần lớn sẽ đem lại cuộc sống tốt hơn (vật chất và tinh thần). Tăng trưởng kinh tế giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã hội, tăng thu ngân sách để Nhà nước tiếp tục đầu tư cho phát triển (kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường) và phân phối lại thu nhập cho những đối tượng yếu thế của xã hội…
Tuy nhiên, GRDP không phản ảnh một cách toàn diện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là với các yếu tố như: môi trường, y tế, giáo dục, tình trạng việc làm, phân phối thu nhập… Chỉ số phát triển con người (HDI) là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh), tri thức (thể hiện qua chỉ số giáo dục) và thu nhập (thể hiện qua tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người). Song, hiện giờ, chỉ tiêu HDI vẫn chưa được tính cho cấp tỉnh.
Hiện còn có nhiều chỉ tiêu ngoài GRDP để phản ánh một phần sự phát triển của địa phương. Đó là: thu nhập bình quân đầu người, thu chi ngân sách, tổng kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp… Tuy nhiên, tổng quát nhất vẫn sử dụng chỉ tiêu GRDP để đo lường và đánh giá. Không có chỉ tiêu thay thế.