(QNO) - Chiều 9.3, ông Ngô Tấn - Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết đã có báo cáo gửi Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam việc tàu Hải cảnh Trung Quốc cướp phá tàu cá QNa-91939 do ngư dân Võ Quang Thái (thôn 1, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng hôm 6.3 tại quần đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng).
Thuyền trưởng Thái với lưới bị tàu Hải cảnh Trung Quốc cắt hôm 6.3. Ảnh: Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Kỳ Hà chụp đêm 7.3 |
Yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại
Theo báo cáo, khoảng 12 giờ 30 ngày 6.3, tàu cá hành nghề lưới vây QNa-91939 (có công suất 635CV) khi đang thả lưới đánh bắt cá ở tọa độ 15 độ 57 phút vĩ độ bắc và 111 độ 48 phút kinh độ đông thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa thì bất ngờ có 13 người thuộc lực lượng Hải cảnh Trung Quốc ở trên tàu mang số hiệu 46101, sử dụng ca nô áp sát mạn tàu ông Thái.
Sau đó 11 người tay cầm hung khí nhảy lên tàu, đập phá máy Icom nhằm cắt đứt liên lạc giữa ngư dân với các cơ quan chức năng trên đất liền. Sau đó sử dụng roi điện và gậy đập phá tài sản trên tàu giống như những tên cướp biển và khống chế 10 ngư dân và dồn họ về phía mũi tàu.
Sau đó tiến hành lục soát tất cả các hầm chứa cá trên tàu và thấy có khoảng gần 1 tấn sản phẩm hải sản gồm cá, mực. Chúng tiến hành lập biên bản phi lý và bắt ông Thái chủ tàu cá ký vào.
Tàu cá QNa-91939 tại cảng Kỳ Hà sáng 8.3. Ảnh: XUÂN THỌ |
Sau khi lập biên bản xong, chúng tiếp tục dùng dao cắt đứt ngư lưới cụ, đập bể 2 thúng chai ném xuống biển và tịch thu toàn bộ lương thực và sản phẩm hải sản trên tàu. Chúng còn đe dọa (có 2 người nói tiếng Việt được) là “nếu tàu ông Thái không rời khỏi vùng biển Hoàng Sa chạy về đất liền Việt Nam, thì sẽ hành động đâm bể tàu cá”. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Báo cáo còn đề nghị Trung ương Hội nghề cá Việt Nam cần lên tiếng phản đối hành động phi lý và vô nhân đạo của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam và yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho ngư dân và tàu cá của ngư dân Thái.
Nước mắt của thuyền trưởng Thái
Theo lời ông Nguyễn Tin - Bí thư Đảng uỷ xã Tam Quang thì gia cảnh của thuyền trưởng Thái rất khó khăn. Một mình ông Thái bám biển nuôi cả gia đình gồm 4 người con, trong đó có 2 con đang học đại học và vợ sức khoẻ yếu, không làm việc nặng nhọc được.
Còn ông Thái cho biết, bao nhiêu năm nay làm biển chỉ đủ ăn chứ không có dư giả gì. “Có được đồng nào là lo 4 đứa ăn học, thuốc thang cho vợ, sửa chữa tàu hết. Bây giờ bị tàu Hải cảnh Trung Quốc cướp phá, lâm vào cảnh này, quả thực là khó khăn quá…” - ông Thái ngấn lệ, mắt nhìn về phía biển.
Ngư dân Thái bên cạnh bằng khen của UBND tỉnh về bảo vệ chủ quyền biển đảo. |
Để có được chiếc tàu QNa-91939, ông Thái phải cầm sổ đỏ vay ngân hàng 1 tỷ đồng, rồi thế chấp chính con tàu thêm 500 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục vay mượn vài trăm triệu đồng từ người thân, bạn bè để sửa chữa, sắm ngư cụ. Riêng trước chuyến biển này, ông đã vay nóng 300 triệu đồng để thay mũi tàu, sửa máy, hầm khoang… mua nợ 2 tệp lưới hết 110 triệu đồng.
Năm 2014, tàu QNa-91939 của ngư dân Thái được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. |
Thuyền trưởng Thái thở dài: “Chuyến biển đầu năm anh em ai nấy cũng tràn trề hy vọng, niềm vui càng nhân đôi khi ra đến nơi, gặp luồng cá lớn. Vậy mà không ngờ tàu Hải cảnh Trung Quốc cướp phá hết. Tàn nhẫn quá! Cũng may mà chúng không đâm chìm tàu, chứ không là gần 5 tỷ nữa “đi” luôn”.
Mặc dù đang đứng trước nhiều khó khăn, nhưng thuyền trưởng Thái khẳng định sẽ tiếp tục bám biển Hoàng Sa. Đồng thời ông bày tỏ mong muốn được các cấp, ngành hỗ trợ thiệt hại để ông nhanh chóng sửa tàu, sắm lại ngư cụ và ra khơi.
Đây cũng là đề nghị của Hội Nghề cá Quảng Nam đến UBND các cấp quan tâm xem xét, có chính sách hỗ trợ ngư dân và tàu cá bị thiệt hại, để ngư dân và tàu cá sớm khôi phục sản xuất, tiếp tục ra khơi đánh bắt theo nghề truyền thống, khẳng định chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa.
XUÂN THỌ