Trước những vấn đề liên quan đến công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hiện nay, chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Nam, nhiều “thủ lĩnh thanh niên” đã gửi gắm tâm tư, kỳ vọng đến Đại hội Đoàn toàn tỉnh.
|
Chị Bùi Thị Kim Hoàng - Bí thư Huyện đoàn Phú Ninh: Tham gia xây dựng nông thôn mới cần mang tính chiều sâu
Tôi hy vọng Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần này sẽ bàn bạc, thảo luận để đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả hơn phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) và khu dân cư NTM kiểu mẫu”. Theo tôi, các hoạt động tham gia xây dựng NTM của đoàn trước tiên phải mang tính chiều sâu, có sản phẩm cụ thể. Các cấp bộ đoàn cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm để có giải pháp phù hợp, tránh dàn trải, hình thức. Thiết nghĩ, toàn thể cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) toàn tỉnh cần đồng thuận cao trong việc xác định nhiệm vụ, hướng đi, cách làm phù hợp, như vậy khi bắt tay thực hiện sẽ tạo nên sự đồng loạt trên toàn tỉnh. Qua đó, ĐVTN không chỉ cống hiến, đóng góp vào nhiệm vụ chung của địa phương trong việc xây dựng NTM, mà quan trọng hơn hết là nâng dần phương thức hoạt động của đoàn theo hướng bám sát nhu cầu thực tiễn mà cuộc sống đặt ra.
Thượng úy Lê Văn Thắng - Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh: Đổi mới phương thức định hướng, giáo dục thanh niên
Công tác giáo dục cho ĐVTN hiện nay gặp không ít khó khăn do chưa có sự quan tâm đúng mức của các tổ chức đoàn. Đồng thời nội dung, hình thức giáo dục còn hạn chế, trong khi đó tác động từ mạng xã hội, ảnh hưởng từ mặt trái kinh tế thị trường ngày trở nên nghiêm trọng. Để làm tốt công tác giáo dục của đoàn, mỗi tổ chức cơ sở đoàn cần tự đổi mới phương thức, nội dung hoạt động cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thanh niên; gần gũi, lắng nghe, chăm lo nhu cầu, lợi ích của thanh niên; tích cực hỗ trợ thanh niên lập thân lập nghiệp… Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đoàn phải “nói đi đôi với làm, nêu gương bằng hành động”. Các cấp bộ đoàn cần duy trì và phát huy mô hình diễn đàn thanh niên để nắm bắt tư tưởng ĐVTN; kịp thời định hướng dư luận những vấn đề mang tính thời sự, nhất là thông tin từ các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó cần tập trung công tác giáo dục ý thức pháp luật, kỹ năng sống, các biện pháp phòng ngừa tội phạm nhất là pháp luật về an toàn giao thông, về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, về ma túy và HIV…
Anh Clâu Hoài - Bí thư Huyện đoàn Tây Giang: Gần hơn với thanh niên miền núi
Theo tôi, những hạn chế của thanh niên miền núi hiện nay, như việc hội nhập, tiếp cận khoa học công nghệ, trình độ ngoại ngữ, công tác hướng nghiệp, giải quyết việc làm, giảm nghèo trong thanh niên… Bên cạnh đó, tác động của internet, mạng xã hội cũng tạo nên lối sống ảo, thiếu thực tế trong một bộ phận thanh niên nói chung và thanh niên miền núi nói riêng. Vì vậy, tôi mong tại Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần này sẽ có chuyên đề riêng về công tác đoàn, phong trào thanh niên miền núi. Từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên miền núi trong giai đoạn mới. Tôi cũng mong muốn trung ương, tỉnh cần tiếp tục quan tâm có những cơ chế, chính sách thiết thực hơn nữa đối với công tác thanh niên miền núi, nhất là vấn đề đào tạo nguồn cán bộ đoàn thanh niên là người dân tộc thiểu số; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, khởi nghiệp, lập nghiệp; chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với thực hiện chiến lược phát triển thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới… Như vậy mới dần rút ngắn được khoảng cách giữa thanh niên miền núi với thanh niên vùng đồng bằng.
Anh Võ Thanh Cung - Phó Bí thư Thành đoàn Tam Kỳ: “Cởi trói” các nguồn vốn vay thanh niên
Tại Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần này, tôi mong có nhiều ý kiến của thanh niên gửi gắm đến lãnh đạo cấp trên quan tâm vấn đề việc làm cũng như nguồn vốn vay cho thanh niên. Bởi “Đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp” là một trong 2 chương trình hành động lớn của đoàn. Trong đó, vấn đề lập nghiệp, khởi nghiệp của thanh niên được quan tâm thông qua nhiều cơ hội để tiếp cận các nguồn vốn vay. Tiêu biểu là nguồn vốn Chương trình 120 của Trung ương Đoàn, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, hiện tại thanh niên trên địa bàn tỉnh nói chung và TP.Tam Kỳ nói riêng rất khó khăn để tiếp cận với hai nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn Chương trình 120. Vì thế, để tạo động lực cho thanh niên mạnh dạn đầu tư lập nghiệp, Trung ương Đoàn cần thay đổi chủ trương, nhất là điều kiện cho vay. Có thể quy định phải có tài sản thế chấp nhưng được thông qua ủy quyền từ bố mẹ và không nên áp đặt mức vốn vay nhằm tạo nhiều cơ hội hơn cho thanh niên. Tôi cũng mong muốn có một đề án hữu hiệu của tỉnh về hỗ trợ thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp, với việc xác định lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn phù hợp với đặc điểm, nguyện vọng của thanh niên.
V.ANH