Gửi lại mai sau

LÊ NĂNG 20/09/2014 09:58

Trọn một đời người, tôi đã chứng kiến và trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc, đánh bại hai tên đế quốc xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tôi còn chứng kiến và gián tiếp tham gia hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc. Tôi hiểu rõ, để bảo vệ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc, cần lòng dũng cảm, sức sáng tạo, biết chịu đựng, chịu hy sinh xương trắng, máu đào và cần cả sức mạnh của vũ trang. Và, một điều vô cùng quan trọng là, khi đã dập tắt được ngọn lửa chiến tranh thì phải hết lòng, hết sức chăm lo đến đời sống kinh tế và đời sống tinh thần của nhân dân”. Đó là những lời nhắn gửi tâm huyết của ông Hoàng Minh Thắng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam nói chung, thế hệ tuổi trẻ nói riêng trong hồi ký “Trải một đời người”. Ông mong muốn các thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn khắc ghi lịch sử của cha ông đã đổ bao máu xương để giành được độc lập, do đó càng “phải hết lòng, hết sức chăm lo đến đời sống kinh tế và đời sống tinh thần của nhân dân”.

Sòng phẳng với quá khứ

“Trải một đời người” là cuốn hồi ký của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Minh Thắng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội thương, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Ủy viên Trung ương Đảng khóa V, VI; đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX. Với gần 300 trang, hơn 30 hình ảnh minh họa, cuốn hồi ký thể hiện một cách khách quan, sinh động chặng đường gần 70 năm theo Đảng, theo cách mạng. Đúng như tựa đề, cuốn hồi ký “Trải một đời người” đã khắc họa sâu sắc chân dung người chiến sĩ cách mạng, “Anh bộ đội Cụ Hồ” - Hoàng Minh Thắng.

Bìa cuốn hồi ký “Trải một đời người”.
Bìa cuốn hồi ký “Trải một đời người”.

Gần 70 mùa thu cách mạng trôi qua, nay bước vào tuổi 90, ông Hoàng Minh Thắng đã trải qua chặng đường hoạt động cách mạng liên tục, kiên cường, trên nhiều lĩnh vực công tác ở nhiều địa bàn khác nhau. Dù ở đâu, làm việc gì, trên lĩnh vực công tác nào, ông luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp công sức vào sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, của dân tộc. Là người trong cuộc - một nhân chứng lịch sử trải qua hai cuộc trường chinh cùng dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng là người trực tiếp tham gia lãnh đạo công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng hòa bình ở Quảng Nam - Đà Nẵng sau năm 1975, khi đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội thương, Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông đã có nhiều đóng góp trên lĩnh vực kinh tế trong những năm đất nước đổi mới. Cuốn hồi ký này ghi lại những kỷ niệm khó quên mà ông đã “trải một đời người”.

Ông Hoàng Minh Thắng, tên khai sinh Nguyễn Tấn Vịnh, sinh ngày 20.10.1927 tại quê hương Bình Sa, huyện Thăng Bình. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, tháng 2.1945 anh thanh niên Nguyễn Tấn Vịnh tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Minh xã Tiên Đỏa, tổng Cổ Hoa. Quá trình tham gia cách mạng, từ một cán bộ chính trị của Huyện đội Thăng Bình rồi Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam, Phó Chính ủy Sư đoàn 3 (Sao Vàng), ông Hoàng Minh Thắng tiếp tục được Đảng tin tưởng giao phó nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Nội thương, Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Gần 70 năm hoạt động cách mạng, ông Hoàng Minh Thắng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 60 năm, 65 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân, huy chương. Đặc biệt, ngày 26.7.2012, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong cuốn hồi ký “Trải một đời người”, tác giả đã rất sòng phẳng với quá khứ, với chính mình khi nhắc lại những thành quả đáng tự hào trong công cuộc xây dựng hòa bình, như thành tích trong chiến dịch rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, làm vụ xuân hè, xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh... và cũng không quên nhắc lại những việc làm nóng vội, duy ý chí như quyết định đào sông Bà Rén, chặn dòng Trường Giang. “Vì nguồn nước tưới, chúng tôi quyết định khơi thông con sông Bà Rén để chia nước sông Thu Bồn cho vào cánh Nam. Hàng vạn lượt người lên công trường khơi thông sông Bà Rén. Sông thông dòng, niềm vui sướng vô bờ chưa theo nguồn nước chảy về, chưa kịp đưa nước lên đồng ruộng trong vụ mùa đầu tiên thì mùa mưa đến. Chỉ một trận lụt, con sông Bà Rén nối với sông mẹ Thu Bồn trở thành bãi cát bồi như xưa! Một bài học đắt giá. Rồi ngăn sông Trường Giang cũng vì nguồn nước tưới. Nhưng khi lấp sông, nhân dân không còn đánh bắt tôm cá được. Nước mặn không vào sông, nhưng lại thấm vào nước lợ không thể tưới cho đồng ruộng được. Đây là hai thất bại rất đau, không nói nên lời. Dẫu sao, những thành công và không thành công trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh nhà cũng cho tôi những bài học sâu sắc, nhất là nhiệm vụ cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và hợp tác hóa nông nghiệp, hai nhiệm vụ lớn và mới mẻ này cho tôi kinh nghiệm và bài học khi làm Bộ trưởng Bộ Nội thương rồi Bộ trưởng Bộ Thương mại và làm Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam sau này. (dẫn theo Trải một đời người, tr.243-244-245).

Và những kỷ niệm không quên

Qua tập hồi ký “Trải một đời người”, ông Hoàng Minh Thắng đã ghi lại những sự kiện, những giây phút lịch sử không thể nào quên về gia đình, người thân, đồng đội; về những mảnh đất, những con người đã từng nuôi dưỡng, che chở ông trong những ngày tháng ác liệt của cuộc chiến. Trong đó có tình cảm của ông với người vợ vô cùng đáng yêu - bà Phan Thị Phiện, và những tình cảm này đã được ông dành riêng trong mục “Những dòng thư ấm áp”.

Ông cũng không quên những kỷ niệm sâu sắc trong những ngày được sống trên mảnh đất Thanh Hóa kết nghĩa, mảnh đất xứ Nghệ anh hùng. Đặc biệt, những ngày sống trong lòng miền Bắc, ông vinh dự đã được gặp Bác Hồ. Đó là ngày 13.6.1957, khi ông làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Pháo binh thuộc Sư đoàn 324. “Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác - hình ảnh Bác thân kính đọng mãi trong tôi. Mà đâu chỉ riêng tôi, mỗi một người chiến sĩ được vinh dự gọi là Anh bộ đội Cụ Hồ như tôi luôn tự hào được chiến đấu dưới lá cờ đỏ sao vàng, sẵn sàng quên thân, anh dũng tiến lên theo Người. Người là niềm tin tất thắng!” (sđd, tr.66.). Được gặp Bác là niềm hạnh phúc, trở thành nguồn sức mạnh cổ vũ, động viên ông trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Kết thúc cuốn hồi ký, ông cũng không quên dành những lời tri ân đến mảnh đất Quảng Nam, nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng, rèn luyện ông trở thành một người cán bộ suốt đời kiên trung: “Tôi xin cảm ơn quê hương - một nguồn sống vô giá luôn theo dõi, che chở cho tôi suốt chặng đường ác liệt, gian khó và hân hoan trong niềm vui chiến thắng. Cảm ơn gia đình, vợ và các con, bạn bè, người thân, đã tận tình chăm sóc, cổ vũ, động viên, giúp tôi vượt qua tất cả, hoàn thành trách nhiệm của một con người sinh ra trên cõi đời - một người con của quê hương Thăng Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng” (tr.276).

LÊ NĂNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gửi lại mai sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO