Tôi công tác trong một đơn vị sự nghiệp tại huyện vùng cao Bắc Trà My. Sáng 25.8, anh T.V.Th., cán bộ Cơ quan Thường trú khu vực miền Trung - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV miền Trung); địa chỉ: 40 Pasteur - Hải Châu – TP.Đà Nẵng có nhờ đơn vị chúng tôi đóng dấu, xác nhận một số giấy tờ công tác và gửi cho anh theo địa chỉ trên.
Nhu cầu không cần gửi gấp nên ngay trưa hôm đó, tôi nhờ chị H. qua Bưu điện Bắc Trà My gửi thư thường, dán 4 con tem. Đến chiều ngày 31.8, anh Th. vẫn chưa nhận được thư và phản hồi.
Tôi kiểm tra lại, chị H. xác nhận đã gửi đúng địa chỉ trên, thời gian gửi thư tầm 10h trưa ngày 25.8. Lúc gửi, một cán bộ dịch vụ bưu điện còn hỏi, sao phải dán đến 4 con tem (ý nói dán nhiều, lãng phí so với trọng lượng thư gửi thường).
Nghĩ rằng có thể thư bị thất lạc, khoảng 16h50 ngày 1.9, tôi in các giấy tờ anh Th. nhờ theo yêu cầu, ký, đóng và đóng dấu xác nhận, trực tiếp đến Bưu điện Bắc Trà My mua tem dán và gửi một lần nữa cho chắc chắn. Đến trưa ngày 9.9, anh Th. vẫn chưa nhận được thư.
Chiều ngày 9.9, tôi liên lạc với Bưu điện Bắc Trà My để hỏi nguyên nhân thư chưa đến nơi thì một nhân viên tại đây yêu cầu cung cấp biên lai hay mã số gửi thư để tra tìm trên hệ thống.
Tôi trình bày, chỉ gửi thư thường, dán tem, ghi địa chỉ rõ ràng. Phần mã số gì đó, khi tiếp nhận, xử lý thư gửi đóng dấu, ghi mã… là nghiệp vụ của bưu điện, chứ khách hàng đâu có lưu thì nhân viên này phản hồi để kiểm tra lại.
Phản ánh vụ việc với lãnh đạo bưu điện nơi gửi, bà Huỳnh Thị Diệp - Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện Bắc Trà My tiến hành kiểm tra, xác minh, truy xuất.
Đến chiều ngày 13.9 (sau hơn 12 ngày gửi), bà Diệp phản hồi, Bưu cục phát Hải Châu 1 (TP. Đà Nẵng) phát 1 thư (thư này tôi trực tiếp gửi vào chiều ngày 1.9) từ kho vận miền Trung chuyển về cho họ; còn 1 thư (chị H. gửi trưa ngày 25.8) thì họ không tìm thấy.
Trên bì thư khi nhận tại nơi đến, không thấy có đóng dấu hoặc ghi chú ngày gửi, chỉ thấy đóng dấu mặt sau, ngày đến 13.9. Bà Diệp gửi lời xin lỗi đến đơn vị chúng tôi về sự việc trên và tư vấn nếu lần sau có gửi thư thì nên gửi thư bảo đảm để khỏi bị thất lạc, không nên dùng dịch vụ gửi thư bằng tem nữa.
Trong trường hợp nêu trên, nếu tôi không phản ánh quyết liệt, đương nhiên sẽ không có sự xác minh, truy xuất “nhiệt tình” của người có chức trách của ngành bưu điện thì các thư đó không đến được nơi nhận. Và cho dù vậy, cũng chỉ có 1 thư được tìm thấy, gửi đến nơi và còn 1 thư nữa chẳng biết đang ở nơi đâu?
Theo xu thế hiện nay, nhu cầu gửi thư bằng tem qua bưu điện không còn nhiều. Ngành bưu điện đang gặp khó khăn trong việc duy trì loại hình dịch vụ truyền thống này. Tuy nhiên, khi còn cung cấp dịch vụ, khách hàng vẫn tin và sử dụng thì ngành bưu điện không nên xem nhẹ.