Quảng Nam với tôi như một lời hẹn.Thanh Hóa là tỉnh kết nghĩa với Quảng Nam trong thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước. Trên mảnh đất Thanh Hóa có nhiều tên, công viên, thư viện, đoàn văn công mang tên Thanh Quảng. Và dĩ nhiên nhiều cán bộ chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ đã rời xứ Thanh lên đường chi viện cho chiến trường Quảng Nam. Người Thanh Hóa khi nhìn dòng nước sông Chu, sông Mã là cuộn lên một nỗi nhớ sông Thu Bồn. Tôi có cái chung tình kết nghĩa của người dân quê nhà, lại có một nỗi niềm riêng. Không được đằm mình trong dòng nước Thu Bồn, không được sống trong lửa đạn của chiến tranh, bù lại được làm người viết đi tìm hiểu thực tế về Quảng Nam nhiều lần. Thật ra, nếu dành cả một đời đi khắp đất Quảng Nam, đi và “cày đi cày lại”, thấm đẫm con người và sự tích, và ta không khỏi ngợp trong những câu chuyện bắt gặp. Gặp bất cứ một cán bộ nào, một vùng quê nào trong đất Quảng cũng cho ta một câu chuyện về thời kỳ chiến tranh trên quê hương mình. Nói không ngoa, trên mỗi thước đất, bờ cây ngọn cỏ đều thấm đẫm về “truyền thuyết Quảng Nam”.
Tôi đã có tham vọng viết về những chiến sĩ đặc công Thanh Hóa như thế. Tại sao không viết về Hàm Rồng - Thanh Hóa đi? Tôi đã viết về nơi mình chiến đấu, thơ ca, truyện ký và tiểu thuyết. Nhưng sự cám dỗ và thách thức người ta là chiến trường, là nơi đối đầu với vũ khí, sắt thép và cái chết. Nơi ngày đêm không một phút ngơi nghỉ mà cuộc chiến chỉ quyết định là bộ binh và chiến trường, là đất và mặt đất mà ta đứng chân. Và rõ ràng, Quảng Nam có sức cám dỗ đến lạ kỳ.
Tôi không hiểu nhiều về mảnh đất này. Có thể đọc qua sách và tàng thư ở thư viện. Nhưng sự cám dỗ bậc nhất vẫn là con người. Quả thật, Quảng Nam đã để lại cho đất nước những con người kiệt xuất. Tôi thấy mình gặp may. Nếu một bậc tiền bối nào đó lại “cử” hay nói cách khác, đặt Thanh Hóa kết nghĩa với một tỉnh khác nhỉ, thì tôi lại có những sự xúc động véo von khác sao? Đó là cái nét tương đồng về địa lý, lịch sử, con người mà có dịp đi dọc sông Thu Bồn, Vu Gia..., đi men theo những lũy tre gai, động cát, người lính như thấy sự hiển hiện của quê nhà. Nhiều, rất nhiều người ngã xuống. Nếu họ mà còn sống sẽ viết cho ta đọc, nghe và nhìn thấy những sự tích thần kỳ. Cái oai hùng và cái bi thương. Nhưng họ nằm nơi đất Quảng và thúc giục ta viết...
Tôi cứ đi, mà chưa hiểu được mảnh đất đó là bao. Mà cuộc sống có nhiều cám dỗ khác. Miếng cơm ăn, áo mặc, nhà ở và ngại khổ ngại khó. Lại những chuyện muôn thuở của loài người dựng dậy với buồn vui. Cuộc chiến tranh nào mà không gặp những kẻ cơ hội, phản bội... Còn phong tục tập quán lại khác lắm. Ở quê Thanh thì người già dịp lễ hội “khăn xếp áo lương”, nhưng đất Quảng thì áo dài màu xanh lam và khăn xếp dường như cũng khác. Đó là chưa nói giọng nói dường như cũng nhọc nhằn, đâu dễ thấm tháp như rượu Hồng Đào? Đi dọc sông Thu Bồn cũng gặp tre gai, tre gai ở đây dường như cũng gai góc hơn nơi khác. Các tộc họ Hồ, Lê, Nguyễn... ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn... làm cho tôi liên tưởng cách nay mấy thế kỷ dọc theo dải Trường Sơn bàn chân trần của người xứ Thanh vào phương Nam. Những truyền thuyết, huyền thoại lớp lớp sinh ra chưa kịp khai thác, ghi chép đã sa bồi chồng chất lên nhau. Và có nhiều người lính, người dân đã nằm lại đó, nếu có linh hồn bất tử, thì đâu đây đang gọi ta.
Việc phát động sưu tầm hiện vật và lịch sử của Quảng Nam có phải là việc làm lay động đến người sống và người chết không?
Thanh Hóa kết nghĩa với Quảng Nam mà tạo nên cho mình cái duyên viết về “Truyền thuyết sông Thu Bồn”. Đây là sự liều lĩnh trong đời cầm bút. Chắc là sự thúc giục của nghĩa tình và những lý do kể trên. Tôi được nghe, người xã Duy Tân, Duy Hòa nói mấy anh ở Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn muốn dựng tượng ở nơi xóm nhỏ Thu Bồn. Tiếc thay tôi chưa có dịp ngồi nơi chợ Phú Đa mà ăn món bánh ướt chấm mắm, ăn bát mỳ Quảng có các loại rau và ớt xanh sực hơi cay lên da mặt... Có khi chỉ nghe nhân chứng mà gặp được trong những lần đi thực tế kể lại. Đành rằng văn học là hư cấu, nhưng không thể hư cấu nếu không có một mảnh đất Quảng Nam chứa trong lòng nó dòng Thu Bồn và rất nhiều dòng sông khác ngày đêm rền rỉ gọi ta hay thôi thúc ta viết, ghi chép về sự kiêu hùng của quá khứ... Thế là tôi đã liều mà làm việc này. Trại sáng tác văn học mà Quảng Nam mời đi dự hai tháng vào 4.1985... Tôi mắc nợ với nhiều người. Họ đã giúp đỡ cho tôi có điều kiện đi thực tế... Đại tá Lê Công Thạnh, Đại tá Trà Thanh Lợi - Giám đốc Bảo tàng Khu 5, cô Thúy Hường - du kích xã Duy Tân, nhà văn Nguyễn Bá Thâm và nhiều người khác... Có thể sắp tới tôi lại về Quảng Nam, nhưng có thể không làm được như sự bồng bột đã có. Đó có lẽ là điều mà người làm văn chương bắt gặp sự hấp tấp đáng yêu là vậy.
Không thể viết và nói hết sự xúc động về Quảng Nam. Những lời này là sự cảm tạ mảnh đất đã giúp tôi hoàn thành tiểu thuyết “Truyền thuyết sông Thu Bồn”. Không phải đã vừa ý hoặc biết về con sông Thu Bồn và miền quê này kỹ càng, nhưng như thế mà có lời hẹn cùng Quảng Nam sự trở lại.