Ông Trần Hữu Chiếm sống dưới thời Tự Đức, quê làng Mông Nghệ, một làng cổ thuộc tổng Mông Lãnh, huyện Diên Phước, nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn. Ông tham gia quân đội, trở thành một trong những người chỉ huy vệ binh Quảng Nam, được phong làm Ngũ trưởng Đội Tám, đóng quân tại Sơn Trà, trấn giữ Đà Nẵng.
Sắc phong của Vua Tự Đức truy tặng cho ông Trần Hữu Chiếm. Ảnh: L.V.P |
Năm 1858, liên quân Pháp, Tây Ban Nha đưa chiến hạm cập biển Đà Nẵng, đổ bộ đánh chiếm bán đảo Sơn Trà và các vùng lân cận. Trần Hữu Chiếm chỉ huy đơn vị, đốc suất quân sĩ, phối hợp với quân triều đình và các đội dân binh Quảng Nam chống trả quyết liệt. Không chỉ gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, cùng với kế sách “vườn không nhà trống” của nhân dân ta, buộc chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” của địch bị thất bại. Tuy nhiên, trong trận chiến đấu tại Sơn Trà vào cuối năm 1858, ông Trần Hữu Chiếm hy sinh.
Xét công lao cống hiến và gương hy sinh lẫm liệt của Trần Hữu Chiếm, ngày 24 tháng 4 năm Tự Đức thứ 12 (1859), vua Tự Đức ban sắc truy tặng ông là Hiệu Trung Tá kỵ úy, Đội trưởng tinh binh, tên thụy là Hùng Cảm. Sắc văn có đoạn viết: “Tư nhĩ, nguyên Quảng Nam vệ, Bát độ, Ngũ trưởng cố Trần Hữu Chiếm, củ củ hùng phong, hoàn toàn kính tiết. Thủy phục cần ư súy mạc, sư luật túc nhàn, đãi tuyên lực ư cương trường, khôn trinh doãn địch. Tuẩn sự khả lân phù nghĩa khái. Tinh trung hạp bái ư long thi. Tư đặc truy tặng nhĩ vi Hiệu Trung Tá kỵ úy, tinh binh đội trưởng, thụy Hùng Cảm, trích chi sắc mệnh. Ô Hô! Hách hách huy chương, dụng ủy huyền quynh chi sảng. Dương dương chánh khí, thượng ứng trạm ác chi triêm. Minh mạc hữu tri. Chỉ thừa vô địch. Tự Đức thập nhị niên, tứ nguyệt, nhị thập tứ nhựt”. Tạm dịch: “Thương ngươi: Trần Hữu Chiếm (sinh thời) là ngũ đội trưởng đội Tám vệ binh Quảng Nam. Phong nghi hùng tráng, tiết ứng uy nghiêm. Ban đầu cần mẫn phục vụ nơi tướng soái, từng quen với kỷ luật quân đội. Tới khi đốc suất nơi chiến trường, noi theo nết trung trinh của kẻ thần tử, chết vì công việc, khá thương thay khí tiết vẹn tròn. Biểu dương lòng trung, nọ ân lớn há không ban bố, nay đặc biệt truy tặng là: “Hiệu Trung Tá kỵ úy, đôi trưởng tinh binh, ban cho tên thụy là Hùng Cảm. Ban sắc phong cho. Than ôi! Sắc văn rạng rỡ, dùng để an ủi tinh binh nơi mộ phần. Chính khí dạt dào đáng được gội nhuần mưa móc. Nơi u minh có biết. Kính thừa khôn nguôi. Ngày 24 tháng 4 niên hiệu Tự Đức năm thứ 12 (1859)”.
Qua lời sắc phong cho thấy, ông Trần Hữu Chiếm là một trong những người chỉ huy quân đội triều Nguyễn, là người con Quảng Nam, hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ Đà Nẵng. Đã tròn 160 năm, cuộc chiến tại Đà Nẵng đã đi vào lịch sử, thân xác bao chiến sĩ, dân binh và đồng bào ta đã tan vào trời đất, nhưng tinh thần anh dũng hy sinh của quân và dân Quảng Nam nói chung và ông Trần Hữu Chiếm nói riêng vẫn còn mãi với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
LÊ VĂN PHÚC