Gương mặt báo chí, truyền thông

NGUYỄN ĐIỆN NAM 26/12/2021 06:23

Số báo Quảng Nam cuối tuần này khép lại năm 2021, để tuần đến sẽ ra mắt số đặc biệt Chào năm mới - 2022. Xin dành góc suy ngẫm cho việc nhận diện đôi nét gương mặt truyền thông, báo chí rất đáng chú ý năm qua.

Lượng thông tin ngồn ngộn vẫn tiếp tục dành cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid khắp cả nước. Câu chuyện tâm điểm là TP.Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh thành căng mình trong các đợt dịch với mức độ khốc liệt hơn năm 2020. Số ca bệnh và nạn nhân tử vong, nhiều hoàn cảnh thương tâm được báo chí truyền thông cập nhật.

Những hoạt động thiện nguyện vào tâm dịch giúp đỡ đồng bào được báo chí chú ý mô tả. Tuy nhiên đâu đó, trong một số thời điểm, thông tin đôi khi loạn xạ, nhất là việc cách ly, phong tỏa, xét nghiệm, truy vết, cách thức điều trị, di chuyển liên vùng… như mớ bòng bong.

Ở phía Quảng Nam, báo chí phản ánh các hoạt động tích cực hỗ trợ đồng hương trở về, và từ quê nhà có những hoạt động ắp đầy tình nghĩa sẻ chia với các vùng bị dịch giã. Song, rắc rối cũng không ít khi dòng người hồi hương tuôn chảy về nhiều hướng, khiến việc hướng dẫn thông tin thủ tục quy định y tế có lúc không bắt kịp nhu cầu đòi hỏi.

Trải nghiệm này cho thấy bài học xử lý tình huống cuộc sống không chỉ cần sự năng nổ của chính quyền, tổ chức xã hội, mà còn chủ động xây dựng cổng thông tin, kênh báo chí kịp thời, hữu ích và hiệu quả cho tất cả người dân truy cập khi cấp thiết.  

Cuộc chiến với tin rác, tin giả xuất hiện với tần suất càng nhiều hơn trong cuộc sống. Từ mạng xã hội và báo chí tự nhiên dựng lên tâm thế bổ sung cho nhau trong việc xác minh những tin tức đồn đoán vô căn cứ.

Đặc biệt câu chuyện từ cuối năm 2020 lại vắt qua gần 3 quý của năm 2021, liên quan đến giới nghệ sĩ hoạt động thiện nguyện. Vì sao mới xuất hiện là…“sao kê”, nổi tiếng như Hoài Linh quê Quảng Nam cũng dính vào, ồn ào về việc chuyển tiền cứu trợ quá chậm trễ, sao kê tài khoản rắc rối.

Rồi đến tin các “thần y” đi chữa bệnh, các nhóm quảng cáo thuốc men “thần dược”, các phương thuốc cổ truyền trị được Covid, lan khắp nhiều miền, gây phiền lụy không ít. Truyền thông ăn theo như kiểu đưa tin lá cải cũng lắm, báo chí chính thống lại không thể dẫn dắt khi mạng xã hội ào lên những cuộc “ném đá” vô tội vạ.

Cho đến cuối năm, đại án kit test Covid lại mở ra nhiều vấn đề về đường dây phạm tội quy mô lớn, nhưng xem lại thì báo chí và mạng xã hội cũng không vô can khi vội vàng không xác minh nguồn “tin đểu” về những kẻ lừa đảo (!?).

Điều đọng lại lớn nhất mà dự báo sẽ còn kéo dài qua năm 2022 là phương thức thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn dịch bệnh và phục hồi kinh tế - xã hội. Rõ là sự khép hay mở trên con đường thông thương, vận tải, du lịch… sẽ còn lịch kịch nhiều khâu mà báo chí, truyền thông sẽ phải đau đầu tìm cách đưa tin, phản ánh và phản biện, sao cho việc vận hành Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành từ 11.10.2021 được thông suốt.  

Những mặt tích cực, hạn chế của truyền thông, báo chí trong một năm nhiều biến động sẽ không thể nhận diện hết trong một bài viết ngắn. Duy chỉ điều này cần nên thấy, càng ngày kênh tin tức càng nhiều thì càng cần coi trọng phát triển “báo chí - phân tích - giải pháp - dẫn dắt”. Bởi giữa “rừng tin tức”, nếu không có ai đủ minh mẫn cầm đuốc dẫn đường thì sẽ khiến nhiều người đi lạc.

Diễn đạt cách khác đó là mô hình “báo chí trí tuệ”, đòi hỏi nhà báo “đưa tin, diễn giải, giải thích, thậm chí đưa ra quan điểm về các sự kiện đang diễn ra”. Như trong cuốn sách “Hơn cả tin tức - Tương lai của báo chí”, Michell Stephes gợi ý rằng “các nhà báo trí tuệ sẽ ở vào vị trí tốt hơn để kiểm tra các dữ kiện còn nghi vấn hoặc bằng chứng dựa trên các kết quả còn nghi vấn”.

Báo Quảng Nam cũng tiếp cận hướng đổi mới này, giảm kỳ nhưng sẽ tăng trang báo cách ngày và số cuối tuần, cùng các ấn phẩm chuyên biệt, chuyên sâu từ đầu năm 2022.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gương mặt báo chí, truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO