Hôm nay 1.2, Huyện ủy Thăng Bình tổ chức tuyên dương 83 đảng viên trẻ tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự phát tiển của địa phương. Xin trân trọng giới thiệu một số gương điển hình trong vườn hoa đảng viên trẻ tiêu biểu ở lần tuyên dương này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thăng Bình - Lê Ngọc Chiến: “Đảng viên phải luôn gương mẫu đi đầu”
Với 35 tuổi đời, tròn 10 tuổi đảng, trong những năm qua, đảng viên Lê Ngọc Chiến đã được Tỉnh ủy tặng bằng khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền, được UBND huyện công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, anh đã xây dựng đề tài sáng kiến kinh nghiệm với các giải pháp thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong đảng được công minh, chính xác, kịp thời. Anh đã cùng tập thể tập trung kiểm tra, giám sát những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nổi cộm, bức xúc; những địa bàn dễ phát sinh sai phạm. Trong đó, chú trọng kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về các vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm tra việc thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng khi; công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản... Trong năm 2012, anh đã tham mưu lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy tổ chức kiểm tra, giám sát 24 tổ chức đảng và đảng viên; kiểm tra 2 tổ chức đảng và 12 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Qua đó thi hành kỷ luật 9 đảng viên, xem xét xử lý 20 đảng viên (khiển trách 10, cảnh cáo 7, cách chức 1 và khai trừ khỏi đảng 2), tạo niềm tin trong nhân dân.
Chủ tịch UBND xã Bình Tú - Phan Thị Thùy Trang: “Giúp nông dân làm giàu trên chính đồng ruộng của họ”
Được huyện Thăng Bình chọn làm điểm đầu tiên phát động xây dựng nông thôn mới là thách thức lớn đối với nữ Chủ tịch UBND xã Bình Tú - Phan Thị Thùy Trang (40 tuổi đời, 14 tuổi đảng). Bởi, chị cho rằng để bà con nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, trước hết phải giúp họ phát triển kinh tế và có thể làm giàu ngay trên chính cánh đồng của mình. Tháng 6.2012, được Phòng NN&PTNT huyện chọn triển khai sản xuất cánh đồng mẫu lớn, UBND xã đã chọn thôn Tú Ngọc B triển khai với diện tích hơn 44ha. Với cương vị Chủ tịch UBND xã, chị Thùy Trang cùng lãnh đạo xã đã tích cực phối hợp hỗ trợ nông dân thôn Tú Ngọc B tổ chức sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Nhờ đó, lợi nhuận mang lại từ mô hình cao hơn sản xuất đại trà hơn 4 triệu đồng/ha. Theo vị nữ chủ tịch UBND xã này, điều lớn nhất mà mô hình mang lại là đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân, nay họ đã biết sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất. Đây cũng là bước khởi đầu thuận lợi cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Cô giáo Phan Thị Thanh Vân (trường THPT Tiểu La): “Hiến máu cứu người là mang lại hạnh phúc cho nhiều người”
Cảm nhận sâu sắc nhất đối với cô giáo Phan Thị Thanh Vân là trong lần đi thăm người bạn nằm viện (lúc đó cô còn là sinh viên) đã gặp trường hợp một em bé sắp bước vào ca phẫu thuật quan trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng thiếu máu. Lần ấy cô Vân đã đề nghị được cho máu và ca phẫu thuật thực hiện thành công. Đó cũng là lần đầu tiên cô hiến máu cứu người và cảm nhận hạnh phúc vô bờ của gia đình bệnh nhân được cứu sống. Khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, với trách nhiệm một đảng viên trẻ, cô giáo Vân luôn tham gia các phong trào hiến máu và vận động nhiều người cùng tham gia. Cô tâm sự: “Tôi mong mọi người cùng tham gia hiến máu tình nguyện để có thêm nhiều trường hợp được cứu sống. Bởi, một trường hợp được cứu sống sẽ mang lại niềm hạnh phúc cho biết bao người xung quanh”. Với kỷ lục 21 lần hiến máu tình nguyện tại huyện Thăng Bình, cô giáo Vân đã được tặng huy hiệu “Giọt máu”, được Bộ Y tế và UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen...
Đại úy Trần Duy Phương (Công an huyện Thăng Bình): “Đưa pháp luật về an toàn giao thông vào trường học là nhiệm vụ quan trọng”
Công tác ở Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động, Đại úy Trần Duy Phương được đơn vị phân công báo cáo các quy định pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần hạn chế tai nạn giao thông, anh đã tìm tòi, biên soạn đề cương nói chuyện phù hợp với từng đối tượng, nhất là lứa tuổi học sinh. Đối với học sinh tiểu học, qua quá trình nghiên cứu, anh đã xây dựng cho mình phương pháp đối thoại trực tiếp, trao đổi về những việc mà các em thường xuyên tiếp xúc hàng ngày khi tham gia giao thông. Từ đó, tạo được sự hưởng ứng, tập trung cao, và hiệu quả được kiểm chứng khi các em nhớ rất kỹ các vấn đề đã nêu ra. Đối với học sinh THCS, trong chuẩn bị đề cương, bên cạnh lý thuyết về pháp luật, anh luôn chuẩn bị các tình huống để các em vận dụng kiến thức được học, giải quyết xung đột phát sinh được nêu ra trong tình huống. Anh đã tạo ra một sân chơi giáo dục pháp luật cho học sinh, chứ không đơn thuần là sự khô khan, cứng nhắc của câu từ... Và hiệu quả đem lại là trong thời gian qua, ở Thăng Bình không có học sinh THCS là đối tượng gây ra tai nạn khi tham gia giao thông.
THÚY ƯU