(QNO) - Chị Vi Thị Lăng sinh năm 1979 về làm dâu tại xã Sông Kôn (huyện Đông Giang) khi tuổi xuân vừa tròn 25. Sức sống nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc chị tham gia tích cực các công tác đoàn, đội ở địa phương.
Từ tháng 3.2014 đến nay, trong vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Kôn, chị đã có nhiều sáng kiến, đổi mới trong công tác, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hội viên Hội LHPN xã, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.
Xã Sông Kôn có diện tích trải dài dọc quốc lộ 14G thuộc huyện Đông Giang, dân cư chủ yếu là đồng bào Cơ Tu sống ven rừng núi. Những năm gần đây, đời sống kinh tế bà con có nhiều thay đổi, song vấn đề vệ sinh môi trường, rác thải nông nghiệp luôn đặt ra ở các làng đồng bào vùng núi này. Do dân cư thưa, chưa có công trình xử lý rác thải, nên bà con vẫn còn thói quen xả rác bừa bãi, chưa ý thức được sự độc hại đối với môi trường. Trước thực trạng đó, chị Vi Thị Lăng đã có ý tưởng sáng tạo ra lò xử lý rác thải thủ công.
Từ năm 2019, bằng nguồn quỹ ít ỏi của Hội LHPN và phần nhỏ kinh phí xây dựng nông thôn mới xã Sông Kôn, chị Lăng đã bàn bạc trong hội và quyết định đầu tư 3 lò xử lý rác, phân bổ đều cho 4 thôn phục vụ 11 tổ dân cư, lò được xây dựng kiên cố với kích thước 4x4m, cao 5,5m. Khi có lò xử lý rác, hội viên phụ nữ tập trung tuyên truyền đến từng hộ gia đình, vận động người dân gom rác vào các điểm tập trung để xử lý.
Thành công bước đầu của cuộc vận động này là sự hưởng ứng đông đảo của bà con, khích lệ thế hệ trẻ học tập theo nếp sống văn minh. Tuy nhiên, sau một thời gian, mô hình xử lý rác thải tập trung cũng gặp không ít khó khăn với điều kiện thực tế của địa phương.
Chị Lăng chia sẻ: “Cái khó là không có kinh phí để mướn người chuyên trách thu gom và phân loại rác dẫn đến tình trạng những hộ gia đình ở xa vẫn chưa có ý thức tự giác thực hiện nghiêm quy định đã ban hành; do mới đi vào hoạt động nên người dân vẫn chưa hình thành được thói quen phân loại rác dẫn đến tình trạng rác đổ đống hỗn độn rất khó cho quá trình xử lý”. Để giải quyết vấn đề nan giải đó, chị Lăng cùng bàn với chị em trong Hội Phụ nữ xã và khắc phục bằng cách chia nhỏ ra từng cụm dân cư 2 đến 3 hộ gia đình đầu tư một lò nhỏ thay vì tập trung một lò lớn như dự tính ban đầu. Với cách giải quyết này, các hộ gia đình tự phân công thay phiên nhau bảo quản và xử lý rác thải, tránh tình trạng ỷ lại cho tập thể.
Sau quá trình động viên và tuyên truyền cho người dân đưa mô hình xử lý rác thải tập trung đi vào hoạt động, mô hình này đã giúp người dân thay đổi thói quen cũ, cải thiện được nếp sống văn minh, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm đến từng người dân trong việc bảo vệ môi trường. Việc làm đó của chị Vi Thị Lăng đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé đưa xã Sông Kôn đến gần hơn với đích xã nông thôn mới. Với ý tưởng sáng tạo vừa hiệu quả lại tiết kiệm chi phí này, lò xử lý rác thải của chị Lăng đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận, được các xã trong toàn huyện học tập và triển khai, kể cả một số huyện lân cận nghiên cứu đưa ý tưởng này triển khai trên diện rộng.
Không chỉ có chị Vi Thị Lăng, mà nhiều chị em Hội LHPN xã Sông Kôn cũng có nhiều sáng kiến, đổi mới trong sản xuất, cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mô hình hay, giống tốt trong phát triển kinh tế vườn rừng. Nhờ đó mà đến nay đã có 45% trong tổng 736 hội viên có kinh tế khá ổn định. Trong đó phải kể đến gia đình chị Bnước Thị Dứp (45 tuổi) với diện tích đất đồi, chị trồng 1.000 gốc thơm cho thu nhập ổn định, đàn heo giống 6 con trung bình cho gia đình chị xuất chuồng khoảng 150 con heo mỗi năm; vườn bưởi da xanh hơn 300 gốc cũng đã tuổi đậu quả và vườn chuối khoảng chừng 1ha.
Chị Dứp cho biết trồng chuối cho thu nhập trải đều quanh năm, tuy số tiền không nhiều nhưng đều đặn nên sắp tới dự tính sẽ mở rộng gấp đôi diện tích để lấy nguồn "nuôi" những thứ khác. Chưa dừng lại ở đó, dự tính trong vài tháng tới gia đình chị còn cải tạo lại khu chăn nuôi heo để phát triển thêm đàn gà hàng trăm con cho kịp mùa bán tết cuối năm 2022.
Đánh giá về hoạt động của Hội LHPN xã Sông Kôn, ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Trên tất cả các hoạt động, Hội LHPN xã Sông Kôn đã có những chuyển biến rất tích cực, công tác tuyên truyền triển khai đến tận các hội viên, nhất là việc ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao vai trò bình đẳng giới, mang lại cuộc sống ấm no hơn.
Chị em phụ nữ chú trọng hơn về phát triển kinh tế, phong trào được triển khai sâu rộng và đồng bộ đến cơ sở và được huyện đánh giá rất cao. Cùng với đó thì phụ nữ cũng có nhiều mô hình, cách làm hay; đáng nói trong giai đoạn gần đây Hội Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền vận động phòng chống Covid-19. Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các tỉnh phía nam và Đà Nẵng. Trong vai trò xây dựng nông thôn mới, chị Lăng cũng đã có nhiều cố gắng, sáng tạo, học hỏi nhiều nơi để mạnh dạn triển khai mô hình xử lý rác thải có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường. Cá nhân chị Lăng cũng là nhân vật tiêu biểu trong phát triển kinh tế, dẫn dắt phong trào của hội, tạo mọi điều kiện cho chị em phụ nữ làm giàu chính đáng, khẳng định vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như xã hội”.
Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách đến từng hội viên, tạo mọi điều kiện để chị em phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN xã Sông Kôn đã dần khẳng định được vai trò của mình, mang lại tiếng nói bình đẳng cho chị em phụ nữ tại địa phương, là cầu nối vững chắc dẫn dắt phụ nữ vùng cao từng bước đi vào ổn định cuộc sống.