Những năm qua, phong trào “Thanh niên học tập và làm theo gương Bác” phát triển kinh tế, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê được đông đảo thanh niên trên địa bàn Tiên Phước hưởng ứng tích cực. Trong đó hai mô hình trồng trọt, chăn nuôi của Cao Quốc Huy và Nguyễn Đức Đông (cùng trú trên địa bàn Tiên Sơn) bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan.
Anh Cao Quốc Huy đang chăm sóc vườn tiêu của gia đình. |
Kết hợp vườn - ao - chuồng
Với quyết tâm làm giàu tại chính mảnh đất quê hương, anh Cao Quốc Huy, Phó Bí thư chi bộ kiêm Bí thư Chi đoàn thôn 6 (xã Tiên Sơn) cùng với gia đình đã gây dựng mô hình trồng tiêu Tiên Phước, trồng chuối lùn, keo lai và nuôi heo thịt, thả cá cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2014, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, anh Huy bàn với gia đình đầu tư chăn nuôi kết hợp với phát triển kinh tế vườn. Ban đầu anh đầu tư xây dựng 12 ô chuồng trại và mua 10 con heo nái giống về thả nuôi với kinh phí gần 50 triệu đồng. Sau một thời gian, đàn heo phát triển tốt, số lượng ngày một tăng lên, có lúc lên gần 150 con. Gần đây do giá heo hơi xuống thấp, nên gia đình cũng giảm đàn, hiện chuồng nuôi chỉ còn 5 heo nái và khoảng 50 heo thịt. Cùng với chăn nuôi heo, hai cha con anh Huy quyết định chuyển gần 2.000m2 đất ruộng kém hiệu quả sang nuôi thả cá và nuôi 20 con trâu, bò, 100 con gà…
Anh Nguyễn Đức Đông đang chăm sóc đàn heo thịt. |
Không thỏa mãn với những gì đang có, đầu năm 2016 hai cha con anh Huy còn bắt tay cải tạo gần gần 1.500m2 đất vườn, trồng hơn 300 choái tiêu Tiên Phước. Nhờ chịu khó chăm sóc nên vườn tiêu mới trồng được hơn 2 năm tuổi nhưng đã lên xanh tốt, chuẩn bị ra trái bói. Vừa qua, huyện Tiên Phước đã hỗ trợ mô hình trồng tiêu của gia đình 10 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mua phân bón, chăm sóc. Anh Cao Quốc Huy chia sẻ: “Tôi thấy đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở quê khá phù hợp với các loại cây trồng, con vật nuôi nên sau khi đi bộ đội về bàn với gia đình đầu tư phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi, ổn định đời sống. Gần đây, thấy giống tiêu Tiên Phước cho giá trị kinh tế cao nên gia đình đã đầu tư trồng hơn 300 choái. Ngoài ra, tôi cũng tận dụng nguồn nước ở chân ruộng kém hiệu quả chuyển sang nuôi thả cá và nuôi heo thịt, nuôi bò, trâu, gà… Làm nông không có gì là khó chỉ cần có đam mê, có khát vọng, cần cù chịu khó thì nhất định sẽ thành công”.
Ngoài trồng tiêu, hai cha con anh Huy còn cải tạo đất để trồng hơn 100 bụi chuối lùn và trồng 20ha keo lai. Nhờ kiên trì, quyết tâm làm giàu, đến nay các loại cây trái trong vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh Huy thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Khởi nghiệp từ cây giống, chăn nuôi heo
Nhận thấy nhu cầu cây giống tại địa phương tăng cao, anh Nguyễn Đức Đông (thôn 3, Tiên Sơn) đã mua cây giống về cung cấp cho người dân. Cùng với đó, anh Đông cũng đầu tư chăn nuôi heo thịt cho thu nhập ổn định.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh làm nông nên anh Đông thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân, mỗi khi vào vụ phải chạy đôn chạy đáo đi tìm cây giống và chất lượng thì phải phụ thuộc vào “cái tâm” của người bán. Trước thực tế đó, anh Đông vào tỉnh Đồng Nai tham quan các vườn cây giống, khi nắm rõ được quy trình ươm cây giống, kiểm định chất lượng anh mới chọn mua về cung cấp, phục vụ cho bà con. Nhờ cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng nên cơ sở của anh luôn được khách hàng đón nhận và quan tâm. Trung bình mỗi năm anh Đông cung cấp khoảng 3 triệu cây giống cho nông dân trong và ngoài huyện, trong đó chủ yếu các loại cây như cam, quýt, măng cụt, mít, keo lai…, mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Anh còn nhận chở cây giống đến tận vườn, rừng để bà con thuận lợi trong việc trồng trọt. Anh chia sẻ: “Tôi thấy người dân ở vùng đất Sơn – Cẩm – Hà tập trung đầu tư cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, nhưng nguồn cây giống bản địa khan hiếm nên năm 2011 sau khi đi bộ đội về tôi quyết định chọn nghề mua cây giống tại các cơ sở uy tín về cung cấp lại cho bà con”.
Ngoài việc cung cấp cây giống cho bà con nông dân, đầu năm 2014 anh Đông đầu tư hơn 70 triệu đồng xây chuồng trại và mua heo giống về thả nuôi. Những năm đầu thả nuôi, đàn heo phát triển tốt, lúc cao điểm tổng đàn hơn 130 con. Trung bình mỗi năm anh xuất bán 3 lứa heo thịt, sau khi trừ chi phí lãi ròng khoảng 80 triệu đồng. Thời gian gần đây giá heo hơi xuống thấp nên anh Đông đã giảm đàn còn 17 heo nái giống và khoảng 70 heo thịt. Cùng với chăn nuôi heo, anh Đông còn đầu tư cải tạo gần 1ha đất vườn trồng gần 450 trụ cây, dự định qua Tết Nguyên đán sẽ trồng giống tiêu Tiên Phước vào đó.
Có thể nói, mô hình kinh tế vườn kết hợp với chăn nuôi của anh Huy, anh Đông là một trong những mô hình hiệu quả tiêu biểu trên địa bàn xã Tiên Sơn. Các mô hình này đã tạo động lực cho thanh niên địa phương trong việc tìm tòi, phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Anh Huỳnh Văn Trường - Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Tiên Sơn cho biết: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Huy, anh Đông còn là người “thổi lửa” cho phong trào đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế ở địa phương. Trong các cuộc họp, gặp gỡ với thanh niên địa phương, Đoàn thanh niên xã cũng hướng dẫn anh em đến tham quan học hỏi mô hình của anh Huy và Đông, từ đó có hướng nhân rộng ra trên địa bàn. Từ hai mô hình này mà nhiều thanh niên trong xã có thêm niềm tin, động lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp tại quê nhà”.
NGUYỄN HƯNG