Tác phẩm, tác giả

Hà Châu: Tôi vẽ quanh tôi!

QUẾ HÀ 24/11/2024 10:15

“Tôi thích vẽ chân dung, dù chỉ là người bình thường. Khi bắt gặp những khoảnh khắc đẹp ở đời thường, tôi có nhiều cảm xúc hơn. Khâm phục họ và tôi vẽ…”

z6028131562834_0ff1ad7fb8bf924537e74e05d27686cf.jpg
Hà Châu.

Chính vì bắt đầu từ những quan sát như vậy nên Hà Châu - dù khá trẻ, đã ghi rất nhiều dấu ấn trong làng mỹ thuật xứ Quảng.

Nghệ thuật từ đời thường

Hà Châu gây ấn tượng tại triển lãm “Phan Huỳnh Điểu - Cánh chim bay về” với tác phẩm “Sợi nhớ sợi thương”. Anh chia sẻ, được vẽ và được trưng bày tác phẩm về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là niềm vinh dự nhưng cũng đầy áp lực với anh.

Những bức họa của Hà Châu phần nào tái hiện khoảnh khắc đời thường về cuộc đời lao động, sáng tạo nghệ thuật, âm nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - người con ưu tú quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.

Hà Châu còn rất trẻ. Anh sinh năm 1990, tại Điện Bàn, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, chuyên ngành Đồ họa. Nhưng Hà Châu lại bén duyên với dòng tranh và đoạt nhiều giải thưởng ở loại hình chân dung.

Chỉ sau một năm tốt nghiệp, năm 2015, anh đã đoạt giải nhì Triển lãm Mỹ thuật lần thứ II của Quảng Nam, được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh, chuyên ngành Mỹ thuật.

Cũng chính năm này, tác phẩm “Ngày mới” được Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu dự Giải thưởng VHNT Việt Nam. Tác phẩm này tiếp tục vinh dự được Bộ VH-TT&DL chọn tham dự triển lãm Festival mỹ thuật Trẻ toàn quốc.

z6018450498066_a54417ae17853702867762cefc0f584f.jpg
Ngày mới - tranh khắc gỗ đoạt giải A Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần III.

“Ngày mới” được Hà Châu thể hiện với thể loại tranh khắc gỗ liên hoàn. Giám khảo Lương Xuân Đoàn đã không ngại ngần dành nhiều lời khen: “Đây là tác phẩm tốt, phản ánh những cuộc đời thực. Là một ngày mới của người dân xứ Quảng được khắc họa rõ nét qua các chân dung, mang lại xúc cảm ấm áp, chia sẻ của mỗi người thưởng thức với từng nhân vật. Ngôn ngữ đồ họa khắc gỗ thể hiện tay nghề vững và có kỹ thuật khi biểu đạt qua tác phẩm.

Ngày mới thể hiện được tinh thần lạc quan, bình dị của người dân Quảng Nam. Hình tượng các nhân vật được khắc họa rất duyên, xử lý đậm nhạt của một tác phẩm khắc gỗ có tay nghề, đã tạo được bốn hình ảnh đặt cạnh nhau mà tinh tế, không có sự tranh chấp”.

Chính vì những nét sắc sảo như vậy, tác phẩm này đã nhận được giải A giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ III (năm 2014 - 2018). Với một người trẻ tuổi, mới ra trường chỉ một năm, giải thưởng này là sự xác tín cho sở trường của Hà Châu.

“Gia tài” giải thưởng

Không dừng ở đó, trong năm 2019, anh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Ở độ tuổi dưới 35, Hà Châu đoạt giải tác giả Trẻ của Liên hiệp VHNT Việt Nam. Các “cây đa cây đề” trong giới mỹ thuật cho rằng, giải Trẻ dành cho những tác giả thể hiện được sự tìm tòi, đổi mới nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống, hướng đến nét đẹp truyền thống và đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm sợi nhớ sợi thương được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng
Tác phẩm Sợi nhớ sợi thương của Hà Châu được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Năm 2020, tác phẩm “Những đóa hoa hướng dương” cũng được nhiều giải thưởng của Trung ương và địa phương. Tác phẩm ra đời khi dịch COVID-19 hoành hành, Đà Nẵng - Quảng Nam trở thành “điểm nóng” của dịch bệnh. Hà Châu cùng nhiều nghệ sĩ khác tham gia sáng tác với bối cảnh, câu chuyện ngay trên tuyến đầu, tiếp cận những khu cách ly, bệnh viện.

“Những đóa hoa hướng dương” lấy không gian tác phẩm ở trong một bệnh viện. Ở đó các hình tượng nhân vật y, bác sĩ đang tiễn các bệnh nhân khỏi bệnh trở về địa phương, về lại mái nhà ấm cúng của gia đình.

Trọng tâm là hình tượng một cô bé đã được chữa khỏi dịch bệnh, đang tặng những đóa hướng dương cho một bác sĩ trẻ: một hành động đầy xúc cảm, rất đỗi thiêng liêng. Đó chính là sự kết nối cấu trúc tạo hình hiện đại, nhưng vẫn gợi ra được các hình ảnh của sự kiện và chuyển tải một thông điệp cụ thể đến những người thưởng thức.

Trong mô tả nhân vật, sự sáng tạo ra những mô-típ tạo hình thường dựa trên cơ sở tư duy chủ quan, của lý trí và suy ngẫm. Hình tượng nghệ thuật được tạo ra cùng với cách thể hiện độc đáo, khác biệt trong bối cảnh dịch bệnh, thể hiện mối bận tâm của nghệ sĩ Hà Châu với hình tượng đương đại.

Ngoài tái hiện tỷ lệ chuẩn, cái khó khi vẽ chân dung là truyền tải được thần thái, chiều sâu nội tâm của nhân vật. Nếu cảm nhận không tốt, nụ cười có thể đơ, khiên cưỡng. Chân dung của Hà Châu không bị sa đà vào tô màu, vẫn có khối, có sáng tối nhưng tự nhiên.

Năm 2023, Hà Châu được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Trung ương. Thêm lần nữa, anh mang về “gia tài” giải thưởng của mình giải B - Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ IV với tranh sơn dầu “Nhịp thầm”. Bức tranh thể hiện vẻ đẹp mộc mạc của con người và không gian làng nghề gốm xứ Quảng.

Nghệ thuật song hành trách nhiệm

Hà Châu hiện hoạt động ở lĩnh vực trang trí nghệ thuật cho các không gian quy mô lớn tại Hội An, Đà Nẵng. Anh dành phần lớn thời gian cho niềm say mê vẽ chân dung được nhen từ thuở bé. Những quan sát tỉ mỉ và chân thành được mô tả bằng màu sắc.

z6018449181494_ec18b2873d7be5f91cb254caafa8ed47.jpg
Những câu chuyện cuối - tranh sơn dầu đoạt giải C Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2018.

Năm 2023, Hà Châu tham gia Triển lãm Mỹ thuật trẻ - Đà Nẵng - một cuộc hội ngộ đầy ấn tượng của 30 họa sĩ trẻ của khu vực miền Trung.

Tại triển lãm lần này, Hà Châu đem đến chùm 4 tác phẩm mang tên “Cúc”, với chân dung 4 người phụ nữ đi qua các mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa của đất trời trôi đi hiện ra trong từng góc cạnh trên gương mặt phụ nữ. Nhưng tựu trung, là hy vọng về sự lưu giữ thanh xuân - những ước mơ rất đời thường của phụ nữ.

Tròn 10 năm là hội viên Hội VHNT Quảng Nam, Hà Châu định danh mình với rất nhiều giải thưởng các cấp. Nhưng không vì thế mà anh ngừng tìm tòi. Châu luôn đổi mới chính mình. Với anh, nghệ thuật là hành trình khó khăn, vất vả và phải thật kiên trì.

“Nhất là đối với những họa sĩ trẻ, tôi luôn nhắc nhớ bản thân là phải vẽ liên tục và luôn hướng đến cái mới, cái hay, cái chân - thiện - mỹ. Dù được gọi người nổi tiếng nhưng tôi thích làm người bình thường” – Hà Châu tâm sự.

Những năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm kết nối mỹ thuật khu vực, cả nước và quốc tế. Từ những cuộc hội ngộ đó, các tác phẩm mỹ thuật có sức lan tỏa hơn khi đến được với đông đảo người xem, giới yêu mỹ thuật. Hà Châu trở nên quen tên với công chúng yêu mỹ thuật, chính từ những hoạt động như vậy.

“Ở vị trí họa sĩ trẻ, tôi mong có nhiều cuộc thi, nhiều cuộc hội ngộ của mỹ thuật miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng để chúng tôi có thể làm phong phú thêm cho giá trị văn học, nghệ thuật ở khu vực và cả nước. Các cuộc hội ngộ cũng là cơ hội giúp các nghệ sĩ tạo hình thỏa sức với niềm khát khao được vẽ, được sống trong những sắc màu, sáng tạo” - Hà Châu nói.

Sau cuộc triển lãm “Phan Huỳnh Điểu - Cánh chim bay về”, Hà Châu lại khăn gói đi tiếp hành trình ở Trại sáng tác Đà Lạt cùng Đoàn VHNT Quảng Nam. Châu nói, cuộc đời của nghệ sĩ là những chuyến đi – bởi có đi thì mới thức dậy cảm hứng sáng tạo. Càng bận rộn, càng thấy vui, càng thấy mình mới mẻ. Nên người ta sẽ luôn thấy Châu ở mọi cuộc đi đúng nghĩa. Mới thấy anh đi thực tế ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), vài ngày sau lại đã thấy mặt ở trại sáng tác trực họa “Nét đẹp Đà Nẵng”, rồi cũng gần tuần sau lại thấy có mặt ở Lâm Đồng.

Ngắm bức tranh sơn dầu được mang tên “Hồng” - tác phẩm anh đã bán và dùng số tiền đó ủng hộ đồng bào phía Bắc trong chương trình “Hội họa vì nhân dân vùng lũ”, mới thấy dù tranh phong cảnh hay chân dung, vẫn nhận ra đó là Hà Châu - một người làm nghệ thuật luôn song hành với trách nhiệm xã hội.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hà Châu: Tôi vẽ quanh tôi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO