Hà Huề, anh hùng của lòng dân

SÁU HÀ 11/08/2017 09:17

Trong những năm đầu chống Mỹ, Hà Huề là tấm gương tiêu biểu của phong trào cách mạng, một chiến sĩ gan dạ, dũng cảm chiến đấu ngay trong sào huyệt của địch. Trong lòng nhân dân Điện Thắng (Điện Bàn), Hà Huề đã và luôn xứng đáng là một anh hùng.

Hà Huề sinh năm 1944, trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước, tại làng Phong Ngũ, nay là thôn Phong Ngũ Tây, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, là con út của ông Hà Chưu và bà Lương Thị Ngưu. Vừa tròn 3 tuổi đã mồ côi mẹ nên quãng đời niên thiếu của Hà Huề rất vất vả gian lao. Cuộc sống cơ cực bần hàn dưới sự hà khắc của chế độ thực dân, chứng kiến cảnh đàn áp dã man của quân xâm lược… đã nung nấu ý chí căm thù giặc trong Hà Huề từ nhỏ.

Năm 1952 Hà Huề học trường làng Phong Ngũ, rồi học trường Cẩm Sa, Điện Nam. Đến năm 1958, học đệ Thất  tại Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học giữa chừng. Năm 1959 Hà Huề học nghề hớt tóc với ông Đỗ Lê người làng Phong Lục, sang năm 1960 thì cùng cùng ông Lê ra Đà Nẵng hành nghề. Tại đây, được sự tuyên truyền giác ngộ của người chị ruột là Hà Thị Chưu (cán bộ phụ nữ kiên trung từ thời chống Pháp) và ông Đỗ Lê, Hà Huề tham gia hoạt động trong tổ chức cơ sở quận Nhì TP.Đà Nẵng. Năm 1965, trong lúc chuyển tài liệu và một số vật phẩm từ Đà Nẵng về quê, Hà Huề bị cảnh sát bắt tại Ngã Ba Huế, nhưng ông đã nhanh chóng phi tang chứng cứ nên chúng phải thả về. Cũng trong năm này, cơ sở có nguy cơ bị lộ, theo lời của chị gái, Hà Huề trở về quê, thoát ly trực tiếp chiến đấu tại quê nhà.

Xuất quỷ nhập thần

Còn nhớ thời đó, có lần tôi đang giữ trâu thấy chú Huề mang đôi dép cao su và một túi xách băng đồng lên ở nhà ông Đỗ Có ở Phong Lục, tôi hỏi: “Chú Bảy đi đâu đó?”. Ông cho tôi cây kẹo rồi bảo: “Làm thinh không được nói với ai đó nghe”. Chuyện ngày ấy tôi còn nhớ mãi đến tận bây giờ. Sự thoát ly tham gia cách mạng, trực tiếp cầm súng chiến đấu trên mảnh đất quê nhà của một thanh niên có học như Hà Huề ngày đó đã trở thành câu chuyện sôi động ở làng Phong Ngũ. Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng đội chiếc mũ tai bèo, mặc bộ áo quần màu xám, mang đôi dép cao su và khoác cây súng cạc-bin xuất hiện ở các làng Phong Ngũ, Phong Lục trở thành hình tượng vô cùng đẹp đẽ đối với thế hệ trẻ chúng tôi. Khi lính Mỹ đến đóng quân tại đồn Ngũ Giáp, Hà Huề gầy dựng cơ sở và hoạt động mạnh, những trận đánh dày hơn gắn liền với tên ông.

Bà con nhân dân làng Phong Ngũ và Phong Lục hay gọi Hà Huề với cái tên thân thương là “Bảy Huề”. Với nhân dân trong vùng, Bảy Huề là người “ăn nói dễ mến, nhỏ con nhưng lanh lẹ, đánh giặc như chơi, xuất quỷ nhập thần, lúc ẩn lúc hiện”. Bởi, lúc thì người ta thấy Bảy Huề mang áo tơi vác cuốc như một nông dân chính hiệu, lúc trở thành ông cụ đi ăn giỗ, có khi làm gã lái buôn… Do đó, ông thường xuyên trà trộn trong lòng địch mà không bị phát hiện. Lính Mỹ ở phía trước, ông ở phía sau; chúng ở phía nam, ông ở phía bắc, cách nhau rất gần, chớp nhoáng thuận lợi là ông đánh ngay. Mấy tên ác ôn nghe ông cảnh cáo là bạt vía kinh hồn. Có lần nhà ông Xã phó có đám giỗ, Bảy Huề đột nhập dưới hầm lúc nào chẳng ai hay, đợi đám gần xong chỉ còn lại mấy tên ngụy quyền, ông từ miệng hầm nhảy lên giương súng ra lệnh: “Ngồi im không thì chết!”. Cả đám kinh hồn khi thấy Bảy Huề không biết ở đâu hiện ra với lời hô đanh thép. Tuy nhiên những tên này không phải ác ôn, gây nợ máu nên ông chỉ cảnh cáo và buộc chúng phải hứa không được làm hại cách mạng, hại nhân dân, nếu ngoan cố sẽ không tha.

Tại cánh nam của xã, sau khi đồn Ngũ Giáp bị tập kích giữa ban ngày, bọn tề ngụy rất hoang mang, chúng tăng cường lực lượng và hỏa lực để vừa bảo vệ vừa lùng sục đánh phá từ xa. Chúng đặt trụ sở tại nhà dân, dọc hai bên quốc lộ, nay nhà này mai nhà khác, đánh phá cơ sở của ta tại Phong Ngũ, Phong Lục. Lúc bấy giờ tại địa bàn thôn Phong Ngũ, Bảy Huề đã xây dựng rất nhiều cơ sở, đào nhiều hầm bí mật trong làng để vừa ẩn náu vừa hoạt động trong lòng địch. Ông thường dùng súng trường bắn tỉa diệt nhiều tên địch tại cầu Ngũ Giáp. Ngoài ra tổ du kích Phong Lục, Phong Ngũ do ông tổ chức liên tục đánh mìn, lựu đạn vào mâm Hội đồng xã Thanh Trường tại nhà bà Luyện, bà Hương Huyền, bà Chẩn…

Sự xuất quỷ nhập thần của Bảy Huề làm cho bọn Hội đồng khiếp sợ, không dám lùng sục bắt bớ nữa. Chúng bèn dùng thủ đoạn bắt cha và gia đình Bảy Huề về hăm dọa, đánh đập dã man, đồng thời treo thưởng cho ai chỉ điểm tiêu diệt được Hà Huề. Tuy nhiên, dưới sự che chở của nhân dân, Bảy Huề an toàn hoạt động trong lòng địch, lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Ghi dấu chiến công

Ngày 14.7.1966, trong trận đánh đồn Ngũ Giáp giữa ban ngày, Hà Huề được phân công chỉ huy tổ du kích áp sát đánh từ hướng tây, đồng thời chặn đánh chi viện của địch từ hướng Vĩnh Điện. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và bị trọng thương gãy xương đòn gánh, bả vai. Kết quả trận đánh, ta tiêu diệt 17 tên địch, thu nhiều vũ khí các loại. Đầu năm 1967, nhằm ngăn chặn sự đánh phá cơ sở cách mạng của tên ác ôn Tổng đoàn dân vệ Điện Bàn, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân, Hà Huề xin ý kiến Thường vụ Đảng ủy xã về phương án diệt ác ôn. Được sự đồng ý của cấp trên, tối ngày 9.3.1967, Hà Huề đột nhập dưới hầm tại quán bà Sơn (ở làng Phong Ngũ) mà chẳng ai hay biết. Đến 8 giờ sáng, khi tên ác ôn xuất hiện, từ miệng hầm Hà Huề nổ súng, tên ác ôn gục trên sàn nhà. Xong, ông vọt lên khỏi miệng hầm, thu một súng cạc-bin xếp và một súng ngắn rồi nhanh chóng rút về vùng giải phóng.

Giữa năm 1968, để chặn đứng âm mưu bình định nông thôn của địch, Hà Huề chỉ huy tổ du kích xã tập kích vào trụ sở ngụy quyền xã Thanh Trường, giải tán tổ chức nhân dân tự vệ, tiêu diệt tên Liên toán trưởng, để cảnh cáo răn đe. Sau sự kiện này lực lượng nhân dân tự vệ của địch bị tan rã, không ai tham gia nữa. Cũng trong năm này, Hà Huề có trận đánh bọn lính Mỹ ở đồn Ngũ Giáp gây cho chúng nhiều thiệt hại. Trong thời gian trước đó, bọn lính ở đồn này thường tổ chức quân đi phục kích vào ban đêm trên tuyến đường giao liên xung yếu của ta từ vùng tây xuống vùng đông của huyện, gây tổn thất và khó khăn cho cách mạng. Trước tình hình đó, Hà Huề xây dựng phương án đánh Mỹ bằng trận địa mìn liên hoàn. Theo đó, vào tối ngày 10.9.1968, Hà Huề dùng mìn tự tạo, mìn claymore và mìn 3 càng gài xen kẽ theo hình nanh sấu. Trong tối đó, toán lính Mỹ gồm 24 tên khi đi phục kích đã lọt vào trận địa, Hà Huề bấm mìn khai hỏa, kết quả có 18 tên bị tiêu diệt tại trận, bị thương 6 tên.

Vào một ngày tháng 9.1969, khoảng 8 giờ tối, có trung đội Mỹ kép đi phục kích tại Phong Lục Đông. Nắm được thông tin, Hà Huề phục ở hầm bí mật sau nhà thờ tộc Đỗ, xác định mục tiêu, ông tiếp cận và đánh ngay 2 quả lựu đạn đúng vào ổ phục kích Mỹ. Quân địch số chết, số bị thương, bọn còn lại hoảng loạn nổ súng tứ tung, ông thoát an toàn ra hướng bờ sông. Nhận định quân địch sẽ rút lui và chuyển thương xuống đồn Ngũ Giáp theo hướng ven sông, Hà Huề men bờ sông đến biền Lại ở đình Phong Ngũ. Tại đây, ông dùng 5 quả lựu đạn và 1 mìn 3 càng gài chéo liên hoàn. Đúng như dự đoán, quân địch chuyển thương và rút lui lọt vào trận địa, ông kích hoạt nổ mìn, bọn Mỹ chạy hỗn loạn vướng vào lựu đạn nổ liên tiếp. Trận này địch bị tiêu diệt hơn 10 tên, cả chục tên khác bị thương.

Đêm 3.9.1970, Hà Huề nhận được lệnh của cấp trên phân công cùng tổ du kích xã bảo vệ lãnh đạo Huyện ủy Điện Bàn và đoàn công tác của tỉnh từ Điện Ngọc qua sông Cái lên Điện Thắng qua quốc lộ để lên căn cứ Chín Chủ - Hương Biều. Trên đường đi, bị địch phục kích, Hà Huề chỉ huy chiến đấu bảo vệ an toàn cho lãnh đạo và đoàn công tác. Tuy nhiên ông bị thương rất nặng và đã anh dũng hy sinh vào ngày 4.9.1970, để lại cho cán bộ, nhân dân Điện Thắng bao tiếc thương.

Dù đã hy sinh, nhưng những mẩu chuyện và hình ảnh chiến sĩ cách mạng Bảy Huề vẫn luôn sống mãi trong lòng nhân dân Điện Thắng, về một chiến sĩ gan dạ, dũng cảm chiến đấu ngay trong lòng địch. Với nhân dân địa phương, ông đã là anh hùng.

SÁU HÀ
(Bài viết dựa theo lời kể của gia đình liệt sĩ Hà Huề, một số cán bộ hoạt động cách mạng cùng thời, dự thảo Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Điện Thắng).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hà Huề, anh hùng của lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO