Làng/xã Hà Lam, tổng Phú Mỹ Trung, huyện Lễ Dương là nơi tọa lạc của lỵ sở phủ Thăng Hoa (sau đổi là phủ Thăng Bình) của tỉnh Quảng Nam xưa. Qua tập Hà Lam xã chí do Hội đồng Bảo tộc Tiền hiền Hà Lam (xuất bản năm 2003) có thể biết nhiều điều về diện mạo xưa của ngôi làng này.
Hà Lam có diện tích công điền và ruộng quan điền hơn 485 mẫu (theo “Địa bạ triều Nguyễn”). Diện tích công điền mở rộng thêm nhiều về sau; theo ghi chép của “Hà Lam xã chí” (HLXC) là 876 mẫu.
Phần lớn diện tích công điền ấy có thể do tiếp quản từ ruộng đất người Chăm từng canh tác trước đó, rồi về sau các tộc họ chung sức mở rộng thêm. HLXC cho biết, theo tư liệu của hai tộc Võ Văn và Nguyễn Đức thì thủy tổ họ là di dân từ vùng Nghệ An, Hà Tĩnh (châu Hoan) đến lập làng ở vùng này từ rất sớm, không lâu sau khi vua Lê Thánh Tông hoàn tất cuộc Nam chinh.
Giả thuyết về tên Hà Lam
Về địa danh Hà Lam, HLXC ghi lại hai cách giải thích. Tư liệu tộc tiền hiền Nguyễn Đức ghi: “Thủy tổ mông đắc bổn châu Lương Xuyên hầu lập xã hiệu Hà Lam. Kiến kỳ địa thượng hữu hà khê lưu, hạ miêu thanh tú như lam. Cố danh”.
Nghĩa: Thủy tổ tộc ta được phong tước Lương Xuyên hầu, lập xã hiệu Hà Lam. Đặt tên ấy (cố danh) vì thấy trên đất có khe sen chảy xuống, dưới có ruộng mạ xanh như chàm (Hà: sen, Lam: màu chàm - NV).
Còn tư liệu tộc tiền hiền Võ Văn ghi (dịch): “Đức Thủy tổ ngài Võ Văn Khâm, tước phong Dinh Bửu hầu trên đường khảo sát để tìm nơi định cư, thấy nơi đây cây cối um tùm, ruộng đất hoang vu chưa có xã hiệu, ông cùng bè bạn quy dân lập ấp.
Thấy cảnh đẹp, lại có nước chảy, có hoa sen, ông bèn lấy câu “Lam điền chủng ngọc, Hà ba/hoa hương viễn” (các điển cố thường dùng trong sách xưa - NV) mà đặt nên xã hiệu Hà Lam”.
Tên làng Hà Lam chỉ được ghi nhận phổ biến trong giấy tờ hành chính từ đầu thời Nguyễn. Trước đó, trong “Phủ biên tạp lục” (1776), tên “xã Hà Lam” được ghi nhận lần duy nhất khi liệt kê tên làng xã nằm trên con đường bộ qua phủ Thăng Hoa.
Tiền hiền và nhà thờ tiền hiền
Tư liệu lưu tại làng Hà Lam xưa không ghi rõ các tộc nào được sắc phong là tiền hiền làng. HLXC ghi: “Theo một ít sử liệu của làng cũng như gia phả các tộc chỉ biết các vị tiền, hậu hiền nguồn gốc ở châu Hoan (Nghệ An, Hà Tĩnh).
Từ xa xưa làng Hà Lam có 12 tộc: Gồm 5 tộc Nguyễn (Nguyễn Đức, Nguyễn Hữu cùng 3 tộc Nguyễn Công); và bảy tộc Võ (Võ Văn, Võ Tấn, Võ Đình, Võ Viết, Võ Duy, Võ Như, Võ Hưng). Mười hai tộc này luân phiên lo ngày kỵ tiền hiền (15.2 âm lịch) nên gọi là “Mười hai tộc biện tiền hiền” (Biện: có lẽ nghĩa là “gánh vác” - NV).
Theo tổng kết của HLXC, tính đến tháng 8.1945, ngoài “Thập nhị tôn hiền” (12 tộc biện tiền hiền đã kể) còn có đến 42 tộc quần cư trên đất Hà Lam, trong đó có 39 tộc còn giữ được tư liệu về lai lịch gia tộc mình.
Nhà thờ tiền hiền làng Hà Lam (không rõ năm xây dựng) trải qua nhiều lần trùng tu (đều trên nền cũ), lần gần nhất là vào năm 1998. Đây là công trình kiến trúc lớn nhất hiện còn trên đất Hà Lam xưa. Trong khuôn viên nhà thờ tiền hiền có mấy cây xoài cổ thụ sum sê ít thấy đâu có ở vùng Quảng Nam.
Mặt tiền nhà thờ này chạm mấy tấm hoành trong đó có hai câu “Hoan châu phát tích” (Quê gốc từ châu Hoan) và “Hà thủy khai cơ” (Mở làng xã trên đất Hà Lam) và cặp câu đối “Hà thủy thuần phong, sáng nghiệp tiền nhân căn bản hậu/ Lam điền thiện tục tài bồi hậu thế diệp chi vinh” (Vùng Hà đức tốt, người trước dựng nên nền gốc lớn/ Cõi Lam nết đẹp, kẻ sau tiếp nối giống dòng vinh). Chữ “thiện tục” trong câu đối trên trích từ tấm biển “Thiện tục khả phong” (khen tặng cho làng có nhiều điều đạo đức tốt đẹp) được vua Tự Đức từng ban tặng cho làng.
Hà trì, Hà kiều và bia đá
Dòng chảy từ phía tây qua địa phận làng Hà Lam có tên “Cửu khúc hà trì” lâu nay quen hiểu là “chín đoạn uốn khúc làm nên khe/ao sen Hà Lam”, có cây cầu cổ quen gọi là “Hà kiều” bắc qua, tất cả được cho là danh thắng bậc nhất của đất Hà Lam.
Xưa, bên tả ngạn là nơi tọa lạc của Đình làng Hà Lam, Văn thánh huyện Lễ Dương - Thăng Bình và Phủ lỵ Thăng Bình. Bên hữu ngạn là khu nhà ở của cụ Thượng thư Nguyễn Thuật - một văn quan hay chữ nổi tiếng qua nhiều đời vua triều Nguyễn.
Xa hơn nữa về phía hữu ngạn là nhà thờ tiền hiền và đàn Tiên Nông, Nghĩa trủng và những thắng tích tự nhiên như “Hòn đá ngựa”, “Núi dê”, “Hòn đá cõng”, “Rừng bà Nú”, “Lùm bà Dàng”… Những địa điểm ấy, qua biến đổi của thời gian, thiên tai, chiến tranh… nay chỉ còn lại ít nhiều dấu tích.
Trong 13 tấm bia đá hiện còn trên đất Hà Lam có hai tấm bia ghi nội dung liên quan đến việc trùng tu đình làng Hà Lam, một tấm bia (hai mặt) nói về Hà Kiều, một tấm bia nói về việc thành lập nghĩa trủng (nay còn gọi là “nghĩa tự”) Hà Lam.
Nội dung các tấm bia còn lại ghi danh các nhân vật công thần, khoa bảng, yêu nước, tiết phụ, nghĩa phụ… nổi tiếng của vùng đất huyện Lễ Dương phủ Thăng Bình xưa- trong đó có không ít người là cư dân Hà Lam. Sự tích đất và người làng Hà Lam thời trước được biết đến nhiều nhờ vào các tấm bia đá này (đang được bảo quản tại Nhà thờ tiền hiền Hà Lam).
Nhân vật Hà Lam
Tập HLXC đã kể rất nhiều nhân vật có tiếng tăm được ghi danh trong tư liệu của 39 gia tộc cư dân làng Hà Lam xưa. Đó là những người có công mở đất lập làng, các bậc khoa bảng nhiều thời, các nhà Nho yêu nước, các quan viên chức dịch có công phát triển làng, các phụ nữ giữ gìn phẩm tiết cao đẹp (tiết phụ), các nghĩa phụ có công đóng góp vào việc nghĩa của làng xã… Tất cả họ được người đời sau biết đến nhiều nhờ gia tộc, làng xã kịp ghi danh vào tư liệu, đặc biệt là vào bia đá.
HLXC đã kể chi tiết về khoa hoạn của một gia đình thành đạt ở làng Hà Lam xưa. Tộc Nguyễn Công (nguyên quán xã Bình Luật, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, thừa tuyên Nghệ An) đến đời thứ 9 có ông Nguyễn Đạo (1803 - 1872) đỗ Tú tài.
Ông này có mấy người con trai đỗ đạt là ông Nguyễn Tạo đỗ Cử nhân từng giữ chức Sơn phòng sứ tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Thuật đỗ Phó bảng từng giữ đến chức Thượng thư triều Nguyễn; ông Nguyễn Uýnh đỗ Cử nhân, tham gia phong trào Nghĩa hội Cần vương tại Quảng Nam và hy sinh tại chiến trường chống Pháp. Con trai út là Nguyễn Suyền cũng đỗ Tú tài. Hai người con trai của cụ Nguyễn Thuật là Nguyễn Chức đỗ Cử nhân và Nguyễn Kinh đỗ Tú tài.