Thời còn học phổ thông, tôi chỉ biết Hà Nội qua những bức tranh, vần thơ và lời hát tôi vẫn thường nghe: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa ...Hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp. Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm lối ta về…”.
1. Hà Nội trong tâm trí tôi thuở ấy, mơ hồ và mông lung lắm, dù đã cố gắng mường tượng về một Hà Nội dịu dàng, nhẹ nhàng, tinh khôi với mùi hoa sữa nồng nàn khắp mọi góc phố. Nói đến Hà Nội là nhắc đến cầu Long Biên vang danh lịch sử, Nhà Hát Lớn trầm mặc, cổ kính, phố Tràng Tiền thanh lịch, duyên dáng hay đơn giản chỉ là mùa thu Hà Nội… Bấy nhiêu đấy thôi cũng đủ làm xao xuyến trái tim bao người. Hà Nội mà tôi nghĩ về còn có cả những bông cúc họa mi trắng thấp thoáng trên yên xe đạp rong ruổi khắp ngóc ngách thủ đô và cả bát phở bò thơm nồng mùi se lạnh của buổi sáng sớm... Phải rồi, Hà Nội tựa như tiếng gọi quê hương thân thương mà gần gũi “phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó…”. Rồi khi tốt nghiệp đại học, vào đời, tôi mới có dịp đến với Hà Nội vào những ngày chuyển mùa giữa xuân và hạ…
Hồ Hoàn Kiếm trong sương sớm.Ảnh: H.N.T |
Những ngày Hà Nội đầu hè nhưng lại lất phất mưa rơi như rải nhẹ vào lòng người những cung bậc cảm xúc khó tả. Thật may vì tôi đến đây vào dịp cuối tuần nên có thể lang thang khắp phố đi bộ, thả mình vào dòng người tấp nập để bước chân tự do đưa lối khám phá thỏa thích nhiều nơi. Và điều làm tôi ấn tượng nhất ở đây là một phố cổ giữa lòng Hà Nội. Hà Nội mang trong mình vẻ đẹp cổ kính, giản đơn nhưng đầy ám ảnh. Có lẽ, mơ mộng bao nhiêu thì sự thất vọng lúc ập đến cũng dễ khiến con người ta chưng hửng bấy nhiêu. Người Hà Nội sống “khép mình” và “vội vã” tưởng như mọi thứ nếu không hối hả sẽ bị “thụt lùi” lại phía sau. Đường sá chật hẹp, các hàng quán chen chúc lấn át cả lối đi. Tôi giật mình nghĩ lại những gì đã biết về Hà Nội và tự hỏi phải chăng là mình quá khắt khe hay vì cuộc sống hiện đại và xô bồ quá nên con người ta cứ thế bị cuốn theo vào cuộc đua mưu sinh lúc nào không hay?
Hà Nội trong tôi bớt lung linh đi một chút, nhưng lại chẳng thể nào làm tôi thôi đắm say về nó. Bởi chẳng có ai tìm kiếm một người hoàn hảo để yêu mà chỉ có tình yêu mới khiến mọi thứ trở nên đẹp đẽ. Hà Nội có những nét riêng của chốn kinh kỳ. Đó là buổi sáng nhâm nhi ly cà phê hay cốc trà nóng vỉa hè trong tiết trời se se và ngắm nhìn dòng người qua lại. Đó là quả sấu dầm mứt chua chua ngọt ngọt, là chiếc bánh cốm thơm nức lòng du khách phương xa. Đó là tiếng mở và đóng cửa leng keng nghe như tiếng nhịp thời gian của xe buýt gợi nhớ đến tiếng của tàu điện thời xưa Hà Nội. Đó là tiếng rao của người gánh rong lúc nửa đêm. Và đó là khi rảo bước quanh Hồ Tây với cây kem Tràng Tiền trên tay… Hồn của Hà Nội chẳng ai có thể diễn tả được mà chỉ có cảm nhận thôi ta mới “thấu” được một phần nào đó nét văn hóa của người Tràng An.
2. Hà Nội đẹp nhất có lẽ về đêm, lung linh mà cũng lãnh đạm. Những vệt sáng nối nhau thành từng dải len lỏi hết ngõ ngách không đèn, từng dòng người trên phố nối nhau như mắc cửi. Cũng là đông đúc nhưng lại chẳng xô bồ giống Sài Gòn một chút nào. 36 phố phường với vô số món ăn bày biện hấp dẫn mà chẳng phân biệt tầng lớp lao động hay tuổi tác người thưởng thức như nem chua rán, bún chả, trà chanh Nhà Thờ, bát ốc nóng hổi với vài quả sung là “mồi” cho đôi ba câu chuyện hàn huyên hay bia hơi ở phố Tạ Hiện dành cho người Tây đi kèm nem phùng và lạc luộc. Hà Nội về đêm bỗng dưng lột xác, không xô bồ, ồn ào như cuộc sống hối hả ban ngày mà sâu lắng, nhộn nhịp theo một cách riêng không nơi nào có được mà ở đấy ẩm thực đường phố đã làm nên “thương hiệu” của đêm Hà Nội.
Những gì tôi biết về Hà Nội trong vài ngày chắc chắn là chưa đủ sâu sắc và đầy đủ, nhưng nó chân thật về một Hà Nội rất thơ và duyên ngầm từ những điều nhỏ nhặt bên trong. Ừ thì có thể Hà Nội là thế với những người chẳng phải sinh ra ở đây, người ta đến và đi như một lẽ thường tình. Rời thủ đô, tôi tự nhủ với lòng sẽ trở lại vào một ngày nào đó không xa và nhất định phải là vào mùa thu cùng với người tôi thương, nếu có thể…
HẠNH NGUYÊN TRANG