Hạ tầng cảng và sân bay Chu Lai: Nuôi dưỡng khát vọng đột phá

TRỊNH DŨNG 30/08/2019 14:33

Một tàu container có chiều dài, tải trọng lớn nhất từ trước đến nay cập cảng Chu Lai. Sự kiện này là động lực mới nhất, cùng với quy hoạch sân bay được điều chỉnh đã nuôi dưỡng khát vọng đưa Chu Lai trở thành địa chỉ có cảng hàng hải, hàng không quốc tế năng động nhất miền Trung.

Cảng Chu Lai đón được tàu trọng tải lớn, sẽ chính thức trở thành cảng biển quốc tế trong nay mai. Ảnh: T.D
Cảng Chu Lai đón được tàu trọng tải lớn, sẽ chính thức trở thành cảng biển quốc tế trong nay mai. Ảnh: T.D

Năng lực hàng hải

Tàu container của hãng SITC HEBEI vận chuyển hàng của Công ty CP Thép Hòa Phát, các doanh nghiệp Khu công nghiệp Tam Thăng và VSIP Quảng Ngãi  từ Hàn Quốc đã cập cảng Chu Lai ngày 23.8 vừa qua. Kết thúc xếp dỡ hàng tại cảng này, SITC HEBEI lại vận chuyển hàng xuất khẩu (hạt nhựa Opec, sợi, tinh bột sắn, két giàn máy nóng, lạnh...) của các doanh nghiệp miền Trung đến các cảng khác. Con tàu này từ cảng Incheon (Hàn Quốc) đã ghé Thanh Đảo, Thượng Hải, Hồng Kông, Quảng Châu (Trung Quốc), Hải Phòng, Chu Lai, Đà Nẵng và tiếp tục đi Thâm Quyến, Hạ Môn (Trung Quốc) rồi quay trở về Incheon.

Con tàu có chiều dài và tải trọng lớn nhất (172m, rộng 27,6m, tải trọng 22.000 tấn) từ trước đến nay cập cảng Chu Lai chỉ là một lát cắt trên hành trình trở thành loại I của cảng Chu Lai. Kể từ chuyến tàu SITC từ cảng Incheon (Hàn Quốc) trọng tải 20.000 tấn cập bến cảng số 1 Tam Hiệp an toàn ngày 5.8.2016, cảng biển nội địa này đã thành một “cảng quốc tế”, xuất khẩu trực tiếp tại Quảng Nam, trở nên nhộn nhịp khác thường. Hàng hóa hai chiều đến Hàn, Nhật và các cảng quốc tế khác. Cảng Chu Lai đã liên tiếp đón các chuyến tàu SITC cập cảng với tần suất trung bình từ 1 – 2 chuyến/tuần. Đội tàu SITC trọng tải lớn sẽ tiếp tục cập cảng Chu Lai với tần suất 1 chuyến/tuần. Ông Sun Yong Li - Tổng Giám đốc hãng tàu SITC cho biết, những chiếc tàu của hãng sẽ mang hàng hóa Chu Lai, Quảng Nam đến trung tâm trung chuyển khu vực và ra thế giới.

 

Một bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng đã chính thức được khởi công xây dựng hồi tháng 3.2019. Có thể khẳng định sự đầu tư mở rộng cảng, đón tàu có chiều dài và tải trọng lớn đã chứng minh năng lực của Thaco trong việc biến cảng sông Chu Lai có quy mô lớn duy nhất được định hướng cảng container lớn nhất miền Trung, trở thành một cảng quốc tế xuất khẩu trực tiếp. Theo kế hoạch, Thaco sẽ tiếp tục mở thêm các tuyến hàng hải quốc tế, hợp tác với các hãng tàu lớn trên thế giới, đẩy mạnh hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Chu Lai. Năm 2019, Thaco sẽ vận chuyển gần 54.500 tấn hàng rời, gần 51.300 container hàng hóa bằng đường bộ, đường biển. Sẽ tiếp nhận 791 lượt tàu cập cảng, với sản lượng hàng hóa qua cảng đạt trên 3,5 triệu tấn, tăng 30% so năm 2018. Cảng Chu Lai sẽ kết nối giao thương miền Trung – Tây Nguyên, Nam Lào, bắc Campuchia…, mở cửa ngõ ra Biển Đông của vùng Đông Bắc Á. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay chính quyền hỗ trợ nhà đầu tư nạo vét thêm luồng lạch để đón tàu lớn vào cảng. Sẽ rộng đường mở các tuyến hàng hải quốc tế trực tiếp từ Nhật Bản, Hàn Quốc và cộng đồng các nước ASEAN đến Quảng Nam và khu vực miền Trung.

Chờ đợi đầu tư vào sân bay

Khác với vẻ sôi động, nhộn nhịp của cảng biển, Cảng hàng không Chu Lai vẫn chưa có nhiều thay đổi. Mỗi ngày có 8 chuyến bay về hai đầu đất nước và 80% hành khách đến từ Quảng Ngãi. Ba hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đang khai thác cảng này.

Hy vọng sân bay Chu Lai trở thành một cảng hàng không quốc tế được nhen nhóm từ Quyết định điều chỉnh quy hoạch một số hạng mục công trình tại cảng hàng không này mà Bộ GTVT vừa ban hành. Theo quy hoạch, Chu Lai là sân bay cấp 4F và sân bay quân sự cấp I vào năm 2030 với công suất 5 triệu lượt hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Một khi được nâng cấp, sân bay này sẽ đón được các loại máy bay thân rộng như Airbus A380 hay Boeing 747-8. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, cơ quan điều hành cảng hàng không này sẽ điều chỉnh phân kỳ đầu tư đồng bộ đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các công trình phụ trợ khác…, bảo đảm đáp ứng yêu cầu khai thác 5 triệu hành khách/năm. Nếu đúng như lộ trình và kêu gọi được đầu tư, khi nâng cấp, sân bay Chu Lai có đủ quỹ đất mở rộng khi có nhu cầu, sẽ không dừng ở 1 nhà ga hành khách công suất 0,75 triệu lượt khách/năm như hiện tại mà sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế và đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực.

“Thân phận” của sân bay Chu Lai luôn đặt lên bàn nghị sự từ khi chính thức mở cửa một phần thành sân bay dân sự năm 2005. Không ít những thông tin về dự án “Nghiên cứu chuẩn bị dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai” do Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ (USTDA) tài trợ từ nguồn vốn của Chính phủ Hoa Kỳ vào danh mục tài trợ chính thức. Ngày 25.3.2013, Công ty Parsons Brinckerhoff (Hoa Kỳ) tại Việt Nam đã chính thức ký kết hợp đồng với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam về nghiên cứu tính khả thi sân bay Chu Lai từ vốn tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ để hình thành sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế. Không chỉ vậy, Thiên Tân Group - Quảng Ngãi và Tập đoàn Jk & D Intrernational, Ltd  (Hoa Kỳ), liên danh Tư vấn Tedi (Việt Nam) và OCG (Nhật Bản), Vietjet Air… đã đề xuất tìm nguồn đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Chu Lai. Tuy nhiên, tất cả đề xuất, dự án hay ý tưởng đó cũng chỉ là dự phóng tương lai. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho hay, hiện sân bay Chu Lai mới dừng ở quy hoạch được ký và thông báo của Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh quy hoạch, thực hiện xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp sân bay Chu Lai thôi. Chưa có thông tin gì mới về các dự án đầu tư vào sân bay này!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạ tầng cảng và sân bay Chu Lai: Nuôi dưỡng khát vọng đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO