Hạ tầng giao thông: Dành nhiều nguồn lực

Thực hiện chuyên đề: TRẦN CÔNG TÚ 19/10/2013 08:37

Nỗ lực phát triển HTGT thời gian qua trên địa bàn tỉnh mang lại kết quả tích cực. Thế nhưng, công tác này vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế về nguồn lực thực hiện và cách thức, hiệu quả triển khai chưa đồng bộ.  

Khắc phục khó khăn

Quảng Nam ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến nước ta. Nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngày 24.2.2011, Chính phủ đã đề ra Nghị quyết số 11/NQ-CP; trong đó yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, vì lý do đó, nhiều dự án đầu tư HTGT trên địa bàn tỉnh bị ngừng, đình hoãn hoặc giãn tiến độ triển khai. Khó khăn là vậy, song nhờ sự quan tâm tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cộng đồng doanh nghiệp; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, các chương trình, đề án đầu tư bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể tập trung nhiều nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông.

Gói thầu 3A thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được triển khai. Ảnh: CÔNG TÚ
Gói thầu 3A thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được triển khai. Ảnh: CÔNG TÚ

Thời gian qua, nhiều tuyến đường giao thông đã và đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây mới. Nhìn tổng quan, mạng lưới giao thông hình thành thông suốt từ quốc lộ (QL) đến tỉnh lộ (ĐT); từ trung tâm tỉnh lỵ đến tất cả các huyện, thành phố và trung tâm các xã, thôn, bản; đi các tỉnh Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng và đặc biệt là nước bạn Lào. “Sản phẩm tiêu biểu” qua việc quan tâm đầu tư HTGT thể hiện rõ nét ở một số công trình trọng điểm đang được thực thi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tuyến QL 1 đã đầu tư mở rộng đạt quy mô đường cấp II, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe máy và xe thô sơ có dải phân cách cứng cho trên 5km (đoạn Tứ Câu - Vĩnh Điện) theo hình thức BOT. Các nhà thầu BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) đang xúc tiến đầu tư các đoạn còn lại. Dù gặp trở ngại về vốn, Quảng Nam vẫn nỗ lực khắc phục tiếp tục triển khai tuyến đường ven biển từ Thăng Bình nối Tam Kỳ - Núi Thành; dự án cầu Cửa Đại thực hiện cơ bản xong phần chân móng và một số trụ đỡ chính.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch đầu tư, các QL 14B, 14E, 14D và 49km đường Nam Quảng Nam (giai đoạn I) qua địa bàn tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh 328,53/463,8km mặt nhựa và bê tông xi măng. Nâng cấp hơn 130km các tuyến ĐT với tổng kinh phí hơn trên 400 tỷ đồng. Trên 30 tuyến đường ô tô đến trung tâm xã với tổng chiều dài khoảng 464km cũng được nâng cấp. Còn 2 xã Chơ Chun (Nam Giang) và Trà Sơn (Bắc Trà My) mới chia tách là chưa có đường ô tô. Cạnh đó, hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) được bê tông hóa hơn 1.020km. Các tuyến đường sau khi đầu tư hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT); hàng hóa, sản phẩm, nông sản tiêu thụ được dễ dàng, thúc đẩy phát triển sản xuất; chi phí vận chuyển giảm đáng kể. Làng quê ngày thêm đổi mới, khang trang, xanh - sạch - đẹp. Đường thông thoáng, xuyên suốt đã tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Chưa đáp ứng nhu cầu phát triển

Thời gian qua, trừ các dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách (như cầu Gò Nổi), dự án trọng điểm quốc gia và các dự án được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), một số công trình mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ (TPCP) trên địa bàn tỉnh chưa thể khởi công xây dựng hoặc bị đình hoãn, giãn tiến độ. Điển hình là đường Trà My - Phước Thành (Nam Trà My - Phước Sơn), đường Nam Quảng Nam (Quảng Nam - Kon Tum) giai đoạn II. Vì lẽ đó, cầu Sông Trường và cầu Nước Oa trên tuyến ĐT616 thường xuyên bị ách tắc, mất an toàn vào mùa mưa lũ được đưa vào giai đoạn II của dự án đường Nam Quảng Nam, song nguồn vốn TPCP rất hạn chế nên chưa thể triển khai tiếp. Bộ GTVT mới công nhận đường Nam Quảng Nam trở thành QL40B, nên công tác đầu tư sẽ do Trung ương quyết định.

Quảng Nam đã thi công hoàn thành cầu mới Tứ Câu (trên tuyến ĐT603 nối QL 1 và ĐT607), cầu mới Gò Nổi (trên tuyến ĐT610B nối với QL 1). Bên cạnh các dự án cầu mới Bà Rén, Hương An thay thế cầu cũ trên QL 1 xuống cấp nghiêm trọng được đưa vào sử dụng, vừa qua, Trung ương tiến hành khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại khu vực gói thầu 3A, thuộc địa phận thôn Kỳ Long (xã Điện Thọ, Điện Bàn). Thời gian tới, Quảng Nam ưu tiên nạo vét luồng cảng Kỳ Hà, xây dựng đưa vào sử dụng cảng Tam Hiệp đảm bảo tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn phục vụ phát triển Khu Kinh tế mở Chu Lai. Xúc tiến nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Chu Lai…

Có thể khẳng định, HTGT của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của kinh tế - xã hội, mặc dù đang đi đúng lộ trình vạch ra. Giám đốc Sở GTVT - ông Trương Văn Cận nhìn nhận, các tuyến trục chính hình thành song chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, nhiều công trình xây dựng dở dang. Mạng lưới ĐT xuống cấp nhanh, không ít tuyến quan trọng đi lại khó khăn, tính cơ động thấp gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông, mất ATGT. Số lượng mặt đường được thảm nhựa, bê tông xi măng ngày càng nhiều nhưng quy mô hạn chế, tải trọng khai thác thấp, thiếu đồng bộ và kém bền vững. Dự tính các tuyến ĐT sẽ được nâng cấp và mở rộng nhưng vì thiếu vốn nên đành “gác lại”, chỉ sửa chữa lớn bề mặt trên hiện trạng cũ. Ở vùng sông nước, các tuyến đường thủy nội địa chưa được nạo vét luồng lạch, mới khai thác dòng chảy tự nhiên và bị lấn chiếm; đò ngang còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Cảng hàng không Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà đã được đầu tư khai thác bước đầu, nhưng quy mô hạn chế nên không tương xứng tiềm năng sẵn có.

Muốn đưa Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, HTGT phải tiếp tục được đầu tư đồng bộ, an toàn theo hướng lan tỏa, thúc đẩy phát triển từ đông sang tây trong mối quan hệ tác động lẫn nhau. Hiện Quảng Nam đang ưu tiên gỡ những “nút thắt” nguồn vốn, giải phóng mặt bằng và nâng cấp các công trình hiện tại, song cần đảm bảo cho xây dựng HTGT dài hạn. Hiện thực hóa mục tiêu trên, Quảng Nam cần tập trung phối hợp cùng Trung ương đẩy nhanh triển khai đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Đông Trường Sơn, mở rộng các QL1, 14D, 14E, 14G, giai đoạn II của QL 40B qua địa bàn tỉnh, nối dài QL14E đến đường ven biển. Các tuyến huyết mạch này đều nằm trong quy hoạch phát triển giao thông của Trung ương, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tiếp tục xúc tiến xây dựng cầu Giao Thủy, điểm nối liền các huyện Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc đến TP.Đà Nẵng. Ưu tiên hoàn thành công trình cầu Cửa Đại, hoàn thiện tuyến giao thông ven biển từ Cẩm An (Hội An) đến Tam Tiến (Núi Thành). Nâng cấp các trục liên kết đông - tây, nhất là ĐT, sửa chữa các tuyến đường huyện nhằm đảm bảo liên kết trục chính; đồng thời “về đích” đề án phát triển GTNT đến năm 2015, gắn chương trình với xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện chuyên đề: TRẦN CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạ tầng giao thông: Dành nhiều nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO